Hội Nông dân Việt Nam tích cực tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể
15:35 - 05/06/2024
(Quỹ HTND)- Thời gian qua, Hội Nông dân Việt Nam với vai trò đại diện cho quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của giai cấp nông dân đã trực tiếp và phối hợp cùng ngành ngân hàng tháo gỡ vướng mắc cho khu vực kinh tế tập thể, từng bước khơi thông nguồn vốn tín dụng, đáp ứng nguyện vọng, lợi ích và nhu cầu cấp thiết về vốn của các Tổ Hợp tác, Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã và thành viên tham gia.

Dự án “Nuôi gà công nghệ cao” tại xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An giúp hội viên, nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống

Phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là Hợp tác xã là một chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước; một tất yếu khách quan, có ý nghĩa chiến lược lâu dài trong thời kỳ hội nhập quốc tế và phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.


Để khuyến khích hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, cơ chế quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhất là trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể.


Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010, Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa 1 tỉ đồng đối với Hợp tác xã; tối đa 2 tỉ đồng đối với Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, Liên hiệp Hợp tác xã hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; tối đa 3 tỉ đồng đối với Liên hiệp Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ…


Nghị định 45/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã nhằm thực hiện cho vay với lãi suất ưu đãi đối với Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã, thành viên của Tổ hợp tác và Hợp tác xã.


Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, trong đó Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội tham gia Dự án phát triển vùng trồng dược liệu quý được lãi suất 3,96%/năm; vay vốn hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị áp dụng mức lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh đối với hộ cận nghèo quy định trong từng thời kì.


Thông qua các cơ chế, chính sách được Đảng, Nhà nước ban hành, Hội Nông dân Việt Nam được tăng cường nguồn lực để tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân thành lập, phát triển Tổ hợp tác, Hợp tác xã nhất là qua hoạt động hỗ trợ vốn đối với các thành viên Tổ hợp tác, Hợp tác xã của Quỹ Hỗ trợ nông dân và chương trình phối hợp với các ngân hàng.


Hội Nông dân Việt Nam đã xây dựng Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 182/QĐ- TTg ngày 20/2/2024 với mục tiêu nâng cao vai trò, hiệu quả của Hội Nông dân Việt Nam trong tham gia phát triển kinh tế tập thể thông qua đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ vốn, tín dụng đối với các thành viên tham gia chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ hợp tác, Hợp tác xã điển hình; Hội trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ HTND. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Quỹ Hỗ trợ nông dân ngày càng phát triển nhằm hỗ trợ hội viên nông dân là thành viên Tổ hợp tác, Hợp tác xã xây dựng nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả.


Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn hệ thống đạt 4.912 tỷ đồng. Với tổng dư nợ đạt 4.401 tỷ đồng thông qua 17.661 dự án cho 137.679 hộ vay vốn sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và mở rộng dịch vụ, làng nghề ở nông thôn. Thông qua nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân đã thành lập hơn 9.000 Tổ hợp tác, hợp tác xã; góp phần thành lập được hơn 3.000 Tổ hợp tác, Hợp tác xã phát triển, hoạt động có hiệu quả.


Ngoài ra, Hội Nông dân Việt Nam đẩy mạnh mở rộng nguồn vốn hỗ trợ hội viên nông dân thông qua ký kết phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam và các ngân hàng thương mại khác. Đến nay, tổng dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác qua Hội Nông dân đạt 99.835 tỷ đồng, thông qua 51.056 Tổ Tiết kiệm và vay vốn cho 2.068.772 hộ vay. Tổng dư nợ cho vay qua Tổ vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 83.532 tỷ đồng thông qua 25.090 Tổ vay vốn với 563.546 thành viên. Ngân hàng Bưu điện Liên Việt với dư nợ ủy thác đạt hơn 1.000 tỷ đồng.

  
Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số bất cập, hạn chế trong tiếp cận vốn tín dụng khu vực kinh tế tập thể: Nhiều Hợp tác xã hiện nay không có đất sản xuất chung, không tài sản chung nên không đủ điều kiện thế chấp khi vay vốn ngân hàng; gặp khó khăn trong hoạt động do không có đất để làm trụ sở làm việc, nhà xưởng; không có quỹ đất để phát triển sản xuất kinh doanh. Lĩnh vực nông nghiệp thường xuyên gặp nhiều rủi ro như thời tiết, dịch bệnh và biến động giá cả, các tổ chức tín dụng, ngân hàng thường ngại cho vay đối với các hoạt động có rủi ro cao và điều này đã làm cho việc tiếp cận vốn trở nên khó khăn cho các hợp tác xã. Một số hợp tác xã thiếu kiến thức và kỹ năng quản lý tài chính, kỹ năng giao tiếp, đàm phán, thiếu kỹ năng lập kế hoạch làm cho các tổ chức tín dụng, Ngân hàng không tự tin khi cho vay.
 
 
Để tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể; cần tập trung triển khai đồng bộ một số giải pháp sau:
 
 
Chính phủ cần tiếp tục ban hành các chính sách ưu đãi như giảm lãi suất, giảm thuế hoặc cung cấp các khoản tín dụng đặc biệt cho khu vực kinh tế tập thể; quan tâm bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ nông dân, Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã tạo điều kiện để Hợp tác xã, thành viên Hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
 
 
Ngành ngân hàng cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về cơ chế chính sách tín dụng, lãi suất; chủ động công khai minh bạch thủ tục, hồ sơ vay vốn; rà soát, cải tiến, đổi mới quy trình, thủ tục, điều kiện cấp tín dụng phù hợp với yêu cầu và thực tiễn hoạt động của Hợp tác xã.
 
 
Mở rộng mạng lưới hoạt động của các ngân hàng đặc biệt là những nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng; tập trung tín dụng cho các hợp tác xã hoạt động hiệu quả, hợp tác xã tham gia phát triển các sản phẩm có thế mạnh, sản xuất theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao, hợp tác xã đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…
 
 
Các Hợp tác xã cần chủ động nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, năng lực lập kế hoạch kinh doanh và quản lý rủi ro cho các thành viên và đội ngũ cán bộ quản lý. Các sở, ban ngành đoàn thể, Liên minh Hợp tác xã thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo, giáo dục về quản lý tài chính và tiếp cận vốn tín dụng để nâng cao nhận thức, kỹ năng cho các thành viên.
 
 
Tăng cường hoạt động phối hợp giữa Liên Minh Hợp tác xã Việt Nam và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; phát triển, nhân rộng một số mô hình Tổ hợp tác, Hợp tác xã mẫu hoạt động hiệu quả gắn với sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số…
 


Anh Đức
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Tin tức liên quan :

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường