Câu Hỏi: Mục đích, nguyên tắc hoạt động và mối quan hệ giữa Tổ tiết kiệm và vay vốn với UBND xã, các tổ chức chính trị-xã hội và Ngân hàng CSXH?
Trả lời:
Theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ TK&VV (Ban hành kèm theo Quyết định số 15/QĐ-HĐQT ngày 5/3/2013 của Hội đồng quản trị NHCSXH): Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) là tập hợp các hộ gia đình cùng sinh sống trên cùng một địa bàn dân cư: thôn, ấp, bản, làng... có nhu cầu vay vốn Ngân hàng CSXH.
Mục đích thành lập Tổ TK&VV là để nhằm tập hợp hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn của ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để SXKD, tạo việc làm, cải thiện đời sống; cùng tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất kinh doanh và đời sống; cùng giám sát nhau trong việc vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ ngân hàng; các tổ viên giúp đỡ nhau từng bước có thói quen thực hành tiết kiệm để tạo lập nguồn vốn tự có và quen dần với sản xuất hàng hoá, hoạt động tín dụng và tài chính; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ viên trong việc vay vốn và trả nợ ngân hàng.
Nguyên tắc thành lập và hoạt động của Tổ là: Tự nguyện, đoàn kết, tương trợ, cùng có lợi; các tổ viên cam kết cùng thực hiện đúng nghĩa vụ khi vay vốn, trả nợ và các nghĩa vụ khác theo quy định tại Khoản 2, Điều 14 của Quy chế tổ chức và hoạt động của tổ TK&VV; tổ hoạt động theo nguyên tác tập thể, biểu quyết theo đa số dưới sự điều hành của Ban quản lý tổ.
- Quan hệ với UBND: Tổ được thành lập và hoạt động khi được UBND cấp xã chấp thuận chịu sự chỉ đạo, quản lý, kiểm tra trực tiếp của UBND cấp xã. UBND cấp xã chỉ đạo Trưởng thôn phối hợp với NHCSXH, các tổ chức chính trị - xã hội kiểm tra, giám sát hoạt động của Tổ, hoạt động ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội tại địa bàn thôn; theo dõi giúp đỡ người vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả; đôn đốc người vay trả nợ, lãi Ngân hàng đầy đủ; tích cực xử lý các khoản nợ quá hạn.
Tổ có trách nhiệm báo cáo thường xuyên với UBND cấp xã về tình hình sử dụng vốn vay của tổ viên, tình hình hoạt động của Tổ và các vấn đề phát sinh trong việc thực hiện Quy ước.
- Với các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác: Các tổ chức Hội, đoàn thể nhận ủy thác động viên hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác gia nhập Tổ, thực hành tiết kiệm, tương trợ nhau trong sản xuất và đời sống, trả nợ NHCSXH đúng hạn, mang lợi ích cho các tổ viên và cộng đồng. Tổ có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức Hội, đoàn thể trong việc gắn sinh hoạt Tổ với sinh hoạt của các tổ chức chính trị - xã hội.
Các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác cho vay có trách nhiệm theo dõi giám sát hoạt động của Tổ đảm bảo đúng Quy chế và theo các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ uỷ thác của NHCSXH, đồng thời phối hợp với Ngân hàng tổ chức thực hiện việc đào tạo nâng cao trình độ quản lý cho Ban quản lý Tổ.
- Với NHCSXH: Là mối quan hệ trong việc hướng dẫn tổ viên về thủ tục vay vốn và gửi tiền, kiểm tra việc sử dụng tiền vay và trả nợ Ngân hàng, hướng dẫn các hoạt động tiết kiệm, cách ghi chép về các nội dung liên quan đến hoạt động của Tổ, thống kê báo cáo; các hoạt động ủy nhiệm và xử lý nợ; đồng thời là mối quan hệ phối hợp tuyên truyền các chế độ, chủ trương, chính sách tín dụng của Đảng, Chính phủ tới tổ viên.
Ngoài việc uỷ thác cho tổ chức chính trị - xã hội theo dõi, giám sát, đôn đốc hoạt động của Tổ, NHCSXH có trách nhiệm theo dõi, giám sát hoạt động của Tổ, đồng thời phối hợp với UBND cấp xã và tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tổ chức thực hiện việc đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ, quản lý cho Ban quản lý Tổ
Đức Trung