(Quỹ HTND)- Tính đến cuối năm 2014, dư nợ cho vay NNNT của Agribank Lâm Đồng đạt gần 9.200 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 90,18% trong tổng dư nợ, tăng 1.196 tỷ đồng so với đầu năm 2014, tỷ lệ tăng đạt gần 15%. Trong đó, cho vay phát triển NNNT đạt gần 5.500 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 4.559 tỷ đồng, dư nợ đạt 5.436 tỷ đồng, tăng trên 1.000 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng đạt trên 25%, với trên 39,6 ngàn lượt khách hàng còn dư nợ.
Cho vay đầu tư tại các xã triển khai xây dựng nông thôn mới, Agribank Lâm Đồng triển khai tại 34/43 xã, với doanh số gần 3.800 tỷ đồng, dư nợ đến cuối năm 2014 đạt gần 3.500 tỷ đồng với trên 20 ngàn lượt khách hàng. Cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC) đạt dư nợ đến cuối năm 2014 là 1.570 tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay trồng rau hoa công nghệ cao đạt 754 tỷ đồng, chiếm 66,6% thị phần cho vay rau hoa công nghệ cao của tỉnh; dư nợ cho vay chăn nuôi bò sữa đạt 437 tỷ đồng, chiếm 76,9% dư nợ cho vay chăn nuôi bò sữa của toàn tỉnh; dư nợ cho vay tái canh cải tạo giống cà phê đạt 380 tỷ đồng với 4.600ha, chiếm tới 76% tổng dư nợ tái canh cải tạo giống cà phê của cả nước.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đơn Dương, Huỳnh Ngọc Thận chia sẻ: “Là vùng chuyên canh rau và huyện điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh với phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), có người không biết chữ, có người ỷ vào chính sách của nhà nước nên chỉ trả gốc, lãi còn tồn đọng - dây dưa nên Hội phải kết hợp với trưởng thôn họp dân tuyên truyền, giải thích, thuyết phục người vay vốn thực hiện theo hợp đồng tín dụng với mục tiêu đưa đồng vốn tín dụng đến các thôn vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBDTTS một cách hiệu quả nên đã đạt dư nợ cho vay 1.315 tỷ đồng, tăng 279 tỷ đồng so với đầu năm 2014, tỷ lệ tăng trưởng 27%; nợ xấu chỉ còn 374 triệu đồng, chiếm 0,03% trong tổng dư nợ… Agribank Lâm Đồng trong năm qua đã hỗ trợ trên 12,53 tỷ đồng lãi suất với dư nợ trên 25,5 tỷ đồng cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ được hỗ trợ tổn thất sau thu hoạch nông - thủy sản. Cho vay vùng sâu vùng xa 13.371 hộ với dư nợ 1.161 tỷ đồng và cho vay trên 15 ngàn hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), với dư nợ 1.025 tỷ đồng. Nhiều sản phẩm tín dụng mới và tiện ích được bà con nông dân ưa thích như: cho vay theo hạn mức đến 100 triệu đồng đối với hộ sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ, cho vay lưu vụ đối với cây ngắn ngày và cho vay lưu gốc đối với cây công nghiệp dài ngày”.
Với phương châm hoạt động “Lấy nông nghiệp nông thôn làm địa bàn chiến lược, lấy nông dân làm đối tác tin cậy”, những năm gần đây, mạng lưới hoạt động của Agribank Lâm Đồng ngày càng được mở rộng đến các xã - thị trấn, gồm hội sở và 11 chi nhánh loại III cùng 15 phòng giao dịch trải rộng trên địa bàn Đà Lạt và 9 huyện (trừ Bảo Lộc và Bảo Lâm do Agribank chi nhánh Nam Lâm Đồng quản lý), tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế, nhất là nông dân ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận nguồn vốn vay của Agribank một cách dễ dàng. Agribank Lâm Đồng cũng xây dựng kế hoạch đầu tư tín dụng khu vực nông nghiệp, nông thôn (NNNT) đối với từng chương trình, như đầu tư tín dụng tái canh - cải tạo giống cà phê, tín dụng rau hoa…
Ngoài việc giúp cho các hộ nông dân nâng cao trình độ sản xuất, hình thành các mối liên kết từ quá trình sản xuất với thu mua - chế biến đến tiêu thụ nông sản giữa nhà nông - doanh nghiệp và ngân hàng, nguồn vốn tín dụng NNNT còn góp phần đẩy lùi tệ nạn cho vay nặng lãi, bán non hàng hóa, nông sản ở nông thôn; đồng thời, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói - giảm nghèo, tạo điều kiện cho nông dân yên tâm định canh - định cư, giữ gìn an ninh trật tự ở địa bàn nông thôn.
Nguyễn Thanh Trúc