Đầu tư cho tam nông, giảm đói nghèo
16:20 - 13/01/2017
(Quỹ HTND)- Qua 5 năm triển khai thực hiện, chương trình phối hợp cho nông dân vay vốn của Hội ND Bình Định và chi nhánh Agribank tỉnh đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn luôn chiếm tỷ lệ cao (trên 80%) so với tổng dư nợ tại Agribank Bình Định. 
Nhiều nông, ngư dân vay vốn từ Agribank Bình Định để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh ẢNH: Báo BĐ


Trong đó, cho vay hộ nông dân luôn chiếm tỷ trọng trên 70% so với dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, góp phần đẩy nhanh tốc độ đầu tư vốn cho hộ nông dân trong phát triển sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi theo đúng định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. 


 
Tính đến 30/9/2016, tổng số tổ vay vốn của Hội Nông dân còn dư nợ tại Agribank là 144 tổ với 3.254 thành viên, tổng dư nợ cho vay là 111.636 triệu đồng, tăng 30.719 triệu đồng so với năm 2011, chiếm tỷ trọng 2,9% trên tổng dư nợ cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn toàn tỉnh.


 
Dư nợ bình quân mỗi hộ vay là 34,3 triệu đồng. Nợ xấu là 79 triệu đồng, tỷ lệ nợ xấu 0,09%, giảm 2.34% so với năm 2011, không có hộ chiếm dụng vốn. 


 
Hầu hết các hộ nông dân vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy được hiệu quả đồng vốn vay, đảm bảo hoàn trả gốc và lãi đúng hạn. Nguồn vốn vay từ Agribank đã hỗ trợ tích cực cho nông dân có vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Nhờ đó góp phần giúp nhiều hộ nông dân thiếu vốn có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, thu nhập tăng thêm từ 10 – 30 triệu đồng/hộ/năm.



Điển hình một số hộ vay vốn vươn lên làm giàu như hộ ông Cao Nguyên Lâm, buôn Quen, xã Ea Bar, huyện Phú Yên. Hơn 20 năm trước, ông Lâm thế chấp sổ đỏ vay 80 triệu đồng tại Agribank để bắt đầu lập nghiệp bằng cách mua hơn 20 bò cái sinh sản. Sau đó nhờ chăn nuôi tốt, ông thu lãi lớn.



Có tiền dư vợ chồng ông Lâm mua gom đất phát triển trồng trọt. Vừa học hỏi, vừa thuê người thâm canh, một số cây ngắn ngày (sắn mì, lúa nước, đậu các loại) của gia đình ông luôn đạt năng suất khá, cho lợi nhuận cao hơn nhiều thửa trong vùng. Không dừng ở đó, khi Phú Yên có chủ trương phát triển cao su tiểu điền (2001 – 2004), ông vay tiếp 180 triệu đồng vốn ưu đãi dài hạn từ Agribank Sông Hinh để đầu tư trồng 10ha cao su.


Giai đoạn vào khai thác, mủ cao su đang có giá, vậy là ông thu lãi đều 70 – 80 triệu đồng/ha/mùa cạo mủ. Bên cạnh đó, nhờ phương thức trồng cà phê xen cao su, ông đã có thu lợi đáng kể từ cà phê hạt, trước khi cao su cho mủ. Hạch toán kinh tế, tổng lợi nhuận của gia đình ông Lâm luôn đạt 1 tỷ đồng/năm.


 
Ngoài ra, thông qua việc thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, hàng năm có khoảng 1.000 nông hộ thoát nghèo, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại các địa phương, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn và kích thích phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng nông thôn mới.



Bà Lê Thị Kim Mai, Chủ tịch HND tỉnh, cho biết: HND tỉnh sẽ phối hợp với Agribank Bình Định tổ chức các lớp tập huấn về chính sách tín dụng, quản lý tổ nhóm, kế toán cơ bản cho các tổ trưởng, nhằm nâng cao quản lý của tổ trưởng vay vốn; phối hợp cùng các ngành chức năng thực hiện việc lồng ghép hoạt động cho vay vốn với đào tạo chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, giúp nông dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Bên cạnh đó, sẽ hướng dẫn các tổ trưởng tổ vay vốn thực hiện đúng các nội dung đã thỏa thuận; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện của các cấp HND, tổ vay vốn và hộ vay vốn, không để tình trạng chiếm dụng vốn hoặc sử dụng vốn sai mục đích.


Hiện nay 91% doanh số cho vay của Agribank tỉnh Bình Định  phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn, trong đó dư nợ trung dài hạn chiếm tới hơn 41%. Nhờ kiên trì bám vào nông nghiệp, nên nguồn vốn huy động và tổng dư nợ của Agribank Bình Định luôn tăng trưởng bền vững qua các năm.

Lâm Linh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng