Agribank: Chia “lửa” với ngư dân miền Trung
16:20 - 28/07/2016
(Quỹ HTND)- Với vai trò là Ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank đã kịp thời hỗ trợ bà con ngư dân 4 tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất kinh doanh và tạm ổn định cuộc sống sau sự cố ô nhiễm biển do Formosa gây ra.
Ngư dân thiệt hại rất lớn do cá chết vừa qua (ảnh: Vneconomy)


Hiện tổng dư nợ Agribank cho vay hơn 27.000 tỷ đồng tại các chi nhánh trên địa bàn 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, đã có 6.850 khách hàng với dư nợ hơn 1.000 tỷ đồng bị thiệt hại và hàng chục ngàn khách hàng bị ảnh hưởng do hiện tượng cá chết hàng loạt. Sau sự cố môi trường vừa qua, Agribank tại các chi nhánh đã có sự đồng hành, đồng cảm, chia sẻ kịp thời cho bà con ngư dân.


 
Theo thống kê, dư nợ bị ảnh hưởng thiệt hại trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh của Agribank là 78.702 triệu đồng, bao gồm 273 khách hàng. Chi nhánh đã kịp thời chia sẻ, ủng hộ 32 tấn gạo và 05 tỷ đồng cho bà con ngư dân trên địa bàn thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh, thực hiện miễn toàn bộ 660 triệu đồng lãi vay chưa trả đối với dư nợ bị thiệt hại; cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng, ưu tiên vốn, lãi suất cho vay đối với khách hàng bị thiệt hại trực tiếp, ảnh hưởng gián tiếp có phương án sản xuất kinh doanh mới.


 
Đến nay, Agribank Hà Tĩnh đã cơ cấu nợ cho 21 khách hàng với dư nợ là 15.988 triệu đồng.

Hàng loạt chính sách được Agribank đưa đến với ngư dân và đồng bào 4 tỉnh miền Trung, cụ thể: Miễn 01 tháng tiền lãi vay của ngư dân; Dừng thu lãi 03 (ba) tháng của dư nợ bị ảnh hưởng; Cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng hơn 1000 tỷ đồng; Ưu tiên vốn 500 tỷ đồng có ưu đãi lãi suất đối với khách hàng có phương án sản xuất kinh doanh mới: Lãi suất cho vay ngắn hạn: 6%/năm; Lãi suất cho vay trung, dài hạn: 8%/năm. Đối với trường hợp ngưng trệ sản xuất kéo dài, sẽ xem xét bổ sung chính sách hỗ trợ…

 
Tại Quảng Bình, đối với khách hàng bị thiệt hại trực tiếp (có thủy, hải sản chết), Agribank miễn toàn bộ lãi đối với dư nợ bị thiệt hại; cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng.


 
Đối với khách hàng bị ảnh hưởng gián tiếp (nuôi trồng, đánh bắt, thu mua, bảo quản, tạm trữ và dịch vụ liên quan khác…) miễn 01 tháng lãi tiền vay của dư nợ bị ảnh hưởng; Dừng thu lãi 03 tháng của dư nợ bị ảnh hưởng; Cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc, lãi vay phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng.


 
Bên cạnh đó, chi nhánh cũng tiếp tục ưu tiên vốn, lãi suất đối với khách hàng có phương án sản xuất kinh doanh mới với lãi suất ngắn hạn 6%/năm, trung dài hạn 8%/năm nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất. Khách hàng vay vốn để chuyển đổi ngành nghề hoặc có vốn lưu động thực hiện các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt và khắc phục hậu quả sau hiện tượng cá chết. Agribank Quảng Bình đã cho các doanh nghiệp và chủ vựa cá vay thu mua tạm trữ số tiền hơn 50 tỷ đồng.


 
Tính đến 30/6/2016, tổng dư nợ cho vay của chi nhánh Agribank Quảng Trị đạt 6.100 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay lĩnh vực thủy hải sản trên 700 tỷ đồng với gần 6.000 khách hàng vay vốn tại 16 xã vùng biển, dư nợ thiệt hại khoảng 98 tỷ đồng trong sự cố Formosa là tổn thất lớn với Agribank Quảng Trị.


 
Hiện chi nhánh đã miễn giảm lãi cho ngư dân 150 triệu đồng, đồng thời cho các doanh nghiệp và chủ vựa cá vay thu mua tạm trữ 13 tỷ đồng. Ngoài ra, khách hàng được vay vốn để chuyển đổi nghành nghề hoặc có vốn lưu động thực hiện các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt và khắc phục hậu quả sau hiện tượng cá chết, số tiền ước khoảng 13 tỷ đồng, trong đó đã cho vay hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 46 hộ ngư dân với tổng số tiền là 700 triệu đồng.


 
Cũng trong sự cố trên, Agribank Thừa Thiên- Huế đã hỗ trợ, khắc phục hậu quả do thủy hải sản chết bất thường đối với 330 khách hàng, dư nợ bị thiệt hại 13.860 triệu đồng tại các xã bị ảnh hưởng trực tiếp là xã Thuận An (Phú Vang), xã Hải Dương (Hương Trà), thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc) và các xã vùng ven biển chủ yếu bị ảnh hưởng gián tiếp.


 
Khi sự việc thủy, hải sản chết xảy ra tại Thừa Thiên- Huế, chi nhánh đã thực hiện miễn giảm lãi cho các hộ vay bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp; cơ cấu lại nợ như điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ gốc, lãi nhằm tạo điều kiện cho khách hàng ổn định tài chính; đồng thời cho vay mới khi khách hàng chuyển đổi ngành nghề.


 
Thời gian tới, Agribank tiếp tục thực hiện các chính sách, chương trình hỗ trợ của Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương đối với ngư dân và nhân dân vùng bị thiệt hại, ảnh hưởng; qua đó tạo điều kiện cho bà con sớm phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và chuyển đổi sinh kế, nâng cao đời sống. 

Tùng Lâm
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng