(Quỹ HTND)- Nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân, Hội Nông dân các cấp đã tích cực phối hợp với Ngân hàng NNPTNT, Ngân hàng CSXH hỗ trợ hội viên, nông dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, đồng thời mở các lớp tập huấn KHKT, vận động bà con tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
|
Ông Vũ Văn Sáu, xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) vay vốn Quỹ HTND mở rộng diện tích trồng su hào trái vụ. Ảnh: Khuất Thảo |
Đến nay có 52 tỉnh, thành Hội thực hiện thỏa thuận tín dụng với Ngân hàng NNPTNT, tổng dư nợ là 30.165 tỷ đồng cho 697.258 thành viên tham gia tại 26.440 Tổ Vay vốn (tăng 2.525 tỷ so với quý II/2016), giúp nông dân có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Các cấp Hội đã phối hợp với Ngân hàng CSXH thực hiện ủy thác cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Tính đến hết tháng 8/2016, các cấp Hội đang quản lý 62.310 Tổ Tiết kiệm và vay vốn với 2.202.181 thành viên; dư nợ 48.619 tỷ đồng (tăng 201 tỷ đồng đồng so với quý II/2016).
Bên cạnh đó, nguồn vốn Quỹ HTND các cấp cũng không ngừng lớn mạnh. Tính đến tháng 7/2016, tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đạt 2.170,734 tỷ đồng (tăng 85,394 tỷ đồng so với quý II/2016). Trung ương Hội thu hồi 115 dự án đến hạn với số tiền 47 tỷ 365 triệu đồng của 1.819 hộ vay; đã giải ngân 147 dự án với số tiền là 60 tỷ 110 triệu đồng cho 2.045 hộ vay. Tổ chức 18 lớp tập huấn nghiệp vụ Quỹ cho hơn 2.000 cán bộ Hội cơ sở tại 18 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Bên cạnh cho vay vốn, các cấp Hội đã chủ động phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cơ khí, điện và các nghề tiểu thủ công nghiệp cho trên 1,5 triệu lượt hội viên, nông dân; xây dựng 7.085 mô hình trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản.
Ngoài ra, Hội còn phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng trên 91 nghìn tấn phân bón các loại, hàng trăm tấn thức ăn chăn nuôi, trên 1.500 máy nông nghiệp cho nông dân theo hình thức trả chậm không tính lãi, trị giá hàng trăm tỷ đồng giúp nông dân có điều kiện đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Trung ương Hội còn tổ chức 20 lớp tập huấn về kinh tế tập thể cho 1.000 học viên là cán bộ hợp tác xã và tổ trưởng tổ hợp tác nông nghiệp tại 20 tỉnh, thành phố.
Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đã phối hợp tổ chức 305 lớp tập huấn kiến thức về kinh tế tập thể cho 17.215 lượt cán bộ Hội; Phối hợp tổ chức 115 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 6.320 cán bộ, thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác. Hướng dẫn xây dựng được 1.156 mô hình kinh tế tập thể làm ăn có hiệu quả về sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Thời gian tới, các cấp Hội tập trung hướng dẫn xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng tổ hợp tác và hợp tác xã, đưa cây trồng, vật nuôi chủ lực vào sản xuất, giúp nông dân tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến, tiêu thụ nông sản an toàn vệ sinh thực phẩm, gắn với bảo vệ môi trường để nhân rộng.
Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ vốn, giống, vật tư nông nghiệp, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân, tăng cường vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp.