|
Nhiều mô hình chăn nuôi cho hiệu quả cao trở thành điển hình trên địa bàn tỉnh |
Sau 5 năm triển khai thực hiện thỏa thuận liên ngành giữa Hội Nông dân và Ngân hàng NN & PTNT tỉnh đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Trước hết, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh luôn xác định việc phối hợp với Ngân hàng để thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một trong nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của các cấp Hội. Coi đây là chương trình phối hợp quan trọng giúp tổ chức Hội lồng ghép hiệu quả nhằm hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, tăng thu nhập.
Đặc biệt, trong bối cảnh toàn tỉnh đang tập trung, huy động mọi nguồn lực quyết tâm thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hai đơn vị đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về cung ứng vốn vay giúp hội viên có điều kiện đầu tư sản xuất.
Để các chính sách tín dụng thực sự đi vào cuộc sống, đại bộ phận hội viên có nhu cầu đều được biết và tiếp cận nguồn vốn, các cấp Hội trong tỉnh đã không ngừng chú trọng, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, thường xuyên cập nhật và truyên truyền, phổ biến các chính sách tín dụng của Trung ương, của tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đã có rất nhiều hình thức truyên truyền được linh hoạt ứng dụng như: Thông qua các cuộc họp, Hội nghị, tập huấn; các hình thức sân khấu hoá; lồng ghép nội dung các chính sách qua Hội thi, tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh xã, phường, thị trấn theo từng tháng, từng quý, tuyên truyền trên Tập san, Bản tin thị trường nông thôn, chuyên mục “Chuyện làng quê”... Kết quả, các cấp Hội đã tổ chức được khoảng 250.000 cuộc tuyên tuyền các chính sách đến 100% cơ sở Hội và 98% hội viên, nông dân.
Các cấp Hội cũng đã vận động hội viên đầu tư phát triển sản xuất tập trung vào những đối tượng cây, con được tỉnh chọn làm chủ lực. Điển hình như: Xây dựng các tổ hợp chăn nuôi lợn quy mô nhỏ, tối thiểu đạt 20 con/hộ đến chăn nuôi lợn với quy mô lớn; đầu tư xây dựng các trại nái thương phẩm; phát triển chăn nuôi bò; chăn nuôi hươu từ 5 con/hộ trở lên, trồng rau củ quả theo tiêu chuẩn Viet GAP quy mô 0,2 ha trở lên, trồng rừng từ 2ha trở lên, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh 0,5 ha trở lên hoặc nuôi bằng lồng, bằng bể xi măng, động viên đóng mới và cải hoán nâng công suất tàu cá nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả đánh bắt gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo…
Để đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất của hội viên, nông dân trong toàn tỉnh, Hội đã phối hợp với Ngân hàng chỉ đạo các cấp cơ sở khảo sát nhu cầu vốn của hội viên trong phát triển sản xuất, xây dựng kế hoạch và đề nghị Ngân hàng căn cứ trên nhu cầu của từng địa phương. Từ đó, sẽ có sự cân đối, điều tiết phù hợp để đáp ứng nguyện vọng chính đáng của hội viên, nông dân mặc dù do nhu cầu vay và kết quả huy động vốn của các chi nhánh Ngân hàng tại các địa phương là khác nhau.
Các cấp Hội đã chủ động xây dựng kế hoạch tập huấn, đào tạo nông dân; đồng thời liên hệ, khâu nối với các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp để tổ chức dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, nhằm giúp nông dân sử dụng đồng vốn vay nhanh, đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả, Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã tổ chức được 845 lớp dạy nghề các loại, hơn 8.256 lớp tập huấn KHKT cho hội viên, nông dân.
Hội cũng hỗ trợ xây dựng được 5.845 mô hình kinh tế làm điểm, chủ yếu tập trung vào phát triển các sản phẩm chủ lực, đầu tư máy móc thiết bị sản xuất, bảo quản chế biến, đánh bắt thủy hải sản, hình thành các Tổ hợp tác, HTX dịch vụ nông nghiệp và môi trường. Tổ chức được nhiều hội nghị, hội thảo chuyên đề nhằm nâng cao kiến thức, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho hội viên, nông dân.
Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng phối hợp thực hiện chính sách tín dụng và hoạt động công tác, việc kiện toàn tổ vay vốn được Hội và Ngân hàng xem là việc làm rất cần thiết và thường xuyên. Hàng năm, Hội còn phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng các cấp tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ các Tổ vay vốn, cán bộ Hội. Đồng thời với đó là việc phân loại, đánh giá các tổ theo các mức độ tốt, khá, trung bình, yếu kém để từ đó tìm ra nguyên nhân, kịp thời chấn chỉnh.
Trong 5 năm qua, Hội Nông dân các cấp đã chủ động phối hợp với Ngân hàng NN & PTNT tổ chức được 145 lớp tập huấn, hướng dẫn cho 6.860 lượt tổ trưởng tổ vay vốn và cán bộ Hội chuyên trách mới kiện toàn từ khâu thẩm định, lập hồ sơ cho vay, theo dõi, quản lý, điều hành, lưu trữ tài liệu...
Các cấp Hội cũng đặc biệt quan tâm tới hoạt động kiểm tra giám sát, việc đôn đốc chỉ đạo Hội Nông dân cấp huyện, thành, thị và cơ sở được quan tâm quán triệt thường xuyên, công tác báo cáo định kỳ, đột xuất giữa các cấp Hội được duy trì, do đó diễn biến chất lượng tín dụng ở các đơn vị được cập nhật thường xuyên.
Hàng tháng, hàng quý, năm các cấp Hội đều xây dựng chương trình kiểm tra giám sát vốn vay, mục đích sử dụng vốn, chấn chỉnh nhắc nhở các trường hợp sử dụng vốn sai mục đích, giám sát việc thực hiện các công đoạn do Ngân hàng ủy nhiệm cho Hội các cấp và tổ trưởng vay vốn. Kết quả, trong 5 năm, Hội Nông dân các cấp tổ chức được 256 cuộc kiểm tra tại cấp huyện, 6.895 cuộc tại cấp xã, 98.350 cuộc tại các tổ vay vốn, đối chiếu được khoảng 350.000 lượt hộ vay vốn.
Nội dung kiểm tra được tổ chức Hội thực hiện theo đúng văn bản hướng dẫn của Hội và Ngân hàng cấp trên. Hệ thống báo cáo kiểm tra giám sát được các cấp Hội duy trì đều đặn, kịp thời; ngoài báo cáo định kỳ còn yêu cầu các cấp Hội thường xuyên nắm bắt tình hình, phát hiện và báo cáo những vấn đề nảy sinh đột xuất thuộc trách nhiệm của mình để xử lý kịp thời.
Hội Nông dân tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch thực hiện và giao chỉ tiêu thi đua hàng năm cho các huyện, thành, thị Hội; quán triệt với các cấp Hội, xem đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá xếp loại công tác Hội và phong trào nông dân. Từ đó, nâng cao được ý thức cho các cấp Hội trong việc đôn đốc chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả các nội dung của Chương trình phối hợp.
Quan tâm tới việc rà soát và kiện toàn bộ máy Ban chỉ đạo và bộ phận chuyên trách nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sâu sát tới tận chi, tổ Hội, phát hiện những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện phối hợp của cán bộ Hội chuyên trách và tổ vay vốn, trong ý thức trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tiếp cận thủ tục vay vốn; thường xuyên nắm tình hình về diễn biến, tâm tư nguyện vọng của hội viên, nông dân trong quá trình sử dụng vốn vay.
Có được những kết quả như trên là nhờ các cấp Hội đã làm tốt việc bảo vệ quyền lợi của người vay vốn theo đúng quy định của pháp luật, chủ động cung cấp đầy đủ các thông tin để hội viên tiếp cận vốn vay, trực tiếp làm việc với các cơ quan chức năng để nắm bắt chính sách, giải thích và tháo gỡ khó khăn cho nông dân. Đặc biệt, tổ chức Hội đã giám sát và phát hiện việc thực hiện không nghiêm túc của ngành chức năng ở một số địa phương về nội dung Thông tư liên tịch số 69/2011/TTLT-BTC-BTP và quyết định 55/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm và lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Từ khi Nghị định 41 của Chính phủ ra đời, Hội Nông dân tỉnh và Ngân hàng NN & PTNT đã có sự phối hợp tích cực, chặt chẽ trong quá trình triển khai và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ hội viên, nông dân được đáp ứng nhu cầu vay vốn đạt khoảng 85% bình quân toàn tỉnh.
Đến nay, đã có 10/12 huyện, thị, thành Hội phối hợp thực hiện chính sách tín dụng với Ngân hàng NN & PTNT, có 1.113 tổ vay vốn được thành lập, với 35.166 thành viên. Tổng dư nợ đạt 1.400,427 tỷ đồng, tăng 410,207 tỷ đồng so với khi Nghị định 41 mới được ban hành. Doanh số cho vay trong 5 năm đạt 5.564,066 tỷ đồng cho 139,715 lượt hộ vay, trong đó nợ quá hạn được duy trì ở mức cho phép dưới 3%.
Trong tổng số dư nợ của Ngân hàng NN &PTNT ở khu vực nông thôn, Hội đã vận động hội viên, nông dân tiếp cận các chính sách hỗ trợ lãi suất, đồng thời giúp đỡ cho 23.944 lượt hộ nông dân tiếp cận và được thụ hưởng vốn vay tương đương số tiền 2.037,756 tỷ đồng, số tiền được hỗ trợ lãi suất 90,5 tỷ đồng.
Những huyện có dư nợ tín chấp qua tổ chức Hội cao như: Kỳ Anh đạt 519,965 tỷ đồng, Cẩm Xuyên đạt 361,319 tỷ đồng, Thạch Hà 228,917 tỷ đồng... Nhiều đơn vị có chất lượng tín dụng tốt, điển hình như: Thành Phố Hà Tĩnh 1%, Thạch Hà 1,1%, Vũ Quang 1,3%. Tỷ lệ nộp gốc, nộp lãi đúng hạn tại các điểm giao dịch của Ngân hàng NN & PTNT luôn đạt trên 90%. Các huyện có dư nợ chính sách lãi suất cao với số nông dân được tiếp cận nhiều như: Cẩm Xuyên đạt 428,312 tỷ đồng, Kỳ Anh 243,38 tỷ đồng, Lộc Hà 235,136 tỷ đồng, Hương Sơn 216,215 tỷ đồng, Thạch Hà 205,362 tỷ đồng.
Có thể nói, chương trình phối hợp giữa Hội và Ngân hàng NN & PTNT đã có sự tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, là nguồn lực quan trọng thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xây dựng nông thôn mới. Đã xây dựng thành công 5.556 mô hình có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên. Trong đó, có 543 mô hình lớn (chiếm 10%), 444 mô hình vừa (chiếm 8%), 4.569 mô hình nhỏ (chiếm 82%) phân chia theo các lĩnh vực như: Trồng trọt 1.472 mô hình (chiếm 26%), chăn nuôi 3.091 mô hình (chiếm 55%), nuôi trồng thủy sản 662 mô hình (chiếm 12%), nông lâm kết hợp 211 mô hình (chiếm 4%) và Tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ 120 mô hình (chiếm 3%).
Đây cũng chính là nguồn lực quan trọng, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 7,4% đồng thời tăng số hộ sản xuất kinh doanh giỏi theo tiêu chí của TW Hội lên 83.861 hộ. Trong đó có: 407 hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương; 5.527 hộ cấp tỉnh, 17.108 hộ cấp huyện, thành phố, thị xã và 60.819 hộ cấp xã, phường, trị trấn.
Quá trình phối hợp triển khai Thỏa thuận liên ngành số 799 cũng đã tạo điều kiện cho Hội Nông dân các cấp nâng cao năng lực hoạt động, các thành viên trong tổ có cơ hội gắn kết, học hỏi kinh nghiệm, cùng giúp nhau phát triển sản xuất kinh doanh làm giàu chính đáng. Các cấp Hội và Ngân hàng thực sự là cầu nối, cánh tay nối dài để đưa các chính sách tín dụng của Nhà nước đến với người dân. Về phía Ngân hàng, việc cho vay thông qua các tổ giúp chuyển tải đồng vốn nhanh, tiết kiệm thời gian và nhân lực, nâng cao chất lượng tín dụng trong đầu tư cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.