|
Nông dân vay vốn đầu tư phát triển kinh tế (Ảnh: Báo Thái Bình) |
Về vốn, năm 2016, Quỹ Hỗ trợ nông dân phát triển được 381,120 tỷ đồng; trong đó 62 tỉnh, thành phố được ngân sách cấp bổ sung 143,817 tỷ đồng đã giúp 6.809 lượt hộ nông dân vay vốn xây dựng 491 mô hình kinh tế hợp tác, liên kết (tổ, nhóm) sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.
Trong đó có 287 mô hình chăn nuôi, 119 mô hình trồng trọt, 66 mô hình nuôi trồng thủy sản, 19 mô hình dịch vụ và các ngành nghề khác đã giúp nông dân liên kết, hợp tác tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vật nuôi, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới và ổn định chính trị, an ninh trật tự ở nông thôn.
Đồng thời, Trung ương Hội còn ký Chương trình phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ.
Thực hiện thỏa thuận với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dư nợ qua tổ chức Hội đạt 32.876 tỷ đồng (tăng 7.331 tỷ đồng so với 31/12/2015) cho 721.348 hộ vay của 27.187 Tổ vay vốn, đã giúp cho nông dân có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Cùng với đó là phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện ủy thác cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Tính đến ngày 30/11/2016, các cấp Hội đang quản lý 61.803 tổ Tiết kiệm và vay vốn với 2.201.927 thành viên; dư nợ là 50.263 tỷ đồng (tăng 3.873 tỷ đồng so với 31/12/2015).
Bên cạnh cung cấp vốn, các cấp Hội tích cực phối hợp cung ứng được trên 238 nghìn tấn phân bón các loại, hàng trăm tấn thức ăn chăn nuôi, trên 12.000 máy nông nghiệp cho nông dân theo hình thức trả chậm không tính lãi, trị giá hàng trăm tỷ đồng giúp nông dân có điều kiện đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, Hội còn hỗ trợ nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật. Tiêu biểu như việc ký kết Chương trình phối hợp giữa 45 tỉnh, thành Hội với Công ty TNHH Enzyma Việt Nam về sử dụng chế phẩm sinh học Biowish trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và bảo quản nông sản.
Qua đó đã xây dựng 98 mô hình trồng trọt, 521 mô hình chăn nuôi, 45 mô hình thủy sản, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân.
Các cấp Hội đã chủ động phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cơ khí, điện và các nghề tiểu thủ công nghiệp cho trên 2,9 triệu lượt hội viên, nông dân.
Đồng thời xây dựng 9.350 mô hình trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản; phát động Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông lần thứ 7, đã có hàng trăm giải pháp kỹ thuật của nông dân tự sáng chế, tự nghiên cứu được ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất và đời sống.
Trung ương Hội tổ chức 37 lớp tập huấn cho 3.000 người nông dân của 12 tỉnh về sử dụng chế phẩm AT vi sinh xử lý trực tiếp rơm rạ trên đồng ruộng và phối trộn chế phẩm AT vi sinh với chất thải chăn nuôi, phế phụ phẩm trong ngành chế biến nông sản để trở thành phân bón hữu cơ vi sinh, góp phần quan trọng vào việc làm giảm giá thành, nâng cao chất lượng nông sản và giảm ô nhiễm môi trường nông thôn.
Để nâng cao kiến thức pháp luật cho hội viên, các cấp Hội đã tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân. Trong đó
, Trung ương Hội tổ chức 27 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng tư vấn, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho trên 2.900 cán bộ Hội, tuyên truyền viên, ban chủ nhiệm, thành viên các Câu lạc bộ nông dân với pháp luật tại 13 tỉnh, thành Hội; Tổ chức 08 cuộc tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý lưu động cho hội viên, nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách; Tư vấn trực tiếp và qua Cổng thông tin điện tử của Hội, Báo Nông thôn ngày nay được 298 lượt nông dân về khoa học, kỹ thuật, chế độ, chính sách...
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành Hội đã tổ chức tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho trên 1.381.000 lượt người, giúp nông dân hiểu và chấp hành nghiêm pháp luật.
Thực hiện nhiệm vụ đầu tư nâng cấp và xây dựng mới các cơ sở đào tạo, dạy nghề cho nông dân, Trung ương Hội tiếp tục đầu tư 163,3 tỷ cho 35 dự án chuyển tiếp xây dựng Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân các tỉnh, thành phố; đến nay có 11 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Các cấp Hội đã trực tiếp và phối hợp tổ chức đào tạo ngắn hạn, nâng cao kiến thức nghề làm nông nghiệp cho trên 228.000 lượt nông dân đạt 103,6% kế hoạch năm, chủ yếu là nông dân đã có nghề nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Tỷ lệ nông dân sau học nghề có việc làm đạt trên 80%.
Nhìn chung, trong năm 2016, hoạt động dịch vụ, tư vấn, vốn, dạy nghề và hỗ trợ nông dân, xây dựng kinh tế tập thể đạt hiệu quả thiết thực. Nông dân đã từng bước ứng dụng công nghệ sinh học vào trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản góp phần nâng cao năng xuất, chất lượng, an toàn thực phẩm. Vai trò đại diện của Hội trong việc chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên nông dân được phát huy.