Với nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt tập trung huy động mọi nguồn lực, trong đó lấy nguồn vốn ưu đãi làm chủ lực, cộng với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền địa phương và ý thức vươn lên thoát nghèo, làm giàu của người dân, chương trình giảm nghèo bền vững của huyện Tam Bình (Vĩnh Long) đã gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế xã hội ở vùng ĐBSCL.
|
Gia đình chị Kim Thị Lân, người dân tộc Khmer ở ấp Kỳ Xoang, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình vay vốn ưu đãi để đầu tư nuôi bò sinh sản, gia đình có cơ hội thoát nghèo |
Theo Giám đốc NHCSXH huyện Tam Bình, Nguyễn Hoàng Lâm với sự quan tâm của ngân hàng cấp trên và chính quyền địa phương, nguồn vốn hoạt động của đơn vị thời gian qua đã không ngừng tăng lên. Đến nay dư nợ cho vay của 12 chương trình trên địa bàn huyện là 336 tỷ đồng với một số chương trình có dư nợ lớn như cho vay hộ nghèo là 46 tỷ đồng, hộ cận nghèo 69 tỷ đồng.
Để chuyển tải kịp thời toàn bộ nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể cơ sở thực hiện bình xét cho vay có trọng tâm trọng điểm, không dàn trải, ưu tiên đầu tư vùng đồng bào dân tộc Khmer, các xã xây dựng NTM, các hộ có phương án sản xuất rõ ràng và có điều kiện, khả năng quản lý tốt nguồn vốn vay. Đặc biệt, từ tháng 3/2019 đến nay, NHCSXH đã tổ chức tập huấn cho các Hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn triển khai thực hiện việc nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo là 100 triệu đồng/hộ hoặc cho vay bổ sung một số chương trình tín dụng khác, đảm bảo công bằng, dân chủ, phù hợp với nhu cầu vốn của phương án SXKD. Cùng với sự hỗ trợ của các ban, ngành, NHCSXH huyện Tam Bình hành động theo phương cách “tận dụng mọi nguồn lực”, góp phần thiết thực giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 3,4% vào cuối năm 2018.
Đơn cử ở ấp Danh Tấm, xã Hậu Lộc có gia đình ông Trần Văn Thạnh, một trong những hộ dân thoát nghèo nhờ sử dụng tốt nguồn vốn ưu đãi. Năm 2011, được chính quyền, Hội Nông dân ấp bảo lãnh, ông Thạnh vay 30 triệu đồng từ NHCSXH huyện Tam Bình đầu tư cải tạo 8 sào ruộng trũng cấy lúa năng suất thấp thành ao nuôi cá và hầm nuôi lươn, ếch. Do công việc chăn nuôi sinh lời, 3 năm sau, ông Thạnh trả lại sổ nghèo cho địa phương và được Hội Nông dân “tiếp sức” vay vốn ưu đãi lần 2, với 50 triệu đồng của chương trình hộ cận nghèo để mở rộng cơ sở nuôi cá nước ngọt, nuôi bò vỗ béo. “Bắt nguồn từ đồng vốn ưu đãi cùng với sự tính toán có kế hoạch giúp gia đình vươn lên về kinh tế, cất được căn nhà khang trang và xây hai hố xi măng chuẩn bị nuôi cá rắn ri, 10 nghìn con lươn, ếch”, ông Thạnh cười khoe.
Tương tự, vợ chồng chị Kim Thị Lân, người dân tộc Khmer ở ấp Kỳ Xoang, xã Loan Mỹ không có đất canh tác, chuyên sống bằng nghề làm thuê, nhưng ở vùng dân tộc thiểu số giữa đồng bằng Nam bộ thì việc thuê mướn nhân công lao động thường theo mùa vụ nên thu nhập rất bấp bênh. Thấy hoàn cảnh anh chị Lân quá nghèo khó nhưng chí thú làm ăn, địa phương đã đề nghị NHCSXH ưu tiên giải quyết cho vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình. Chị Lân cho biết: Được đồng vốn ưu đãi làm “bà đỡ”, tôi mua 2 con bò cái, đến nay nó đẻ được 5 con bê. Cuộc sống gia đình bây giờ khá ổn định rồi.
Theo ông Lê Văn Tưởng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình: Ngay từ năm 2012 xã đã tiến hành củng cố Ban giảm nghèo, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện và có phân công cụ thể từng thành viên Ban chỉ đạo phụ trách địa bàn, nhất là đối với đoàn thể phụ trách đối với từng hội viên nghèo thuộc diện mình quản lý để giúp hộ vay vốn ưu đãi thuận lợi, tiếp cận tới khoa học, kỹ thuật và cách thức làm ăn tiên tiến.
Thời gian tới, để nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư sản xuất của người dân, NHCSXH huyện Tam Bình tiếp tục phối hợp với các tổ chức Hội, đoàn thể và chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát tốt hơn quy trình bình xét cho vay tại Tổ tiết kiệm và vay vốn, đồng thời tham mưu với UBND huyện xem xét trích ngân sách địa phương chuyển sang để bổ sung thêm nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác nhằm giúp những hộ này tăng vốn sản xuất, ổn định cuộc sống và thoát nghèo bền vững, phục vụ tốt công tác giảm nghèo tại địa phương.