Nông dân làm du lịch
08:35 - 07/03/2014
Dự án “Thành lập trung tâm du lịch nông dân” của Hội Nông dân (ND) tỉnh An Giang đã mang lại cơ hội việc làm và tăng thêm thu nhập cho hàng ngàn ND. Phần đông trong số này là đồng bào vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Dự án “Thành lập trung tâm du lịch nông dân” do Agriterra (tổ chức nông dân Hà Lan) tài trợ, được triển khai từ tháng 7.2011, với tổng trị giá trên 19 tỷ đồng chia làm 2 giai đoạn. Dự kiến, dự án sẽ kết thúc vào cuối năm 2014.

Làm du lịch bài bản

Ông Châu Văn Ly - Phó Chủ tịch Hội Nông dân (ND) tỉnh An Giang, Phó Ban điều hành dự án cho biết: “Mục đích của dự án là làm cho cộng đồng ý thức và khơi dậy thành phong trào ND làm du lịch, từ đó ND biết phát huy lợi thế sẵn có của mình, nâng lên thành sản phẩm du lịch ở nông thôn”.Đầu tư theo chiều rộng nhưng có bài bản chứ không chạy theo phong trào, có thể dễ dàng thấy được điều này qua các lớp tập huấn mà dự án đã thực hiện. Tính đến cuối năm 2013, dự án đã mở 27 lớp đào tạo cho gần 600 ND các kỹ năng cơ bản về làm du lịch, như kỹ năng giao tiếp, ẩm thực, phục vụ du khách, homestay (nghỉ tại nhà nông dân)… “Ngoài những lớp cơ bản, chúng tôi còn có những lớp nâng cao như: “Kỹ năng xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, riêng biệt”; “Kỹ năng quảng bá giao tiếp, thu hút khách du lịch”; “Kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh”; “Kỹ năng đàm phán và xử lý tình huống…” – ông Nguyễn Thanh Tùng-Trưởng bộ phận marketing dự án cho hay.

Điều ông Tùng nói đã được chị Trần Thị Bích Thủy - chủ quán ăn uống ở thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn minh chứng: “Các hộ tham gia dự án còn được hướng dẫn cách thức để bán sản phẩm du lịch của chính gia đình mình và những hộ ND xung quanh”.

Chị Néang Phương, chuyên làm bánh cà tum (một loại bánh truyền thống làm từ nếp của người dân tộc Khmer) ở xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn phấn khởi: “Năm rồi, tham gia chương trình của Trung tâm du lịch nông dân, được học lớp ẩm thực nên tôi gói bánh khéo hơn, đẹp hơn, có nhiều người đặt hàng lắm”.

Còn anh Võ Văn Tùng -chủ vườn sinh thái Vườn Táo ở ấp Mỹ An, xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên nhẩm tính: “Được sự hỗ trợ nhiều mặt của Trung tâm du lịch ND, quán ăn và vườn sinh thái của gia đình tôi trung bình mỗi tháng thu nhập thêm 10 triệu đồng”.

Đầu tư ít, thu nhập tăng

Riêng năm 2013, dự án đã triển khai tại 15 xã. “Nói du lịch nông dân hay ND làm du lịch nghe có vẻ lớn, nhưng dự án tập trung làm những chuyện khá đơn giản là khai thác tiềm lực (du lịch) sẵn có trong nông dân, ở nông thôn mà không phải đầu tư nhiều tiền” – ông Tùng khẳng định.

Ông Nguyễn Thanh Phong - Chủ tịch Hội ND tỉnh An Giang, Trưởng ban Điều hành dự án cho biết: “Những bước đi tiếp theo của Dự án “Thành lập trung tâm du lịch nông dân” là không để rơi vào tình trạng “ném đá ao bèo”; phải duy trì những thành quả có được từ dự án và phát huy theo hướng lâu dài và tính đến hiệu quả bền vững”.

Anh Chau Sóc San, sống bằng nghề làm cốm dẹt ở xã Ô Lâm “quảng bá”: “Nghề này tôi làm trước giờ thành thạo lắm, nhưng khi tham gia vào chương trình du lịch ND tôi được hướng dẫn cách làm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với khẩu vị của khách du lịch nên bán được nhiều hơn, có thêm việc làm cho con cháu trong gia đình”.

Ông Tùng cho biết, 15 xã triển khai dự án trong năm 2013 phần lớn là ở vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2013, hơn 60 hộ đã tham gia và tạo ra một “tổ hợp sản phẩm du lịch” với tổng giá trị đầu tư ước tính hơn 4 tỷ đồng (trong đó Tổ chức Agriterra tài trợ tiền mặt hơn 1 tỷ đồng). “Dự án đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho hàng ngàn ND. Hiệu quả kinh tế có thể chưa cao nhưng hiệu quả xã hội là vô cùng lớn lao. Chính vì vậy, Tổ chức Agriterra đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện dự án thêm nửa năm nữa” – ông Tùng cho hay.

Theo Dân Việt

 

 

 

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng