Hà Tinh: Kết quả thực hiện Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ
09:55 - 27/03/2023
(Quỹ HTND)- Ngay sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 61, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 673, các cấp Hội ND trong tỉnh đã chủ động tham mưu thực hiện, đạt được những kết quả tích cực. Công tác Hội và công tác phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ngày càng được chú trọng, có nhiều chuyển biến với những kết quả rõ nét. 

Lễ ra mắt tổ Hội nghề nghiệp chăn nuôi bò và giải ngân nguồn vốn Quỹ HTND tại xã Lưu Vĩnh Sơn

Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã chỉ đạo triển khai, phổ biến các nội dung, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ Kết luận của Ban Bí thư và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội và hội viên, nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam.

 
Trên cơ sở tình hình thực tiễn của tỉnh, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh tích cực tham mưu, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Kết luận số 61-KL/TW, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tạo sự đồng thuận cao trong cấp ủy Đảng, chính quyền về vai trò, trách nhiệm của Hội ND trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh.
 

Để thực hiện hiệu quả Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã xây dựng Đề án "Đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh giai đoạn 2014-2020" trình và được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Theo đó hàng năm, bổ sung 1-2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh cho Quỹ HTND. Tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án, thành lập Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân trực thuộc Hội ND tỉnh (nay là Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh)Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện về cơ bản đã đạt được một số mục tiêu quan trọng.


Vai trò trách nhiệm của Hội ND trong phát triển nông nghiệp được nâng lên, thể hiện rõ qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân; triển khai thực hiện các chương trình, đề án về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác, liên kết sản xuất đẩy nhanh việc tích tụ ruộng đất, hình thành những vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho nông dân trong tỉnh.


Bên cạnh đó, xác định tham gia phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các sở, ngành có liên quan trong quá trình thực hiện, tích cực phát huy vai trò chủ thể của người nông dân. Thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền, hướng dẫn người nông dân bố trí, cơ cấu lại các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Vận động hội viên nông dân nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán, phương thức sang sản xuất hàng hóa, tăng giá trị kinh tế cho cây trồng vật nuôi; quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh, hình thành vùng sản xuất hàng hóa; thâm canh tăng vụ, đảm bảo về năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế các loại cây trồng, vật nuôi.


Theo đó, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo trong hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân; chuyển nhanh sang hoạt động tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ về vốn, giống, khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, dạy nghề… tạo điều kiện giúp các hộ nông dân phát triển sản xuất. Tổ chức phối hợp, hướng dẫn hội viên, nông dân về khởi sự doanh nghiệp, xây dựng các mô hình trình diễn, hướng dẫn các thủ tục thành lập doanh nghiệp, xây dựng mô hình liên kết sản xuất chuổi, mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã, chi, tổ Hội nghề nghiệp.
 

Triển khai vận động nông dân dồn điền đổi thửa, đổi ruộng đất nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích sản xuất và nâng cao thu nhập cho người nông dân; xây dựng nông thôn mới, tạo liên kết “4 nhà” để từ đó tạo thành các chuỗi liên kết từ khâu sản xuất, chế biến, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, Hội đã tập trung tuyên truyền và hỗ trợ nông dân về xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm trên thị trường, phối hợp với các địa phương xây dựng được nhãn hiệu các sản phẩm gồm: Bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây (Hương Khê); nhung hươu (Hương Sơn); mật ong (Vũ Quang); …


Những năm qua, các cấp Hội đã tư vấn, hướng dẫn thành lập mới hàng trăm Tổ hợp tác, HTX theo luật HTX năm 2012, tham gia xây dựng trên 1.000 mô hình kinh tế tập thể. Nhiều mô hình liên kết có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng tỷ đồng, thu hút hàng chục lao động, cho thu nhập hàng năm từ 100 triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng VietGap, triển khai hiệu quả các đề án giống vật nuôi như Bò 3B, dúi, lợn siêu nạc….


Một trong những điều kiện quan trọng để hỗ trợ nông dân đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh là giống, vốn và kỹ thuật. Tính đến hết năm 2022, nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đang quản lý 52,174 tỷ đồng; vốn ủy thác từ Ngân hàng CSXH đạt 2.064,094 tỷ đồng, vốn tín chấp từ Ngân hàng NN&PTNT 2.877,000 tỷ đồng, vốn từ Ngân hàng Bưu điện Liên Việt là 45 tỷ đồng.


Thông qua nguồn Quỹ HTND, nhiều hộ vay đã sử dụng vốn tốt, phát huy hiệu quả kinh tế cao, mang lại thu nhập cho các hộ nông dân, tham gia chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.
 
Quỹ HTND là một nguồn lực quan trọng của các cấp Hội trong tỉnh. Nguồn vốn Quỹ đã và đang tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, góp phần tích cực nâng cao vị trí vai trò trung tâm nòng cốt của tổ chức Hội trong việc tổ chức các phong trào nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng tổ chức Hội ND cơ sở vững mạnh.
 

Văn Hùng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Tin tức liên quan :
Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường