Hội Nông dân huyện Triệu Sơn phối hợp nâng cao chất lượng Tổ vay vốn
Chất lượng Tổ vay vốn không chỉ nói lên việc quản lý tốt nguồn vốn mà còn thể hiện việc người nông dân ở địa phương đó đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả. Theo ông Nguyễn Thọ Phong, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Triệu Sơn, ở đâu làm tốt Nghị quyết liên tịch (NQLT) 02 giữa Hội Nông dân với Ngân hàng NN&PTNT thì kinh tế ở đó phát triển, đời sống nhân dân ấm no, cơ sở hạ tầng được xây dựng, nhân dân thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của chính quyền, thêm gắn bó với hội và xây dựng hội vững mạnh hơn.
Thực hiện NQLT 02, đến nay, trên địa bàn huyện đã thành lập được 322 tổ tín chấp vay vốn với 12.304 thành viên, tổng dư nợ tính đến hết tháng 12-2013 là hơn 312 tỷ đồng, 98% tổ xếp loại A. Hội Nông dân huyện Triệu Sơn là một trong những đơn vị dẫn đầu về thực hiện NQLT 02. Tổ vay vốn được thành lập không những đáp ứng cho hội viên nông dân về việc vay vốn, tăng cường sự quản lý của Hội về sử dụng vốn vay, mà còn là nơi trao đổi khoa học - kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất cho các thành viên trong Tổ, nâng cao nhận thức về sử dụng đồng vốn.
Hội Nông dân xã Vân Sơn, đơn vị có tổng dư nợ hơn 11 tỷ đồng, 11 Tổ vay vốn đều xếp loại A. Ông Cao Bá Thắm, Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết: “muốn nguồn vốn được bảo đảm, phát huy tốt hiệu quả, Hội phải quan tâm từ khâu khảo sát đến thẩm định, khả năng đầu tư của hộ gia đình có khả thi hay không. Bên cạnh đó là tư vấn để hộ vay vốn có thêm thông tin lựa chọn đầu tư ngay sau khi đồng vốn được giải ngân”.
Gia đình ông Nguyễn Văn Chung, Chi hội trưởng chi Hội Nông dân đồng thời là Tổ trưởng Tổ vay vốn thôn 7, xã Vân Sơn, là một ví dụ điển hình trong cách phát huy tốt đồng vốn. Năm 2005, ông nhận thầu khu đất gần 1 ha để xây dựng trang trại, song đồng vốn eo hẹp, ông chỉ quanh quẩn với mấy cây ngô, cây rau và chăn nuôi nhỏ phục vụ gia đình. Năm 2010, tham gia Tổ vay vốn và được vay 20 triệu đồng, ông đầu tư nuôi bò sinh sản, nguồn vốn như tiếp thêm thuận lợi cho gia đình ông trong việc phát triển kinh tế trang trại, mang về nguồn thu ổn định khoảng hơn 30 triệu đồng/năm (đã trừ chi phí) và nhân đàn bò từ 2 con lên 6 con với trị giá hơn 100 triệu đồng. Còn tại Tổ vay vốn do ông làm Tổ trưởng có 65 thành viên, bình quân mỗi hộ đều tích lũy được hơn 20 triệu đồng/năm và năm 2013 cả xã có 50 hộ được giúp đỡ thoát nghèo.
Để giúp hội viên nông dân nắm vững kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, mỗi năm các cấp Hội trong huyện phối hợp với Trung tâm Chuyển giao công nghệ hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh), Trạm Khuyến nông, Phòng NN&PTNT huyện... tổ chức hàng trăm lớp tập huấn khoa học - kỹ thuật cho hàng chục ngàn lượt hội viên nông dân tại cơ sở; phối hợp với các Ngân hàng tổ chức tập huấn cho các Tổ trưởng vay vốn về phương pháp quản lý, điều hành Tổ vay vốn.
Ông Trịnh Minh Chính, Tổ trưởng Tổ vay vốn thôn 12, xã Dân Lý - đơn vị nhiều năm liền được công nhận là Tổ vay vốn loại A cho rằng: “muốn Tổ vay vốn hoạt động hiệu quả trước hết tổ trưởng phải có trách nhiệm, nhiệt tình, tâm huyết với công việc và nắm vững các nguyên tắc trong hoạt động, điều hành, quản lý Tổ. Thường xuyên cùng cán bộ Ngân hàng kiểm tra việc đầu tư phát triển kinh tế của các thành viên, theo dõi quá trình sử dụng đồng vốn, đưa ra những dự báo về việc sản xuất, kinh doanh của các thành viên để có phương pháp giúp đỡ, hỗ trợ cũng như thu hồi vốn”.
Việc phát huy tốt nguồn vốn vay của các cấp Hội Nông dân huyện Triệu Sơn đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng chung của huyện đạt 11,2%, từng bước thực hiện thành công kế hoạch giúp đỡ 2.500 hộ nông dân thoát nghèo từ nay đến năm 2017, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 8% trên toàn huyện.
Theo Thanh Hóa Online