Nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH huyện Đô Lương (Nghệ An) đã giúp cho hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn có điều kiện chủ động phát triển SXKD vươn lên thoát nghèo, qua đó góp phần nâng cao chất lượng tín dụng tại địa phương.
|
Gia đình chị Nguyễn Thị Thảo vay vốn ưu đãi đầu tư trang trại nuôi gà |
Tổng dư nợ của NHCSXH huyện Đô Lương đến nay đạt trên 415 tỷ đồng, tăng gần 20 tỷ đồng so với đầu năm, tốc độ tăng trưởng đạt 4,8%. Một số chương trình cho vay có tốc độ tăng trưởng lớn như cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn tăng 9,4 tỷ đồng (tăng 122%); NS&VSMTNT tăng 5,5 tỷ đồng (tăng 9,28%); hộ cận nghèo tăng gần 4,7 tỷ đồng (tăng 3,24%),…
Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương Nguyễn Thị Anh Quang cho biết, để đạt được kết quả trên, NHCSXH huyện Đô Lương đã tích cực tranh thủ nguồn vốn từ TW và vốn ủy thác từ ngân sách địa phương; đồng thời đẩy mạnh công tác huy động vốn trên địa bàn. Trong quý I/2019, NHCSXH huyện Đô Lương đã được phân bổ 25 tỷ đồng để kịp thời cho vay các chương trình tín dụng chính sách, trong đó ưu tiên cho vay hộ SXKD vùng khó khăn.
Với phương châm “năng nhặt chặt bị”, NHCSXH huyện Đô Lương cũng đã huy động, khai thác hiệu quả nguồn vốn trên địa bàn. Tính đến nay, nguồn vốn huy động đạt 80 tỷ đồng, tăng 4 tỷ đồng so với đầu năm; trong đó số dư tiền gửi của các tổ chức, cá nhân đạt 53 tỷ đồng, tăng 2,6 tỷ đồng; số dư tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt trên 23 tỷ đồng, tăng hơn 1 tỷ đồng; nguồn vốn huy động từ ngân sách huyện và tỉnh đạt gần 4 tỷ đồng, tăng 200 triệu đồng. Nguồn vốn liên tục tăng qua các năm, chất lượng tín dụng được đảm bảo. Đến nay, nợ quá hạn toàn huyện Đô Lương chỉ chiếm tỷ lệ 0,1% trên tổng dư nợ. Đặc biệt, toàn huyện hiện có 15/32 xã không có nợ quá hạn phát sinh.
Với địa thế có nhiều thuận lợi để phát triển sản xuất nông, lâm, công nghiệp, đến nay huyện Đô Lương có 549 mô hình sinh kế như: mô hình chăn nuôi dê, chăn nuôi trâu bò sinh sản, mô hình kinh tế đồi rừng, vườn rừng; mô hình ngành nghề thủ công: sản xuất gạch không nung (gạch táp lô), xưởng rèn, mộc, trồng nấm, mây tre đan… Từ nguồn vốn ưu đãi đã có hàng nghìn hộ dân có điều kiện chủ động phát triển SXKD vươn lên thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, toàn huyện chỉ còn 1.579 hộ nghèo (2,8%), thu nhập bình quân đạt 45 triệu đồng/người/năm.
Nhiều hộ nghèo lập nghiệp từ vốn vay của NHCSXH đã có điều kiện để phát triển các mô hình kinh tế. Điển hình là gia đình chị Nguyễn Thị Thảo ở xã Giang Sơn Đông. Là hộ nghèo có “thâm niên”, vợ chồng chị Thảo xoay xở đủ nghề nhưng cuộc sống cũng không khá lên được. Năm 2014, được Hội Nông dân động viên, giúp đỡ, gia đình chị Thảo vay 44,2 triệu đồng của NHCSXH để trồng 2,2ha rừng keo nguyên liệu giấy và đầu tư trang trại nuôi gà. Sau nhiều năm chịu khó lao động, đến nay, trang trại của chị Thảo có diện tích gần 10ha, trong đó có các khu: chuồng trại chăn nuôi gà với trên 2.000 con (thời kỳ cao điểm trên 5.000 con), khu ao thả cá giống, cá thịt, khu trồng rừng. Từ phát triển kinh tế trang trại doanh thu của gia đình đạt hơn 1 tỷ đồng/năm, là niềm mơ ước của nhiều hộ nông dân trong huyện.
Trong tương lai gần, được sự giúp đỡ của tỉnh, huyện Đô Lương đang hướng tới trở thành trung tâm kinh tế - xã hội vùng Tây Nam Nghệ An. “Huyện mong muốn có sự đóng góp tích cực hơn nữa về nguồn vốn chính sách của NHCSXH”, Phó Chủ tịch huyện Đô Lương Nguyễn Thị Anh Quang đề xuất.