(Quỹ HTND)- Với mạng lưới gồm 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch và gần 30 năm kinh nghiệm hoạt động ở thị trường nông nghiệp, nông thôn, nguồn vốn tín dụng của ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã hỗ trợ người dân để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần đưa diện mạo nông thôn Việt Nam ngày một khởi sắc.
|
Từ nguồn vốn của Agribank, nhiều mô hình sản xuất phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Những năm qua, chi nhánh Agribank huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), đã chủ động phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chính quyền các xã đẩy mạnh tuyên truyền Nghị định 55 của Chính phủ cùng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tiện ích của Agribank đến khu dân cư, hộ gia đình, phân công cán bộ bám địa bàn, chủ động tư vấn, hướng dẫn cho người nông dân các thủ tục vay vốn, cách sử dụng vốn vay sao cho có hiệu quả. Nhờ đó, đến nay 17 xã và 1 thị trấn trong huyện đều đã thành lập Ban chỉ đạo vay vốn và phát huy được hiệu quả cho vay. Các nguồn vốn vay của người dân chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hiện Agribank chiếm trên 70% thị phần tín dụng trên địa bàn huyện. Tổng nguồn vốn huy động đến cuối năm 2016 đạt 901,5 tỷ đồng, dư nợ đạt 451 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn đạt 420 tỷ đồng, cho vay chương trình nông thôn mới 40 tỷ đồng. Nguồn vốn đã đáp ứng tốt nhu cầu vay của người dân trên toàn địa bàn.
Tại mảnh đất Hà Giang địa đầu của Tổ quốc, Agribank đóng vai trò chủ lực trong đầu tư cho vay “Tam nông” với dư nợ đạt gần 90% tổng dư nợ, bằng 3.050 tỷ đồng với 22.659 khách hàng. Nguồn vốn tín dụng của ngân hàng đã giúp người dân có điều kiện để phát triển sản xuất nông nghiệp. Dấu ấn rõ nhất là diện mạo khu vực nông thôn được thay đổi đáng kể, nhiều mô hình phát triển kinh tế mới trong nông nghiệp với quy mô bài bản, hiện đại dần được hình thành.
Hiện nay, Agribank Hà Giang triển khai nhiều gói tín dụng để người dân phát triển sản xuất. Cho vay hộ gia đình cũng đã lên đến 5 tỷ đồng, do đó nhiều hộ gia đình đã và đang phát triển sản xuất tốt. Nhiều mô hình sản xuất kinh doanh, canh tác theo hướng thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ có hiệu quả cao được nhân rộng như: Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của anh Nguyễn Xuân Tiến - xã Phong Quang (huyện Vị Xuyên); mô hình chăn nuôi gà, lợn kết hợp với trồng na, đu đủ của anh La Văn Quyến ở tổ 8, phường Quang Trung (thành phố Hà Giang)...
Tại huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên, tính đến ngày 30/5/2017, tổng dư nợ cho vay của chi nhánh Agribank đạt 963 tỷ đồng, với 7.900 khách hàng thì riêng nguồn vốn khách hàng vay chỉ để nuôi lợn là 142 tỷ đồng, với 1.219 khách hàng (trong đó có 11 khách hàng vay từ 500 triệu đồng đến gần 6 tỷ đồng). Ngoài ra, có khoảng 5.000 khách hàng khác vay vốn phát triển kinh tế tổng hợp, trong đó có chăn nuôi lợn.
Để chia sẻ khó khăn với khách hàng, tính đến cuối tháng 5, Agribank huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện gia hạn nợ cho cả 4 khách hàng lớn (với số tiền 12,8 tỷ đồng) đã gửi hồ sơ. Đồng thời đã trình hồ sơ đề nghị cho vay bổ sung đối với 4 khách hàng (số tiền 2 tỷ đồng). Ngoài ra, chi nhánh cũng đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn khác cho cả khách hàng lớn và khách hàng chăn nuôi nhỏ lẻ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và ngân hàng Nhà nước.
Đến 31/5/2017, Agribank có tổng tài sản trên 1 triệu tỷ đồng, đang tích cực triển khai 7 chính sách tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn; 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 800 ngàn tỷ đồng; tỷ trọng dư nợ nông nghiệp, nông thôn đạt 70% tổng dư nợ và chiếm trên 50% thị phần dư nợ lĩnh vực này của toàn ngành ngân hàng.
Thời gian tới, Agribank sẽ tiếp tục bám sát định hướng phát triển của các địa phương để tiếp tục đầu tư tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn để người nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, thể hiện cam kết luôn đồng hành cùng khách hàng trên con đường hướng tới tương lai, vì lợi ích của ngân hàng, khách hàng cũng như mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.