Điểm tựa vững chắc giúp nông dân thoát nghèo
11:14 - 06/04/2023
(Quỹ HTND) – Thời gian qua, với vai trò là cầu nối tin cậy giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp nông dân, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam luôn tích cực tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về đường lối, chính sách phát triển nông nghiệp, xây dựng giai cấp nông dân và xây dựng nông thôn mới.

 
Đặc biệt, trước những đòi hỏi bức thiết, chính đáng của hội viên, nông dân về nhu cầu được hỗ trợ nguồn vốn vay để tạo nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất, kinh doanh, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tập trung chỉ đạo Hội ND các tỉnh, thành phố trong cả nước đẩy mạnh hoạt động tăng trưởng và phát triển nguồn vốn Quỹ HTND các cấp. Với mục đích phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong hội viên, nông dân, Quỹ HTND các cấp đã tạo thêm nguồn lực hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, nhất là hỗ trợ nguồn vốn cho hội viên, nông dân nghèo.


 

Quỹ HTND đã thực sự trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của Hội ND các tỉnh, thành phố, giúp cho nhiều lượt hội viên, nông dân có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình


 
Thông qua việc gắn kết hoạt động của Quỹ HTND với việc triển khai thực hiện các hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân ở các địa phương, Quỹ HTND cho thấy đã huy động được sức mạnh to lớn của cả hệ thống Hội từ Trung ương đến cơ sở. Đây chính là điều khác biệt lớn nhất, là điểm tựa vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của Quỹ HTND các cấp.

 
Đến nay, Quỹ HTND thực sự trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của Hội ND các tỉnh, thành phố với hệ thống Quỹ HTND được kiện toàn tổ chức ở tất cả các cấp. Đáng chú ý, trong năm 2022, nguồn vốn Quỹ HTND toàn hệ thống có sự tăng trưởng tích cực, đạt 449,9 tỷ đồng, vượt 145,36% chỉ tiêu đề ra. Tính đến hết tháng 12 năm 2022, tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đạt 4.465,7 tỷ đồng.

 
Từ nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đang được triển khai giải ngân cho hơn 160.000 lượt hội viên, nông dân vay vốn để thực hiện 17.500 dự án sản xuất, kinh doanh. Nhìn chung, nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đều được đầu tư đúng đối tượng, sử dụng đạt hiệu quả.

 
Từ nguồn vốn Quỹ HTND, nhiều địa phương trong cả nước đã xây dựng và hình thành hàng nghìn mô hình kinh tế liên kết, hợp tác, chi Hội ND nghề nghiệp, tổ Hội ND nghề nghiệp, tổ hợp tác, Hợp tác xã... hoạt động hiệu quả. Mặt khác, nhiều hội viên, nông dân có thêm cơ hội để đầu tư, xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp, vừa phát huy tốt thế mạnh của các địa phương, vừa giúp nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống và vươn lên trở thành những hộ khá, giàu.

 
Nhằm giúp tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND ngay tại cơ sở, hàng năm, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các cấp Hội tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền trong việc cấp một phần kinh phí từ ngân sách địa phương sang cho Quỹ HTND cùng cấp. Đồng thời, các cấp Hội chủ động triển khai tốt công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong cán bộ, hội viên, nông dân để hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của hoạt động Quỹ HTND.

 
Nhờ những giải pháp linh hoạt, hiệu quả, tính riêng trong quý I năm 2023, nguồn vốn Quỹ HTND các cấp tăng trưởng hơn 3,306 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đang quản lí hiện đạt 63,690 tỷ đồng. Trong đó: Nguồn vốn do Trung ương Hội ủy thác 14,5 tỷ đồng; nguồn vốn cấp tỉnh quản lí 14,665 tỷ đồng; nguồn cấp huyện quản lí 34,519 tỷ đồng.

 
Thông qua nguồn vốn vay của Quỹ HTND các cấp, hàng nghìn lượt hộ hội viên, nông dân trên địa bàn được hỗ trợ kịp thời, có thêm điều kiện đầu tư phát triển sản xuất. Đồng thời, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh, góp phần thiết thực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tại các địa phương.

 
Nhìn chung, các dự án được triển khai trên địa bàn đều đang có mức vay tối đa 50 triệu đồng/hộ, thời gian vay từ 24-36 tháng. Trong kỳ, từ nguồn vốn ủy thác của Trung ương đang triển khai cho 364 hộ vay để thực hiện 24 dự án; trong đó, 17 dự án trồng trọt (chiếm 71%) và 07 dự án chăn nuôi (chiếm 29%).

 
Đồng thời, đối với nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh quản lý 14,605 tỷ đồng cũng đang triển khai cho 442 hộ vay thực hiện 46 dự án. Cụ thể: Có 39 dự án trồng trọt (chiếm 85%), 07 dự án chăn nuôi (chiếm 15%). Nguồn Quỹ HTND huyện đã giải ngân xong 28,320 tỷ đồng cho 1.039 lượt hộ hội viên, nông dân vay để triển khai thực hiện 140 dự án. Theo đó, có 119 dự án trồng trọt (chiếm 85%), 21 dự án chăn nuôi (chiếm 15%).

 
Công tác cho vay vốn được các cấp Hội thực hiện theo đúng quy định. Mỗi dự án, mô hình đều được triển khai thực hiện với nhóm từ 10- 30 hộ hội viên, nông dân trên cùng địa bàn. Sau khi kết thúc dự án, các cấp Hội lại tiếp tục luân chuyển nguồn vốn đến các nhóm hộ khác được vay.

 
Hàng năm, được sự quan tâm, hỗ trợ của UBND tỉnh cùng sự phối hợp của chính quyền địa phương các cấp, Quỹ HTND đã lựa chọn, phân bổ đúng vùng trọng điểm, xây dựng các mô hình mang tính định hướng. Từ đó, phát triển, nhân rộng những mô hình hiệu quả giúp hội viên, nông dân mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên làm giàu và ổn định cuộc sống.

 
Tiêu biểu như: Trồng rau, hoa theo hướng công nghệ cao trong trong nhà kính, nhà lưới; trồng xen cây ca cao trong vườn điều; cải tạo, chăm sóc, thâm canh cây cà phê; đầu tư thâm canh vườn cây cao su; chăm sóc và cải tạo vườn sầu riêng năng suất thấp thành sầu riêng ghép cho năng suất cao; chăn nuôi lợn thịt; nuôi dúi; nuôi nhím; chăn nuôi bò sinh sản, nuôi bò sữa…

 
Tại nhiều huyện, thành Hội cũng đã chỉ đạo và thực hiện tốt việc lồng ghép cho vay nguồn vốn với các hoạt động tập huấn, chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho hội viên, nông dân. Qua đó, nhằm xây dựng các mô hình phát triển kinh tế theo hướng liên kết, hợp tác thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn phù hợp với điều kiện thực tế ở mỗi địa phương để gia tăng giá trị và lợi nhuận cho người nông dân.

 
Qua đánh giá, việc cho vay vốn Quỹ HTND gắn với dạy nghề và chuyển giao khoa học kỹ thuật hiệu quả đã góp phần tích cực trong tiến trình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Đồng thời, các mô hình, dự án được triển khai giúp tăng thu nhập, nâng cao đời sống của hội viên, nông dân trong tỉnh. Hiện, mức thu nhập bình quân trên đầu người tăng khá, đạt khoảng 79 triệu đồng/năm; góp phần giải quyết việc làm cho trên 10.000 lao động nông thôn.

 
Thấu hiểu những khó khăn của hội viên, nông dân trong tỉnh, những năm qua, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Đăk Lăk đã tập trung chỉ đạo Hội ND các cấp đẩy mạnh việc khai thác có hiệu quả các nguồn lực về vốn. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai thực hiện các mô hình, dự án phát triển kinh tế tại các địa phương. Đồng thời, vận động hội viên, nông dân tăng cường việc liên kết trong sản xuất, từng bước làm thay đổi về nhận thức và tư duy sản xuất để gia tăng lợi nhuận.

 
Trong năm 2022, nguồn Quỹ HTND các cấp tăng trưởng được gần 5,7 tỷ đồng, đạt 142% Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam giao. Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đang quản lý hơn 51,9 tỷ đồng. Cụ thể: Nguồn vốn do Trung ương Hội ủy thác 14,03tỷ đồng; nguồn vốn cấp tỉnh quản lí 9,24 tỷ đồng; nguồn cấp huyện quản lí 28,54 tỷ đồng.

 
Bên cạnh đó, 15/15 Hội ND huyện, thị, thành phố đã được UBND cùng cấp phê duyệt và bổ sung nguồn vốn từ ngân sách sang 3,25 tỷ đồng. Hiện, 100% đơn vị Hội ND cấp xã đã xây dựng kế hoạch vận động và thực hiện chuyển giao nguồn vốn về cấp huyện quản lý theo đúng quy định.

 
Hội ND tỉnh còn tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện có hiệu quả các công tác nhận ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Qua đó, hỗ trợ nguồn vốn vay kịp thời giúp hội viên, nông dân trên địa bàn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống.

 
Tính đến hết năm 2022, 15/15 đơn vị Hội cấp huyện đều có tăng trưởng dư nợ ủy thác vốn vay với Ngân hàng Chính sách xã hội cùng cấp. Hiện, tổng dư nợ ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua tổ chức Hội ND đạt trên 1.942 tỷ đồng với 49.681 hộ vay vốn tại 1.257 Tổ TK&VV; tăng thêm 177,5 tỷ đồng so với thời điểm cùng kỳ năm 2021 (tỷ lệ tăng trưởng dư nợ đạt 10,05%).


Qua bình xét, đánh giá, có 95% số Tổ xếp loại tốt, 4% Tổ loại khá. Mặt khác, 100% Tổ TK&VV thực hiện đúng hợp đồng ủy nhiệm với Ngân hàng Chính sách xã hội như đôn đốc thành viên trả nợ gốc theo đúng hợp đồng thoả thuận… Đồng thời, 100% Tổ TK&VV có triển khai hoạt động tiết kiệm với tổng số dư tiền gửi tiết kiệm đạt 108,4 tỷ đồng.


Cùng với đó, các cấp Hội tích cực phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tốt chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/06/2015 của Chính phủ. Đến nay, tổng dư nợ của tổ chức Hội ND tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 74,5 tỷ đồng đang giải ngân cho 1.823 lượt hộ hội viên, nông dân vay để sản xuất, kinh doanh.

 
Từ nguồn vốn vay, tại địa phương trong tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều mô hình vay và sử dụng nguồn vốn đạt hiệu quả kinh tế rõ nét, mang lại thu nhập và lợi nhuận cao cho các hộ hội viên, nông dân. Tiêu biểu như: Tổ Hợp tác nuôi trồng thủy sản xã Krông Búk (huyện Krông Pắk); tổ Hội nghề nghiệp sản xuất cà phê bền vững tại xã Quảng Tiến (huyện Cư M’gar); tổ Hợp tác nuôi cá tại xã Cư M’lan (huyện Ea Súp); Hợp tác xã dịch vụ nuôi trồng và khai thác thủy sản Vụ Bổn tại xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắk); tổ Hội nghề nghiệp chăn nuôi dê thương phẩm tại xã Phú Xuân (huyện Krông Năng)...

 
Song song với hoạt động tăng trưởng và giải ngân kịp thời các nguồn vốn vay, Hội ND tỉnh cũng đẩy mạnh hoạt động phối hợp với ngành chức năng trên địa bàn tập trung triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, đào tạo nghề cho hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Thông qua đó, các cấp Hội tập trung hướng dẫn để xây dựng các mô hình chi, tổ Hội ND nghề nghiệp gắn với việc phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; đồng thời phát động phong trào thi đua xây dựng chi, tổ Hội ND nghề nghiệp tiêu biểu của tỉnh Đắk Lắk.

 
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 54 chi Hội ND nghề nghiệp, 208 tổ Hội ND nghề nghiệp, 28 Hợp tác xã, 87 Tổ hợp tác với 3.968 thành viên tham gia. Thông qua các mô hình liên kết sản xuất đó đã kết nạp mới 1.380 hội viên, nông dân đăng ký tham gia vào tổ chức Hội.
 

Có thể thấy, nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đã được Hội ND các tỉnh, thành phố tập trung cho vay theo dự án nhóm hộ; đồng thời, lồng ghép với các hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ và dạy nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát huy tối đa hiệu quả của các mô hình sản xuất. Đây cũng chính là hoạt động nổi bật của Quỹ HTND các cấp trong việc thành lập các chi, tổ Hội ND nghề nghiệp- là tiền đề để xây dựng các Tổ hợp tác, Hợp tác xã, những mắt xích quan trong của liên kết hợp tác sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp ở nông thôn.

Lê Ngân
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Tin tức liên quan :

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng