Vẫn có nhiều hộ nuôi tôm ở Bình Định thành công nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, giải quyết môi trường nước và áp dụng cách phối trộn thức ăn để tôm tăng trọng nhanh.
|
Nuôi tôm - trùn quế cho hiệu quả cao - Ảnh: Thanh Ngân |
Cho dù trong thực tế, nhiều hộ nuôi tôm ở Bình Định đang phải treo hồ vì dịch bệnh hoành hành dữ dội, giá tôm thương phẩm giảm đến 30% so cùng kỳ năm trước nên không dám “đánh bạc” với trời.
Nuôi bằng dịch trùn quế
Ông Ngô Thắng Trung (58 tuổi) ở thôn Xuân Bình Nam, xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) có thâm niên nuôi tôm đã 20 năm nay. Niềm vui, nỗi buồn trong nghề nuôi tôm ông đã thấm đẫm.
Những năm gần đây, do dịch bệnh hoành hành con tôm dữ dội quá, ông đã không còn dám đánh “canh bạc” lớn với con tôm nữa, nên đã rút diện tích nuôi từ 1,5 ha xuống còn 1.000 m2. Dù chỉ còn nuôi ít diện tích, nhưng ông Trung cũng không dám giao phó con tôm cho sự may rủi, mà bắt đầu tìm tòi, áp dụng những kỹ thuật tiên tiến vào ao nuôi nhằm né tránh thiệt hại.
Cách đây 1 năm, ông Trung học hỏi được cách phối trộn thức ăn thủy sản với dịch trùn quế giúp tôm tăng trưởng nhanh, rút ngắn được thời gian nuôi, tránh được rủi ro dịch bệnh.
Ngoài ra, giảm thời gian nuôi đồng nghĩa giảm lượng thức ăn, tiết kiệm được chi phí đầu vào để “đối phó” với tình trạng giá tôm thương phẩm đang giảm mạnh.
Ông Trung chia sẻ: “Từ khi sử dụng dịch trùn quế trộn vào thức ăn khô cho tôm ăn, tui thấy tôm tăng trọng nhanh khoảng 30% thời gian so với những ao tôm không dùng dịch trùn”.
Theo tính toán của ông Trung, mỗi lít dịch trùn quế có giá 70.000đ, trộn được với 30 kg thức ăn khô. Để hạn chế dịch bệnh, mỗi mét vuông mặt nước ông Trung chỉ thả 60 con giống, với 1.000 m2 ông thả 60.000 tôm giống. Khi tôm đạt trọng lượng 100 con/kg là ông vớt bán, đạt khoảng 6 tạ tôm thương phẩm.
Từ khi thả giống đến khi thu hoạch, lũ tôm ăn hết 7.200 kg thức ăn khô và 240 lít dịch trùn. Nhờ tôm tăng trưởng nhanh nên tiết kiệm được 30% thời gian nuôi và 30% lượng thức ăn so với những ao nuôi khác. Vì thế, dù giá tôm giảm thấp vẫn có thể nuôi cầm cự, chờ ngày lên giá.
Không chỉ giúp tôm tăng trọng, sử dụng dịch trùn quế trộn vào thức ăn còn hạn chế được bệnh phân trắng cho con tôm.
Nhờ áp dụng bể lọc, những vụ nuôi trong năm 2014 đã mang lại cho anh Phan Thanh Thánh khoản doanh thu 7 tỷ đồng nhờ tôm không dính dịch bệnh. Mô hình lọc nước nuôi tôm của anh Thánh đang được những hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Mỹ An học tập để tránh rủi ro thua lỗ. |
Ông Trịnh Văn Minh, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phù Mỹ đang nuôi trùn quế, chiết xuất ra dịch trùn cung ứng cho nhiều hộ nuôi tôm ở Phù Mỹ, cho biết thêm: "Sau khi xay trùn quế, đưa men vi sinh vào để lên men gọi là dịch trùn, sau đó đóng chai, cung ứng cho người nuôi tôm. Dịch trùn có thể để từ 1 năm rưỡi đến 2 năm vẫn không mất chất lượng. Phối trộn dịch trùn quế vào thức ăn khô sẽ làm tăng lượng đạm cho thức ăn, do đó tôm tăng trọng nhanh.
“Dịch trùn phải được trộn vào thức ăn 10 - 15 phút trước khi cho tôm ăn để dịch ngấm hết vào thức ăn. Có nhiều chất dinh dưỡng có sẵn trong con trùn như đạm, khoáng, chất acid amin... Các nguyên tố vi lượng Zn, Selenium... có tác dụng tăng sức đề kháng, tăng khả năng miễn dịch cho tôm nuôi. Khi cho tôm ăn thức ăn công nghiệp bổ sung dịch trùn sẽ kích thích thèm ăn, kích thích tiêu hóa, giúp tôm hấp thụ các chất dinh dưỡng có trong con trùn nên hạn chế bị nhiễm bệnh, nhất là bệnh phân trắng”, ông Minh cho biết.
Giải quyết môi trường nước
Theo ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bình Định, môi trường nước nuôi bị ô nhiễm nghiêm trọng là nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh cho con tôm ở một số vùng nuôi không được quy hoạch bài bản.
“Những vùng nuôi tôm được quy hoạch thì ít, vùng nuôi tự phát với cơ sở hạ tầng yếu kém thì nhiều. Hầu hết các hộ nuôi tự phát không có hệ thống cung cấp nguồn nước nuôi và hệ thống xả nước thải, chỉ có 1 ao nuôi rồi xả thải trực tiếp ra môi trường nên ô nhiễm lây lan”, ông Tâm nói.
Trong bối cảnh nguồn nước nuôi bị ô nhiễm nghiêm trọng, gây ra dịch bệnh liên tục gây hại cho tôm, anh Phan Thanh Thánh (SN 1984) ở thôn Mỹ Bình, xã Mỹ An (Phù Mỹ) áp dụng phương pháp lọc nước trước khi đưa vào muôi tôm nhằm né tránh dịch bệnh.
“Giá tôm giống bố mẹ rất đắt, nên các cơ sở SX giống làm rất kỹ, nguồn nước đưa vào nuôi tôm, họ phải lọc trước kỹ càng để tránh tôm giống bố mẹ bị dính dịch bệnh. Sau khi tham quan, học hỏi được cách làm, tôi áp dụng vào các ao nuôi tôm thẻ chân trắng của mình và đã cho thấy hiệu quả”, anh Thánh nói.
Theo anh Thánh, bể lọc anh xây bằng gạch trát xi măng có chiều rộng 6m, chiều ngang 4m, sâu 2m. Sau đó, anh rải bên dưới 1 lớp đá san hô, tiếp đến 1 lớp than hoạt tính và 1 lớp cát dày bên trên cùng. Nước được bơm từ mạch ngầm vào hồ lọc rồi mới xả vào ao nuôi bằng 1 ống nhựa lớn. Bơm, lọc liên tục đến khi đủ lượng nước trong ao nuôi.
“Sau khi được lọc, nước trong hẳn ra, khi vào ao nuôi nước ít biến đổi tảo. Nhờ đó, trong khi các ao nuôi tôm trong vùng hầu hết đều bị bệnh phân trắng nhưng ao của tôi thì không. Tuy nhiên, từ 3 - 5 tháng phải thay lớp cát và than 1 lần. Lớp san hô 1 năm cũng phải lấy ra, chà rửa sạch sẽ rồi rải vô lại trong bể để làm sạch, tránh nguồn nước nuôi bị nhiễm bẩn từ những lớp cặn lóng trong bể lọc”, anh Thánh chia sẻ.