Nâng cao hiệu quả đánh bắt thủy sản xa bờ, bảo đảm chủ quyền biển đảo
02:53 - 21/05/2014
(Quỹ HTND) - Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) đã thông qua Nghị quyết “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” xác định mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển.

 Ngư dân cùng nhau ra khơi bám biển

Tổ chức lại sản xuất

Những năm qua, khai thác thủy sản đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được kết quả quan trọng. Tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt gần 3 triệu tấn, thu hút hàng triệu lao động tham gia. Cả nước hiện có trên 117.000 tàu cá, trong đó tàu cá có công suất trên 90CV đạt trên 23,1% tổng số tàu. Hiện nay, cả nước đã hình thành 3.750 tổ đội sản xuất trên biển với trên 145.000 lao động, góp phần đáng kể vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của quốc gia.

Song, khai thác thủy sản trên biển đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Hiện nay, số lượng tàu đánh bắt gần bờ vẫn chiếm gần 80% tổng số tàu, trong khi ngư trường gần bờ báo hiệu nguồn lợi thủy sản đang có dấu hiệu suy giảm, nhiều vùng biển bị suy kiệt do việc khai thác tận diệt, không kịp tái sinh. Hệ thống cơ sở hạ tầng nghề cá chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều nơi xuống cấp; hệ thống bảo quản sản phẩm khai thác còn thô sơ vì thế chất lượng sản phẩm và tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch còn cao và người ngư dân khai thác trên biển còn gặp nhiều khó khăn.

Để nâng cao hiệu quả trong khai thác thủy sản cần từng bước hiện đại đội tàu khai thác theo hướng gia tăng các tàu công suất lớn khai thác ở vùng biển xa và giảm bớt tàu khai thác gần bờ, đồng thời phải tổ chức lại sản xuất trong khai thác trên biển để vừa nâng cao hiệu quả kinh tế đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc.

Ai cho ngư dân vay?

Tuy nhiên, để hiện thực hóa chủ trương này đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Để đóng mới, cải hoán một con tàu đánh bắt xa bờ dài ngày trên biển, đòi hỏi phải có số tiền rất lớn so với “tài sản” hiện có của ngư dân. Trong khi đó khai thác ở vùng biển xa luôn tiềm ẩn những rủi ro khó lường như bão gió, bị nước ngoài bắt, cướp…Nhiều ngư dân khi được hỏi đã thành thật nói rằng không “dám” vay ngân hàng để đầu tư con tàu đánh bắt xa bờ, mặc dù đó vẫn là điều mơ ước. Về phía ngân hàng cũng không dám “mạnh dạn” cho người dân vay số tiền lớn để tự mình làm chủ một con tàu vươn khơi xa. Những rủi ro tín dụng của chương trình cho vay đánh bắt xa bờ năm 1997 hậu quả vẫn còn đến ngày nay như là minh chứng nhắc nhở các ngân hàng phải thận trọng khi xem xét cho vay đóng tàu của ngư dân.

Giám đốc nhiều ngân hàng phân trần: Chúng tôi muốn cho ngư dân vay lắm nhưng số tiền vay để đóng mới một con tàu quá lớn so với thu nhập của người vay, trong khi đó đánh bắt trên vùng biển xa rủi ro luôn rình rập đối với ngư dân và khoản tiền đầu tư của ngân hàng. “Không có tài sản bảo đảm, thiếu bảo hiểm rủi ro thì làm sao ngân hàng có thể cho vay được”.

Có Ngân hàng chia sẻ: Tàu có bảo hiểm đầy đủ nhưng khi gặp tai nạn rủi ro trên biển thì bảo hiểm lại tìm lý do để không thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm, như tàu đó thiếu các giấy chứng nhận về thuyền trưởng, máy trưởng hoặc các thiết bị an toàn khi ra khơi đánh bắt cá.     

Để đóng mới mới con tàu trên 100 CV, đủ sức đương đầu nơi khơi xa thì cần khoảng 3-5 tỷ đồng, ngư dân không có tài sản có giá trị tương đương để thế chấp vay số tiền trên. Thế chấp bằng chính con tàu? Nhưng nhiều ngân hàng từ chối với lý do: Quanh năm tàu ra khơi chúng tôi có quản lý được đâu, nếu khách hàng không trả nợ thì chúng tôi cũng khó mà giữ con tàu được vì nếu giữ phương tiện của họ thì họ lấy gì làm ăn và trả nợ ngân hàng. Nếu bắt tàu phát mại thì biết bán cho ai mà giữ lâu trong bờ thì tàu mục nát, hỏng hóc ai chịu trách nhiệm?

Nhiều ngân hàng chia sẻ: Tài sản thế chấp đã khó khăn, ngân hàng chúng tôi lại không thể quản lý được dòng tiền cho vay. Ngư dân ra khơi đến 4-5 tháng để đánh bắt cá và khi có sản phẩm họ bán ngay ngoài biển, thậm chí cho các thương lái nước ngoài, để quay ra chuyến tiếp hoặc tàu của họ cập vào một cảng cá nào đó để bán rồi lại quay ra biển thì ngân hàng nào biết được để thu nợ. Tại Hội nghị lớn bàn về khai thác thủy sản, lãnh đạo một tỉnh ven biển miền trung tuyên bố đời sống của ngư dân đã “khá” lên nhiều nhưng…vẫn thiếu nợ ngân hàng.

Hỗ trợ ngư dân bám biển

Tại Hội nghị về thủy sản ngày 15/4/2014, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì tại Đà Nẵng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã tuyên bố: ngân hàng có thể dành 10.000 tỷ đồng để cho vay đóng mới,  cải hoán tàu cũ để đánh bắt xa bờ, với thời hạn và lãi suất ưu đãi (lãi suất khoảng 5%, thời hạn vay 10 năm).

Tuy nhiên, việc cho vay không thể tiếp tục theo mô hình đơn lẻ trước đây mà phải thông qua các mô hình liên kết theo chuỗi và hiệu quả kinh tế cho ngư dân phải tăng lên. Tuy nhiên điểm mấu chốt là phải tổ chức lại sản xuất trên biển, nhằm tăng cường liên kết kinh tế thực sự giữa các thành viên tham gia.

Chia sẻ về “gói” tín dụng 10.000 tỷ, một vị có trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước nói rằng: Chúng tôi có thể cho  ngư dân vay để hình thành các tổ, đội tàu đánh bắt xa bờ với lãi suất và thời hạn ưu đãi, tuy nhiên các tàu này phải có liên kết kinh tế thực sự khi tham gia khai thác trên biển xa và nếu có sự tham gia của các doanh nghiệp, cơ sở chế biến trên bờ nữa thì càng tốt và họ cũng sẽ được hưởng các chính sách này. Các tàu ra khơi  được cơ sở hậu cần nghề cá cung cấp xăng dầu, thực phẩm, đá cây…Khi có sản phẩm thì họ phải bán lại cho các cơ sở này để bảo quản và đưa vào bờ chế biến tiêu thụ. Như vậy, về vốn lưu động ngân hàng chỉ cần cho vay một đầu mối là cơ sở hậu cần của nhóm liên kết. Khi họ thu mua và tiêu thụ được cá của các tàu thì họ trả nợ ngân hàng.

Với  cách ấy, ngân hàng có thể kiểm soát được dòng tiền. Thậm chí, ngân hàng sẵn sàng cho vay để ngư dân đóng những con tàu “mẹ”, là cơ sở hậu cần cho cả nhóm. Tiền đã thông, điểm mấu chốt là phải tổ chức lại sản xuất, hình thành các mô hình liên kết thực sự trên biển, để đương đầu với những khó khăn, thách thức.  Để triển khai chương trình này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ ngành có liên quan, đặc biệt là sự vào cuộc của chính quyền các tỉnh, thành phố  ven biển. Lãnh đạo UBND thành phố Đà Năng cũng tuyên bố nếu ngân hàng cho ngư dân vay đóng tàu với lãi suất 5% thì ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ ngư dân thêm 2% và ngư dân chỉ còn phải trả 3%/năm.  Đó thật sự là nguồn động lực quý giá cho hàng triệu ngư dân đang ngày đêm bám biển bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.                         

Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam  

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng