Bắc Giang: Nâng cao chất lượng hoạt động Tổ vay vốn
15:28 - 19/01/2016
(Cổng ĐT HND)- Nhằm thực hiện tốt thoả thuận liên ngành của Agribank và TW Hội Nông dân VN, ngày 31/8/2011 Agribank chi nhánh tỉnh Bắc Giang đã phối hợp và ký Thoả thuận liên ngành số 2079/TTLN với Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang về tổ chức thực hiện chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 41 của Chính phủ.
Anh Nguyễn Văn Tân (áo trắng), thôn Đồng Mai, xã An Dương (Tân Yên, Bắc Giang) phát triển kinh tế nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Ảnh: Báo Bắc Giang


Tính đến 30/9/2015, tổng dư nợ cho vay của Agribank chi nhánh tỉnh Bắc Giang đạt 9.584 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 8.101 tỷ đồng, chiếm 84,5% tổng dư nợ. Doanh số cho vay gần 5 năm (từ 31/12/2010 đến 30/9/2015) qua tổ chức Hội đạt 6.409 tỷ đồng với 195.519 lượt thành viên vay vốn; trong đó doanh số cho vay qua mạng lưới tổ chức Hội Nông dân 4.718,4 tỷ đồng với 142.337 lượt thành viên vay vốn.


 
 Đến thời điểm 30/9/2015 số tổ được thành lập 2.557 tổ với 88.015 thành viên, trong đó Hội Nông dân 1.664 tổ với 62.808 thành viên; dư nợ đạt 1.629.2 tỷ đồng, chiếm 17% tổng dư nợ cho vay của Agribank chi nhánh tỉnh Bắc Giang, trong đó Hội Nông dân 1.216,3 tỷ đồng; dư nợ bình quân qua tổ chức Hội đạt 35 triệu đồng/hộ vay (thành viên); Tỷ lệ nợ xấu cho vay qua tổ chức Hội Nông dân là 0,33%. 


 
Dư nợ cho vay qua tổ theo Thoả thuận liên ngành số 799 từ 31/12/2010 đến 30/9/2015 tăng 257,2 tỷ đồng, tốc độ tăng 18,7%; trong đó cho vay qua Hội Nông dân tăng 167,8 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 16%)...


 
Hàng năm Hội phối hợp với Agribank các cấp tổ chức tập huấn nghiệp vụ theo hướng trực tiếp cho cán bộ tổ vay vốn, cán bộ Hội đi đôi với việc phân loại các tổ theo các mức độ tốt, khá, trung bình, yếu kém, tìm nguyên nhân để kịp thời chấn chỉnh; một số trường hợp phải thay thế như: tổ trưởng yếu kém, có biểu hiện, xâm tiêu hoặc tuổi cao. Do đó việc kiện toàn tổ vay vốn được tổ chức Hội và ngân hàng xem là việc làm rất cần thiết và thường xuyên nhằm không ngừng nâng cao chất lượng phối hợp thực hiện cho vay qua tổ.


 
Trong 5 năm qua các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tích cực phối hợp với các cơ sở dạy nghề đóng trên địa bàn tổ chức tuyển sinh và phối hợp dạy nghề cho lao động nông thôn được 46.856 lao động cụ thể đã tổ chức 770 lớp sơ cấp nghề cho 23.338 lao động; 540 lớp học nghề dưới 03 tháng cho 16.217 người tham gia và 7.297 người học nghề dài hạn tại các trường nghề trong và ngoài tỉnh. Hỗ trợ xây dựng hơn 5.000 mô hình sản xuất hàng hóa tập trung trên các lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản, trên 5.000 hộ nông dân có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; trong đó các cấp Hội Nông dân đã xây dựng 2.000 mô hình trình diễn để nông dân tham quan học tập...


 
Hội Nông dân các cấp đã chủ động phối hợp với Agribank thường xuyên hướng dẫn cho tổ trưởng tổ vay vốn và cán bộ Hội chuyên trách mới kiện toàn từ khâu thẩm định, lập hồ sơ cho vay, theo dõi, quản lý, điều hành, lưu trữ tài liệu.


 
Bên cạnh coi trọng việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ Hội và tổ trưởng vay vốn, trong những năm qua các cấp Hội đã thường xuyên quan tâm các hoạt động kiểm tra giám sát. Việc đôn đốc chỉ đạo Hôi Nông dân cấp huyện, thành phố và cơ sở tăng cường kiểm tra giám sát, công tác báo cáo định kỳ, đột xuất giữa các cấp Hội được duy trì, do đó diễn biến chất lượng tín dụng ở các đơn vị được cập nhật thường xuyên.


 
Hàng tháng, hàng quý, năm các cấp Hội đều xây dựng chương trình kiểm tra giám sát vốn vay, đôn đốc giám sát mục đích sử dụng vốn, chấn chỉnh các trường hợp sử dụng vốn sai mục đích, giám sát việc thực hiện các công đoạn do ngân hàng ủy nhiệm cho Hội các cấp và tổ trưởng vay vốn.


 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Một số cấp ủy Đảng, Chính quyền, tổ chức Hội chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động tín dụng, chưa nắm bắt kịp thời về nhu cầu vốn của hội viên dẫn đến tình trạng người dân có nhu cầu nhưng không được vay hoặc chậm được vay, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. Việc xác nhận cho hộ vay chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nơi chưa thật chặt chẽ dẫn tới tiềm ẩn rủi ro; Trình độ, năng lực của đội ngũ tổ trưởng vay vốn từng bước đã được nâng lên, song chưa đáp ứng kịp theo yêu cầu công việc đề ra.


 
Chất lượng hoạt động của các tổ vay vốn chưa đồng đều, tỷ lệ thu lãi tại điểm thu của một số xã đạt thấp; một số cán bộ tín dụng chưa phổ biến rõ ràng quyền hạn, trách nhiệm của tổ trưởng dẫn đến tình trạng một số tổ trưởng chưa thực hiện đúng các nội dung về quyền hạn và trách nhiệm của tổ trưởng; công tác phối hợp thẩm định cho vay ở một số địa bàn còn chậm do đội ngũ cán bộ tín dụng còn thiếu, phải kiêm nhiệm, phụ trách địa bàn rộng trong khi nhu cầu vay ngày càng tăng.


 
 Công tác tham mưu, đề xuất xử lý những vướng mắc phát sinh chưa kịp thời, các cấp hội chưa mạnh dạn chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao…


 
Thời gian tới, Hội ND tỉnh sẽ tích cực đẩy mạnh việc lồng ghép cho vay vốn với tư vấn, hướng dẫn, tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân, xây dựng các mô hình kinh tế theo mô hình liên kết, chuỗi giá trị, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, đào tạo kỹ năng hạch toán kinh tế trong sản xuất kinh doanh nhằm phát huy hiệu quả vốn vay.

Trần Mạnh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng