Huyện Chi Lăng (Lạng Sơn): Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nhờ vốn vay Quỹ HTND
15:24 - 14/12/2022
(Quỹ HTND) – Thời gian qua, hiểu được những khó khăn do thiếu hụt nguồn vốn đầu tư cho phát triển sản xuất, kinh doanh, Ban Thường vụ Hội ND huyện đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện các đề án, chương trình nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân trên địa bàn.

 
Hàng năm, việc huy động các nguồn lực để xây dựng và tăng trưởng vốn Quỹ HTND luôn được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Hội ND huyện quan tâm chỉ đạo các cấp Hội tích cực triển khai thực hiện với nhiều giải pháp cụ thể. Qua đó, góp phần xây dựng nguồn Quỹ HTND ổn định, tạo điều kiện cho ngày càng nhiều hộ hội viên, nông dân được tiếp cận đồng vốn, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo tại địa phương.

 
Với tổng nguồn vốn Quỹ HTND hiện đạt trên 3,8 tỷ đồng, Hội ND huyện đã giải ngân cho 208 gia đình hội viên, nông dân để thực hiện 27 dự án phát triển kinh tế. Nhờ đó, nhiều mô hình chuyển đổi sản xuất, dự án phát triển kinh tế được triển khai đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên, nông dân trên địa bàn.

 

Nguồn vốn Quỹ HTND giúp hình thành và phát triển mô hình nuôi ong lấy mật ở địa bàn xã Vân Thủy mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các gia đình hội viên, nông dân


Hiện nay, Quỹ HTND huyện đang thực hiện cho vay theo phương án sản xuất – kinh doanh, mỗi chu kỳ cho vay khoảng 2- 3 năm. Sau khi giải ngân cho vay, các cấp Hội cũng thường xuyên chú trọng tới công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo các hộ vay đều sử dụng đồng vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả.

 
Trong quá trình cho vay, Hội ND huyện luôn chú trọng đến khâu khảo sát, thẩm định, lựa chọn đúng đối tượng vay vốn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo các hộ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và đạt hiệu quả. Đồng thời, các cấp Hội còn tổ chức tư vấn, hướng dẫn xây dựng các dự án gắn với quy hoạch phát triển kinh tế chung của các địa phương.

 
Bên cạnh đó, các cấp Hội tích cực phối hợp với ngành chức năng tổ chức 184 cuộc tập huấn, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng cây ăn quả, chăn nuôi, cách sử dụng các loại phân bón, cách phòng trừ các loại sâu bệnh hại cây trồng… với 8.640 hội viên, nông dân tham gia. Đồng thời, hội viên, nông dân còn được trao đổi về kinh nghiệm sản xuất, tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh để vừa tích lũy được thêm kinh nghiệm vừa áp dụng vào các mô hình đầu tư đúng hướng, giúp mang lại hiệu quả.

 
Nhờ đó, các mô hình, dự án đều đã phát huy tính hiệu quả thiết thực. Thông qua các mô hình, dự án được triển khai trên địa bàn giúp cho nhiều hộ hội viên, nông dân có mức thu nhập đạt từ 200 - 500 triệu đồng/năm.

 
Nhìn chung, các nguồn vốn vay được hội viên, nông dân phát huy tốt, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn có thêm nguồn thu nhập ổn định. Từ đó, trên địa bàn xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình đạt hiệu quả rõ nét, giúp nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

 
Nhiều mô hình hiện cũng đang được các cấp Hội tiếp tục hướng dẫn và triển khai nhân rộng. Tiêu biểu như: Mô hình sản xuất na VietGAP (thị trấn Chi Lăng); trồng táo chuyên canh (xã Nhân Lý); mô hình nuôi ong lấy mật (xã Vân Thủy)… Đáng chú ý, nguồn vốn Quỹ còn góp phần thành lập Hợp tác xã nông nghiệp thôn Lũng Cút ở thị trấn Đồng Mỏ, đem lại thu nhập cao cho các thành viên.

 
Nguồn vốn Quỹ HTND đã hỗ trợ thiết thực giúp bà con nông dân chuyển đổi nhận thức để hướng sang sản xuất tập trung, liên kết và dần phát triển thành các vùng nguyên liệu lớn nhằm gia tăng năng suất và thu nhập. Mặt khác, các cấp Hội còn chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, công ty đóng trên địa bàn tổ chức tốt hoạt động bao tiêu sản phẩm đầu ra, giúp bà con nông dân yên tâm tập trung sản xuất. Nhiều dự án sau khi triển khai còn giúp các địa phương xây dựng được một số mô hình tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh.

 
Qua đánh giá, các dự án đều đã nộp phí và vốn đúng hạn. Các mô hình tổ nông dân liên kết duy trì thường xuyên các buổi sinh hoạt để tạo cơ hội cho bà con được trao đổi, học tập, truyền đạt kinh nghiệm trong sản xuất cũng như tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm nông sản... Đáng chú ý, việc thực hiện các mô hình, dự án cũng đã góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp trong việc điều hành và quản lý nguồn vốn vay; được cấp ủy, chính quyền địa phương nơi triển khai dự án đánh giá cao, góp phần nâng cao uy tín của tổ chức Hội trong hệ thống chính trị ở cơ sở.
 

 

Thành Vinh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng