(Quỹ HTND)- Cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là vay vốn phát triển sản xuất nông nghiệp từ trước tới nay thường được các ngân hàng liệt vào hàng rủi ro cao. Tuy vậy, bằng các chính sách của Nhà nước, đồng vốn cho nông dần được khơi thông.
Theo thống kê của Nhân hàng Nhà nước, tính đến đầu năm 2014, dư nợ cho vay chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm, cá tra và tôm tại 5 Ngân hàng Thương mại nhà nước đạt 55.064 tỷ đồng; trong đó: dư nợ cho vay cá tra là 18.615 tỷ đồng; nuôi, chế biến, xuất khẩu tôm là 17.431 tỷ đồng; nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm đạt 19.018 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia kinh tế, các chính sách của hệ thống ngân hàng đang hỗ trợ tích cực cho tam nông. Để gỡ khó về vốn cho nông dân, các chủ trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp, nhiều chính sách về phát triển vốn cho "tam nông" được triển khai. Về cơ bản hai Ngân hàng NNNPTNT và Ngân hàng CSXH đã từng bước đáp ứng chính sách tín dụng cho nông dân.
Đến ngày 31/12/2014, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 411.317 tỷ đồng, chiếm 74,3% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế, Agribank tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực trong thực hiện chính sách “tam nông”.
Nguồn vốn của Agribank đầu tư cho “tam nông” đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở nông thôn. Thông qua ký thoả thuận liên tịch với Trung ương Hội Nông dân và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đẩy mạnh cho vay kinh tế hộ thông qua tổ vay vốn, tạo “kênh” dẫn vốn hiệu quả, Agribank giúp nhiều nông dân có cơ hội đổi đời từ chính mô hình sản xuất của gia đình, hạn chế tình trạng vay vốn qua trung gian và vay nặng lãi. Hiện nay, khách hàng truyền thống có dư nợ tại Agribank là 3.683.933 hộ sản xuất và cá nhân.
Năm 2015, Agribank phấn đấu dư nợ nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 72 - 74% dư nợ cho vay nền kinh tế; dư nợ cho vay hộ sản xuất và cá nhân tăng trưởng từ 10 - 12% so với năm 2014.
Tính đến ngày 31/12/2014, tổng dư nợ cho vay của NHCSXH đạt 129.456 tỷ đồng, trong đó dư nợ do Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên tham gia quản lý là 128.111 tỷ đồng, chiếm 99% tổng dư nợ của NHCSXH, tăng 8.052 tỷ đồng so với năm 2013, với hơn 7 triệu hộ gia đình là hội viên các tổ chức hội, đoàn thể được thụ hưởng vốn tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện.
Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, hiện áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên trong đó có nông nghiệp, nông thôn là 8%/năm. Đối với chương trình cho vay khuyến khích liên kết trong sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp theo các mô hình liên kết, mô hình áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, mô hình liên kết sản xuất các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu, áp dụng lãi suất cho vay từ 7 - 10,5%/năm; mức cho vay đến 90% giá trị của phương án, dự án vay vốn. Có món vay chỉ 6%/năm.
Để tăng hiệu quả đồng vốn đầu tư, hỗ trợ cho nông dân, Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp nhịp nhàng để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ nông dân, thiết lập các kênh liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, đảm bảo đầu vào, đầu ra từ khâu nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch đến tiêu thụ sản phẩm nhằm tránh tình trạng “được mùa mất giá” và hiện tượng ép giá của các thương lái, nâng cao thu nhập, tăng cường khả năng trả nợ cho nông hộ, giảm thiểu rủi ro cho vay, tăng tính mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn của các tổ chức tín dụng.
Hạnh Thảo