|
Có thêm vốn đầu tư sản xuất, chăn nuôi nên ngày càng có nhiều mô hình sản xuất giỏi trên địa bàn |
Trong 5 năm qua, các cấp Hội trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông thôn; đồng thời phổ biến các văn bản, hướng dẫn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về nghiệp vụ vay vốn tới 9/9 huyện, thành Hội, 100% cơ sở xã, phường, thị trấn với nhiều hình thức đa dạng và phong phú như: Trên báo, đài, thông qua các buổi sinh hoạt chi Hội cơ sở gắn với các phong trào của Hội…
Thông qua công tác tuyên truyền về các chính sách ưu đãi vốn vay đã giúp cho nhiều hộ nông dân được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; cùng với nguồn lực của gia đình đã mở rộng phát triển sản xuất trở thành những chủ trang trại lớn. Hàng năm, có tới 24% số hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp với mức thu nhập từ 100 triệu đồng/hộ/năm trở lên.
Xác định tổ vay vốn là một mắt xích hết sức quan trọng trong mô hình hoạt động tín chấp hiện nay; Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân cấp huyện phối hợp với các chi nhánh Ngân hàng NN & PTNT cùng cấp ký kết chương trình phối hợp liên ngành. Đến nay, đã có 9/9 huyện, thành phố phối hợp thực hiện cho vay theo Nghị định 41; trong đó 7/9 huyện đã ký chương trình thỏa thuận liên ngành gồm các huyện: Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát, Bắc Hà, Văn Bàn, Mường Khương, Si Ma Cai. Đã có 89 xã ký hợp đồng với chi nhánh NN & PTNT trên địa bàn để tham gia thực hiện một số khâu của nghiệp vụ tín dụng do ngân hàng ủy nhiệm.
Tổ vay vốn là nơi diễn ra các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, đôn đốc trả nợ gốc, lãi ... Vì vậy, việc chỉ đạo, hướng dẫn thành lập tổ vay vốn, củng cố kiện toàn các tổ hoạt động yếu, kém luôn được các cấp Hội cũng như Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT hết sức quan tâm.
Năm 2011, toàn tỉnh có 558 tổ vay vốn, đến nay đã có 544 Tổ vay vốn ký kết hợp đồng tín chấp với ngân hàng. Doanh số cho vay thông qua tổ chức Hội năm sau luôn cao hơn năm trước, dư nợ tín dụng luôn tăng qua các năm, từ 173.176 triệu đồng (năm 2011) lên 655.949 triệu đồng (năm 2015), tăng 278,8%. Các huyện làm tốt, có dư nợ cao như: Bảo Thắng đạt 229 tỷ đồng, Bảo Yên 142 tỷ đồng, Bắc Hà 98 tỷ đồng, Bát Xát 61 tỷ đồng...
Hàng năm, từ nguồn vốn vay thông qua Ngân hàng NN & PTNT đã giúp cho trên 100.000 hộ được vay vốn. Tuy nhiên, hiện số hộ được vay vốn mới chỉ chiếm 12,8% so với tổng hộ nông nghiệp nông thôn. Bên cạnh đó, chất lượng tín dụng thông qua tổ chức Hội ngày càng được nâng lên, tỷ lệ nợ quá hạn qua các năm giảm, năm 2011 còn 1,17% thì đến quý II/2015 tỷ lệ nợ quá hạn đã giảm xuống 0,25% (1.579 triệu đồng). Tỷ lệ thu lãi hàng tháng đều đạt trên 95%.
Hàng năm các cấp Hội thường xuyên phối hợp với Ngân hàng NN & PTNT tổ chức tập huấn cho cán bộ cơ sở Hội, Ban quản lý tổ vay vốn và các hộ vay vốn. Đã tổ chức được 52 lớp dạy nghề cho 1.720 hội viên, nông dân học các nghề trồng trọt, thú y… Hội còn phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 327 lớp dạy nghề cho 11.376 lao động nông thôn.
Ngoài công tác tập huấn nghiệp vụ cho tổ trưởng các tổ vay vốn, các cấp Hội trong tỉnh còn tích cực lồng ghép các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, các nội dung khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư nhằm giúp hội viên nông dân mạnh dạn vay vốn đầu tư vào sản xuất đem lại hiệu quả. Kết quả, trong 5 năm, các cấp Hội đã phối hợp với các Sở, ban, ngành tổ chức 6.713 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ cho 268.955 lượt hội viên, nông dân; hướng dẫn nông dân tra cứu các kiến thức khoa học kỹ thuật trên mạng Internet, thư viện khoa học kỹ thuật điện tử ở 20 xã nông thôn mới giai đoạn 2011- 2015.
Hội cũng phối hợp tổ chức 27 hội nghị đối thoại giữa nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với nông dân, đăng tải hàng trăm clip trên báo, đài để nông dân học tập và làm theo các gương điển hình tiên tiến. Xây dựng hàng nghìn mô hình thử nghiệm ứng dụng khoa học kỹ thuật đưa các giống cây, con mới vào sản xuất kinh doanh như: Trồng rau an toàn, chè VietGAP, hoa chất lượng cao, lúa giống, các mô hình chuồng trại, trồng cỏ, dự trữ thức ăn gắn với xử lý chất thải bằng hầm bể Biogas; bảo tồn các giống cây con quý hiếm.
Công tác kiểm tra giám sát được đặc biệt chú trọng, hàng năm Hội Nông dân tỉnh đều xây dựng kế hoạch kiểm tra hoạt động các nguồn vốn vay; chỉ đạo các cơ sở Hội xây dựng kế hoạch kiểm tra hoạt động vay vốn tại cơ sở. Hội chỉ đạo cán bộ các tổ vay vốn tăng cường kiểm tra việc sử dụng vốn vay của các hộ và các thành viên vay vốn; đôn đốc, thông báo đến các thành viên có dư nợ đến hạn trả nợ gốc, lãi đảm bảo đúng thời hạn.
Song song với các cuộc kiểm tra theo chuyên đề về vốn, các cấp Hội còn thường xuyên lồng ghép trong các chương trình kiểm tra công tác Hội. Kết quả, 5 năm qua các cấp Hội đã kiểm tra được tổng số 11.457 cuộc tại 5.233 lượt xã với trên 12.000 lượt hộ vay vốn.
Thực hiện tín chấp cho vay theo Nghị định 41, các cấp Hội đã chủ động tích cực vào cuộc để nguồn vốn được khơi thông và phát huy hiệu quả. Các cấp Hội đã giúp cho trên 100.000 lượt hộ nông dân được vay vốn. Thông qua nguồn vốn cho vay theo tổ nhóm, nguồn vốn vay từ Ngân hàng, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn vay với số tiền lớn để đầu tư sản xất kinh doanh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo được sự đột phá trong sản xuất.
Một số cơ sở Hội thực hiện tốt hoạt động tín chấp với Ngân hàng như: Hội Nông dân xã Xuân Quang huyện Bảo Thắng; xã Bảo Nhai huyện Bắc Hà, xã Bản Lầu huyện Mường Khương, xã Võ Lao huyện Văn Bàn, xã Trịnh Tường huyện Bát Xát…
Từ nguồn vốn vay, các hộ vay vốn có cùng mục đích sản xuất kinh doanh đã liên kết, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã thúc đẩy phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Hoạt động tín chấp cho nông dân vay vốn đã đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của nông dân; thu hút, tập hợp đông đảo nông dân vào tổ chức Hội là hành động thiết thực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các cấp Hội.