Thoát nghèo nhờ tổ vay vốn liên kết
10:19 - 19/08/2016
Mô hình vay vốn theo tổ liên kết sản xuất được Hội Nông dân (ND) tỉnh phối hợp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) Tây Ninh xây dựng, phát triển trong hơn 20 năm nay đã giúp nông dân các huyện nghèo, vùng biên giới từng bước thoát nghèo…
Hội viên, nông dân vay vốn tại Ngân hàng Agribank huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.


Lợi ích từ tổ liên kết vay vốn

Đón chúng tôi cùng đoàn cán bộ tín dụng Agribank Tây Ninh xuống thăm nhà, ông Trần Công Lập, ấp Phước Lợi 1, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu hồ hởi cho biết, ông là tổ trưởng tổ liên kết sản xuất của ấp với 30 tổ viên. Nhờ có sự hỗ trợ vốn của Agribank Tây Ninh, gia đình ông và các tổ viên đã thoát nghèo và ngày càng làm ăn khấm khá. Chỉ vào 3 con bò trước cửa nhà, ông Lập khoe: “Tôi được vay 30 triệu đồng trong vòng 3 năm, sau khi có vốn tôi mua 1 cặp bò mẹ. Sau 2 năm, tôi có thêm 2 con. Mới đây tôi bán 1 con để trả nợ ngân hàng, còn lại 3 con trị giá khoảng 85 triệu đồng. Coi như tôi đã có vốn làm ăn… ”.

Cũng theo ông Lập, thời gian qua có khoảng 10 hộ trong tổ liên kết sản xuất ấp Phước Lợi 1 được vay vốn của Agribank Tây Ninh đầu tư nuôi bò sinh sản. Sau 3 năm nuôi bò, tất cả các hộ đều trả hết nợ ngân hàng và dư ra một số vốn kha khá. Số vốn đó, có gia đình đầu tư mua thêm bò, có hộ tậu thêm đất trồng mì, mía, cây ăn trái...

 

Tập hợp được 47 hộ khó khăn trên địa bàn, tổ liên kết sản xuất ấp Phước Bình 2, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu cũng từng bước giúp các tổ viên thoát nghèo. Ông Phạm Văn Tỷ - Tổ trưởng tổ vay vốn cho biết, mỗi thành viên trong tổ chỉ vay vài chục triệu đồng nhưng làm ăn rất hiệu quả. Sau 16 năm tham gia tổ liên kết, các thành viên đều có của ăn, của để. “Bản thân tôi là người khó khăn nhất, sau khi vay 30 triệu đồng trồng mãng cầu và tích cóp mua đất, đến nay cũng có đến hơn 3ha trồng cây ăn trái đặc sản…” - ông Tỷ thổ lộ.

Hội trực tiếp giám sát

 

Ông Phạm Văn Tỷ cho biết thêm, trong quá trình sản xuất, nếu thành viên tổ liên kết vay vốn gặp rủi ro thì liên hệ với Agribank, cán bộ ngân hàng sẽ giúp gia hạn thời gian trả nợ. “Thời gian qua có hộ trồng mì ở bờ hồ Dầu Tiếng bị ngập úng và hư hại đã được ngân hàng gia hạn trả nợ 1 năm. Hộ khác nuôi bò nhưng đến thời gian xuất chuồng thì bị bệnh hoặc có chửa đều được ngân hàng gia hạn trả nợ…” - ông Tỷ chia sẻ.

Thực tế, để có được hiệu quả sử dụng đồng vốn vay theo mô hình liên kết, theo đánh giá của lãnh đạo Agribank Tây Ninh, có đóng góp quan trọng của Hội ND tỉnh. Phối hợp giữa 2 đơn vị như “răng với môi” từ khâu thẩm định, tư vấn đến triển khai cho vay.

Ông Võ Tự Thiện- Giám đốc Agribank Tây Ninh cho biết: “Về nhân lực và hệ thống tổ chức, Hội ND có ưu thế trong vai trò giám sát đảm bảo cho vay đúng người, đúng mô hình…”. Hiện tại, Agribank chi nhánh Tây Ninh đang ủy thác cho Hội ND tỉnh trên 8.000 tỷ đồng với hàng chục ngàn hộ hội viên, nông dân đang có dư nợ.

“Việc ủy thác này vừa giúp người nông dân tiếp cận được nguồn vốn vay, vừa giúp chuyển tải nhanh những phản ánh, bức xúc của người dân về vốn vay, lãi suất… đến lãnh đạo ngân hàng thông qua cán bộ Hội ND” - ông Thiện khẳng định.

Theo ông Trần Văn Hận - Chủ tịch Hội ND tỉnh Tây Ninh, mô hình cho vay theo tổ liên kết giúp hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, đặc biệt là tình trạng bán lúa non, cây con giống ở các địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Từ lúc hoàn thiện hồ sơ đến khi giải ngân cho nông dân chỉ mất 4 ngày…

Nguồn: danviet
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng