Chia sẻ của những hộ dân mới thoát nghèo cho thấy sự cần thiết ban hành chính sách vốn ưu đãi cho những hộ này. Chính phủ cũng như các Bộ, ngành có liên quan nên xem xét sớm việc thực hiện Dự thảo để những hộ mới thoát nghèo không bị tái nghèo...
Hộ mới thoát nghèo khao khát vốn vay ưu đãi
Tính đến cuối tháng 10/2014, NHCSXH tỉnh Nghệ An đã cho vay hộ nghèo là hơn 470 tỷ đồng; hộ cận nghèo hơn 412 tỷ đồng; hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn là hơn 88 tỷ đồng; NS&VSMTNT là hơn 12 tỷ đồng;…
|
Sau khi những hộ nghèo được vay vốn ưu đãi của NHCSXH để phát triển kinh tế vươn lên hộ khá, hộ giàu, có những trường hợp rơi vào diện hộ cận nghèo, ngày 23/2/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/QĐ-TTg về việc cho hộ cận nghèo được vay vốn chính sách ưu đãi của NHCSXH. Chương trình được thực hiện thì những hộ nghèo, hộ cận nghèo nói riêng và người dân nói chung hết sức phấn khởi…
Những hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận vốn để sản xuất, kinh doanh đã phát huy nguồn vốn một cách hiệu quả, những hộ làm kinh tế giỏi đã có nhiều hộ thoát nghèo. Tuy nhiên, bên cạnh đó có những hộ dân rơi vào tình trạng “lơ lửng” thiếu vốn sản xuất, không đủ tiền tiếp tục phát triển kinh tế. Họ không đủ tiềm lực để vay vốn ở những ngân hàng không có ưu đãi hoặc những nguồn vốn khác lãi suất cao hơn. Do đó, cần có một chính sách giúp những hộ mới thoát nghèo có thêm tư liệu sản xuất, có kinh phí để tiếp tục phát triển kinh tế, đầu tư vào những mô hình đã đầu tư trước đó.
Gia đình bà Trần Thị Xoan sinh năm 1961, trú xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) năm 2010 - 2011 thuộc diện hộ nghèo, với chính sách vay vốn ưu đãi, hộ này được vay 30 triệu đồng của NHCSXH. Gia đình mua 1 con trâu, chăn nuôi gà, lợn, vịt… đến nay trâu sắp sinh lứa đầu tiên, đàn gia cầm gần 100 con. Bà Xoan phấn khởi cho biết: “May nhờ vốn chính sách của Nhà nước cho vay mua được trâu để cày kéo, trâu sắp sinh lứa đầu tiên nên có khả năng trả nợ…”.
Cũng như gia đình bà Xoan, chị Phan Thị Nhung, xã Hưng Tân thuộc diện hộ nghèo năm 2012, sau khi được vay vốn NHCSXH để làm kinh tế, năm 2014 chị vươn lên thoát nghèo, nhưng hiện gia đình đang cần có thêm nguồn vốn để tiếp tục đầu tư làm ăn. Nói về chính sách này, bà Xoan, chia sẻ: “Gia đình thuộc hộ nghèo được Nhà nước quan tâm cho vay vốn thoát nghèo, nhưng giờ mà được vay thêm vốn ưu đãi khoảng 30 triệu đồng nữa để phát triển đàn lợn giống, chăn nuôi thêm vịt, gà… thì tốt quá. Có chính sách như rứa, những hộ nghèo như nhà tôi phấn khởi và mừng lắm…”.
Cần được “tiếp sức”
Chị Phan Thị Thuận - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hưng Tân, nói: “Nếu bà con được tiếp tục vay vốn theo diện hộ mới thoát nghèo thì quá tốt. Vốn này sẽ giúp nhiều hộ không bị tái nghèo, có thể phát triển vươn lên hộ khá và hộ giàu…”. Theo chị Thuận, hiện nhiều hộ dân thoát nghèo của địa phương có nhu cầu vay vốn theo diện được ưu đãi về lãi suất này.
Chị Lê Thị Hương Giang - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Nghệ An, chia sẻ: “Dù các hộ dân thoát nghèo rồi nhưng nhiều nguyên nhân dễ dẫn đến tái nghèo như thiên tai, mất mùa, bệnh tật, ốm đau… Những dự án kinh tế họ đầu tư trước đó cần được tiếp thêm vốn để họ nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững. Nếu có chính sách cho hộ mới thoát nghèo tiếp tục vay vốn, cá nhân tôi và tổ chức hội cũng rất mừng cho chị em và bà con…”.
Còn ông Trần Văn Hường - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An, nhận định: “Khi hộ nghèo thoát nghèo thì chứng tỏ họ có ý chí vươn lên, nếu họ không được “tiếp sức” nữa thì rất có thể tái nghèo. Nếu được vay vốn theo đối tượng mới thoát nghèo, tôi nghĩ họ sẽ được tiếp thêm sức mạnh vươn lên làm ăn bền vững. Đề án này rất cần thiết và quan trọng với nông dân nói riêng và những hộ nghèo mới thoát nghèo nói chung…”.
Ông Nguyễn Đăng Dương - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, cùng quan điểm: “Đây là chính sách đúng đắn và thiết thực đối với người dân, khuyến khích họ thoát nghèo một cách bền vững, sẽ hạn chế được tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn cả nước, tránh tâm lý ỷ lại không chịu thoát nghèo của một số hộ dân…”.
Bài và ảnh Ngô Toàn - Trần Việt
(Theo VBSP News)