|
Dự án "Nuôi ong lấy mật" tại thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa vay vốn nguồn Quỹ HTND |
Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng, hỗ trợ vốn cho nông dân; mở rộng mô hình Hội Nông dân tín chấp cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh” và “Chính quyền các cấp tăng cường quản lý, bố trí vốn từ ngân sách nhà nước, đồng thời vận động nguồn lực xã hội cho Quỹ hỗ trợ nông dân để xây dựng các mô hình điểm trong phát triển nông nghiệp ở nông thôn”.
Từ các Nghị quyết trên, Đảng ta đã xác định tầm quan trọng của “Tam nông” đối với phát triển kinh tế - xã hội và chính sách tín dụng, hỗ trợ vốn cho nông dân chính là hoạt động quan trọng, góp phần thúc đẩy “tam nông” phát triển nhanh và bền vững.
Trong những năm qua, Hội Nông dân Việt Nam - tổ chức chính trị xã hội của giai cấp nông dân thông qua hoạt động của hệ thống Quỹ HTND và chương trình phối hợp với ngành ngân hàng đã và đang tích cực tham gia rất hiệu quả vào quá trình cung ứng, chuyển tải vốn tín dụng đến hội viên, nông dân sống ở khu vực nông thôn.
Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp hỗ trợ vốn cho hội viên, nông dân phát triển kinh tế thông qua hoạt động của Quỹ HTND
Quỹ HTND thành lập ngày 02/3/1996 trực thuộc cơ quan Hội Nông dân các cấp; hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm hỗ trợ vốn cho hội viên, nông dân tham gia xây dựng, nhân rộng các mô hình dự án nhóm hộ (từ 10 hộ trở lên) sản xuất kinh doanh chung một loại hình sản phẩm nông nghiệp, với quy mô một dự án từ 300 triệu đồng đến 2 tỷ đồng; thời gian vay tùy loại hình sản xuất kinh doanh (theo chu kỳ cây, con) lên đến 60 tháng.
Đến nay, hệ thống Quỹ HTND đã xây dựng, kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý, điều hành ở Trung ương, 63 Quỹ HTND thuộc 63 Hội Nông dân tỉnh/thành phố và trên 800 Quỹ HTND cấp huyện với tổng nguồn vốn đạt 5.190 tỷ đồng. Với thủ tục vay vốn đơn giản, mức cho vay đến 100 triệu đồng/hộ và không cần tài sản thế chấp, từ khi thành lập đến nay Quỹ HTND đã hỗ trợ cho hàng triệu lượt hộ hội viên nông dân vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản và dịch vụ, làng nghề ở nông thôn; qua đó xuất hiện nhiều hộ nông dân vay vốn khẳng định được vị trí của mình trong nền kinh tế thị trường đồng thời làm hạt nhân thu hút, tập hợp hội viên, nông dân khác tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ khi thành lập, hệ thống Quỹ HTND các cấp luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, cấp ủy chính quyền, các bộ ban ngành Trung ương và địa phương.
Đặc biệt, từ khi có Kết luận số 61- KL/TW ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020” và Quyết định số 673/QĐ - TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn, giai đoạn 2011-2020”, hoạt động của Quỹ HTND đã bước phát triển mạnh mẽ; trong đó nổi bật là Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tạo điều kiện nguồn lực, ngân sách để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ HTND và cấp bổ sung ngân sách cho Quỹ HTND các cấp hằng năm. Đến nay ngân sách Trung ương và địa phương đã bố trí vốn từ ngân sách cho Quỹ HTND các cấp đạt 4.142 tỷ đồng.
Đến nay, tổng số vốn huy động từ nguồn ngoài ngân sách đạt gần 782 tỷ đồng. Hiện, dư nợ cho vay toàn hệ thống Quỹ HTND hiện nay đạt trên 4.612 tỷ đồng với hơn 145.769 hộ tham gia vay vốn, thông qua 18.370 dự án.
Đặc biệt vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ HTND. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Quỹ HTND phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn cho hội viên, nông dân phát triển sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Hiện nay, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đang chủ trì, phối hợp với các Bộ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy và hoạt động của Quỹ HTND Trung ương theo nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 37/2023/NĐ-CP đảm bảo bộ máy tổ chức hoạt động tinh gọn, hiệu quả.
Thời gian qua, Hội Nông dân Việt Nam đã ký kết triển khai các hoạt động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng NNo&PTNT Việt Nam về thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; với Ngân hàng CSXH Việt Nam trong thực hiện ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác và các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính khác.
Thực hiện Quyết định số 67/1999/QĐ -TTg ngày 30/3/1999 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Hội Nông dân Việt Nam và Ngân hàng NN&PTNT đã ký Nghị quyết liên tịch số 2308/NQLT- 1999 ngày 09/10/1999 tổ chức thực hiện chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn; tiếp đó, hai bên ký Thỏa thuận liên ngành ngày 23/9/2016 về thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để triển khai Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trên cơ sở các văn bản đã được ký kết, nhiều tỉnh, thành Hội đã tổ chức ký chương trình phối hợp với chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT cùng cấp với tổng dư nợ ủy thác đến nay đạt 81.774 tỷ đồng thông qua 24.710 Tổ Vay vốn với 537.584 thành viên.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo; đồng thời, nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn chính sách xã hội góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, ngày 04/10/2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; trong đó Điều 5 Nghị định 78/2002/NĐ-CP quy định việc cho vay của Ngân hàng CSXH được thực hiện theo phương thức ủy thác cho các tổ chức tín dụng, tổ chức chính trị - xã hội theo hợp đồng ủy thác hoặc trực tiếp cho vay đến người vay. Căn cứ quy định nêu trên, Hội Nông dân Việt Nam và Ngân hàng CSXH đã ký Văn bản liên tịch số 235/VBLT ngày 15/04/2003 (nay là Văn bản thoả thuận số 11789/VBTT-NHCS-HPN-HND-HCCB-ĐTN) về uỷ thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Sau hơn 20 năm triển khai thực hiện chương trình ủy thác, dư nợ nhận ủy thác cho vay qua Hội Nông dân liên tục tăng cả về khối lượng tín dụng và số lượng các chương trình tín dụng với dư nợ ủy thác Ngân hàng CSXH đạt 103.550 tỷ đồng, thông qua 51.012 Tổ TK&VV cho 2.068.355 hộ vay góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước đề ra, giúp người nghèo cải thiện đời sống vật chất, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần đồng thời góp phần đảm bảo ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nhằm đẩy mạnh thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Trung ương Hội, hiện nay, một số tỉnh, thành Hội đã chủ động ký kết phối hợp hoạt động với các Ngân hàng thương mại khác nhằm đa dạng các kênh dẫn vốn, tạo điều kiện cho hội viên nông dân có nhu cầu được vay và sử dụng các dịch vụ của ngân hàng thương mại để phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống như Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, Ngân hàng TMCP HD Bank...
Tổng dư nợ tín dụng ủy thác đến nay đạt trên 185.000 tỷ đồng với hơn 2,6 triệu lượt hội viên, nông dân tham gia vay vốn, mở rộng mô hình hoạt động, phát triển sản xuất, kinh doanh; góp phần tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ trong nông nghiệp, nông thôn.
Hoạt động hỗ trợ vốn ưu đãi cho hội viên nông dân, mở rộng các hình thức cho vay bằng tín chấp không cần bảo đảm bằng tài sản, cho vay theo tổ, nhóm hộ nông dân liên kết của Quỹ HTND, Tổ TK&VV của Ngân hàng CSXH, Tổ vay vốn của Ngân hàng NN&PTNT do Hội Nông dân thành lập đã tác động tích cực đến cách nghĩ, cách làm của nhiều hội viên, nông dân; tạo điều kiện đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, hình thành cộng đồng nông thôn bền vững với cùng mối quan tâm, cùng chia sẻ và cùng hưởng lợi từ mô hình sản xuất, kinh doanh của mình. Nhiều mô hình tổ, nhóm nông dân liên kết, tổ hợp tác, Hợp tác xã kiểu mới, gia trại, trang trại... thông qua nguồn vốn vay Quỹ HTND và ngành ngân hàng được hình thành, phát triển có hiệu quả và trở thành các mô hình điểm trong phát triển nông nghiệp ở nông thôn góp phần hỗ trợ “tam nông” phát triển bền vững.