Quỹ HTND Lào Cai: Góp phần nâng cao hiệu quả các mô hình kinh tế tập thể
(Quỹ HTND) – Những năm qua, để thực hiện có hiệu quả Quyết định số 673 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp Hội chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền trong việc cấp một phần kinh phí từ ngân sách địa phương nhằm giúp tăng trưởng nguồn Quỹ HTND ngay tại cơ sở.
|
Một trong những điểm nhấn đó là Quỹ HTND đã đổi mới căn bản về phương thức hỗ trợ cho hội viên, nông dân vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh theo các mô hình, dự án nhằm nâng cao hiệu quả và giá trị kinh tế |
Được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền địa phương, Quỹ HTND tỉnh đã được ngân sách tỉnh cấp bổ sung 6 tỷ đồng nguồn vốn từ ngân sách. Đồng thời, 3/9 đơn vị Quỹ HTND cấp huyện cũng được ngân sách huyện cấp vốn 2,503 tỷ đồng (tăng 2 tỷ đồng so với cuối năm 2020).
Năm 2021, nhiều đơn vị Hội ND cấp huyện, thành phố nhờ tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương sớm đưa vào kế hoạch ngay từ đầu năm đã được phê duyệt và trích ngân sách bổ sung nguồn vốn cho Quỹ HTND cùng cấp đạt hiệu quả. Điển hình như: Quỹ HTND thị xã Sa Pa được ngân sách thị xã cấp bổ sung 1,7 tỷ đồng; Quỹ HTND huyện Bắc Hà được cấp thêm 500 triệu đồng.
Đồng thời, Hội ND tỉnh cũng tổ chức việc phân bổ và giao chỉ tiêu cụ thể cho từng cấp Hội hàng năm, lấy đó làm tiêu chí để tiến hành bình xét thi đua, đánh giá. Trên cơ sở đó, các cấp Hội trong tỉnh đã chủ động tham mưu, ban hành các văn chỉ đạo, hướng dẫn và tập trung xây dựng, kiện toàn bộ máy quản lý, điều hành Quỹ HTND các cấp giúp nâng cao hiệu quả hoạt động.
Công tác phát triển nguồn vốn từ việc huy động các nguồn lực xã hội tiếp tục được Hội quan tâm đẩy mạnh, góp phần tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND ở tất cả các cấp. Một số đơn vị triển khai thực hiện tốt công tác này và đã đạt kết quả cao như: Thành phố Lào Cai, huyện Bảo Thắng…
Qua các năm, nguồn vốn Quỹ HTND trong toàn tỉnh có sự tăng trưởng mạnh mẽ, vượt chỉ tiêu đặt ra. Đến nay, có 9/9 huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng và phát triển được Quỹ HTND. Trong đó: 2/9 đơn vị cấp huyện có nguồn vốn Quỹ HTND đạt mức 01 tỷ đồng trở lên; 6/9 đơn vị huyện đạt mức 500 triệu đồng trở lên. Có 152/152 đơn vị cấp xã xây dựng được nguồn Quỹ HTND và chuyển về cấp trên quản lí theo qui định, đạt 100%.
Tính đến hết năm 2021, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đang quản lý 29,772 tỷ đồng. Trong đó: Nguồn vốn do Trung ương ủy thác 14,4 tỷ đồng (chiếm 48%); nguồn Quỹ cấp tỉnh quản lý 7,72 tỷ đồng (chiếm 26%); nguồn cấp huyện đạt 7,65 tỷ đồng (chiếm 26%).
Hiện, dư nợ từ nguồn Quỹ HTND toàn tỉnh trong năm 2021 đạt 29,175 tỷ đồng đang cho 501 hộ hội viên, nông dân vay vốn để triển khai thực hiện 43 dự án tại địa bàn 9/9 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, dự án trồng trọt chiếm 33%, dự án chăn nuôi chiếm 37%, thủy sản chiếm 30%.
Bên cạnh việc tập trung xây dựng và phát triển nguồn vốn Quỹ HTND, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh cũng thường xuyên chỉ đạo các cấp Hội chủ động phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn nhằm đa dạng hóa “kênh” dẫn vốn. Qua đó, để kịp thời hỗ trợ ngày càng nhiều hội viên, nông dân có thêm nguồn lực, mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế giúp gia tăng thu nhập, vươn lên trong cuộc sống.
Các cấp Hội đã tập trung triển khai thực hiện tốt chương trình phối hợp ủy thác vốn vay với ngân hàng CSXH. Nhờ đó, dư nợ ủy thác với ngân hàng thông qua kênh của Hội ND tăng trưởng tốt, chất lượng ủy thác ngày càng được nâng lên qua từng năm. Trong kỳ, Hội ND tỉnh đã phối hợp với ngân hàng CSXH tỉnh giải ngân 850 tỷ đồng cho 17.688 hộ hội viên, nông dân vay thông qua 538 Tổ TK&VV, tăng 72 tỷ đồng so với cuối năm 2020.
Theo định kỳ, các cấp Hội phối hợp với ngân hàng CSXH tích cực tiến hành việc đánh giá phân loại các Tổ TK&VV. Qua đánh giá xếp loại, có 491 Tổ TK&VV xếp loại tốt (chiếm 91,4%); 03 Tổ khá (chiếm 6,2%). Đồng thời, 100% số Tổ TK&VV tham gia huy động gửi tiết kiệm tự nguyện; tỷ lệ thu lãi, thu tiết kiệm hàng tháng đạt trên 90% trở lên. Tổng số dư tiền tiết kiệm huy động đạt được 25.859 triệu đồng với 19.306 thành viên tham gia gửi tiết kiệm.
Bên cạnh đó, 9/9 Hội ND cấp huyện đã ký kết văn bản liên ngành với chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT cùng cấp; 107 Hội ND cấp xã ký Hợp đồng với Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT trên địa bàn để tham gia thực hiện một số khâu của nghiệp vụ tín dụng do Ngân hàng ủy nhiệm. Đến nay, tổng dư nợ của ngân hàng thông qua tổ chức Hội đạt 1.480 tỷ đồng (tăng 72,4 tỷ đồng so cuối năm 2020) cho 12.672 hộ vay, tại 557 Tổ Vay vốn.
Nhờ được tiếp cận kịp thời các nguồn vốn vay, nhiều hộ hội viên, nông dân trên địa bàn đã tập trung đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm, xây dựng và phát triển các mô hình gia trại, trang trại đem lại giá trị kinh tế cao. Đã có nhiều mô hình trang trại, gia trại do chính người nông dân làm chủ đạt hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập bình quân từ 100- 300 triệu đồng/hộ/năm và hiện đang tiếp tục được các cấp Hội nhân rộng.
Một trong những điểm nhấn đó là Quỹ HTND đã đổi mới căn bản về phương thức hỗ trợ cho hội viên, nông dân vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh theo mô hình, dự án; trước đây thường tiến hành cho vay theo hộ hay nhóm hộ nhỏ lẻ nên hiệu quả đạt được không cao. Qua đó, góp phần xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết, hợp tác theo hình thức nhóm hộ, trang trại, doanh nghiệp nhỏ… vừa gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm vừa giúp các hộ có thêm nguồn thu nhập.
Những năm qua, nguồn vốn từ Quỹ HTND đã giúp nhiều gia đình hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh mạnh dạn chuyển đổi sản xuất, đầu tư xây dựng và phát triển những mô hình hay trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt nhằm phát huy tốt lợi thế của các địa phương. Một số mô hình điểm được hình thành như: Nuôi cá chép lai thâm canh tại thị xã Cam Đường (thành phố Lào Cai) và thị trấn Phong Hải (huyện Bảo Thắng); chăn nuôi trâu sinh sản tại xã Xuân Giao (huyện Bảo Thắng) và xã Yên Sơn (huyện Bảo Yên); chăn nuôi ngựa ở xã Dương Quỳ (huyện Văn Bàn); chuyển đổi mục đích diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá nước ngọt tại thị trấn Phong Hải (huyện Bảo Thắng) và xã Bản Xen (huyện Mường Khương)…
Nhiều mô hình đã cho thấy đạt hiệu quả kinh tế rõ nét, được cấp ủy, chính quyền các địa phương cùng các cấp Hội ủng hộ, quan tâm và tiếp tục nhân rộng. Tiêu biểu như: Dự án nuôi gà thả đồi tại xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng); nuôi vịt bầu tại xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên); nuôi cá chép lai thâm canh, cá rô đơn tính tại các huyện Bảo Thắng, Bát Xát và thành phố Lào Cai.
Đáng chú ý, được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của cán bộ, hội viên, nông dân, Quỹ HTND tỉnh đã triển khai thực hiện các dự án tại những địa bàn trọng điểm. Với mục tiêu xây dựng các mô hình phát triển kinh tế theo hướng liên kết, sản xuất an toàn và phát triển bền vững, các cấp Hội còn chú trọng tới việc bảo tồn và phát triển những loại cây, con đặc sản- là sản vật đặc trưng của từng vùng nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm cũng như đẩy mạnh quảng bá cho thương hiệu vùng miền.
Tiêu biểu như dự án “Trồng mới, chăm sóc và cải tạo cây mận Tam hoa- Bắc Hà” được triển khai thực hiện ở thị trấn Bắc Hà với số tiền 1,1 tỷ đồng được phê duyệt và giải ngân, có 22 hộ gia đình được tham gia dự án. Cùng với việc hỗ trợ nguồn vốn vay, Hội ND huyện còn chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho các hộ về quy trình, kỹ thuật trồng mới, chăm sóc và cải tạo loại cây trồng này nhằm đảm bảo nguồn vốn phát huy hiệu quả, góp phần giúp các hộ hội viên, nông dân nâng cao thu nhập.
Đến nay, thu nhập từ vườn mận của các hộ dân tham gia trong tổ Hội đã tăng gấp 1,5 lần so với những năm trước khi chưa thực hiện mô hình phát triển kinh tế tập thể. Ước tính doanh thu của các thành viên tham gia trong tổ Hội sau 3 năm đạt 2,5 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 830 triệu đồng/năm.
Hay như tại địa bàn thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng, các cấp Hội đã hướng dẫn 15 hộ dân tham gia thực hiện dự án nuôi cá chép lai thâm canh và bước đầu mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Trên cơ sở đó, các hộ dân đã mạnh dạn liên kết cùng nhau để thành lập tổ Hội ND nghề nghiệp “Nuôi cá thịt và cá giống”.
Hiện 100% các hộ thành viên của tổ Hội đều được tiếp cận với khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Nhờ áp dụng và tuân thủ tốt qui trình nuôi và chăm sóc, phòng trừ bệnh cho cá, bình quân mỗi hộ thành viên của tổ Hội có thu hoạch đạt trên một tấn cá/năm, thu nhập đạt khoảng 100 triệu đồng/hộ.
Đáng chú ý, tổ Hội nghề nghiệp còn chủ động đứng ra giúp đỡ về giống, vốn cũng như hướng dẫn phương thức làm ăn cho 20 hộ dân thuộc diện nghèo trong thôn. Hiện, nhiều hộ nghèo đã vươn lên trở thành khá giàu, tích lũy được nguồn vốn và tiếp tục đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.
Thông qua những kết quả đạt được, tổ Hội nghề nghiệp đã thu hút thêm 15 hộ thành viên đăng ký tham gia, nâng tổng số thành viên của tổ Hội lên 30 người. Từ tháng 7/2019, Hội ND xã đã hướng dẫn các thủ tục và thành lập Hợp tác xã kinh doanh thủy sản Phong Hải, gồm 15 thành viên. Hợp tác xã đứng ra đảm nhận những khâu dịch vụ như: Cung ứng con giống, thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ khoa học kỹ thuật... Việc hình thành mô hình các Hợp tác xã đóng vai trò quan trọng cho sự hợp tác, liên kết của các hộ chăn nuôi thủy sản trong thôn, là đầu mối liên kết các doanh nghiệp trong việc quảng bá, giới thiệu và xuất bán sản phẩm ra thị trường.
Cùng với hoạt động giải ngân, để bảo toàn và đầu tư có hiệu quả đồng vốn, các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác phối hợp với ngành chức năng trên địa bàn thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nghề. Năm 2021, các cấp Hội phối hợp tổ chức 561 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 22.746 lượt hội viên, nông dân tham gia. Từ đó, giúp nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trong việc sử dụng đồng vốn vay Quỹ HTND và nguồn tín dụng từ các ngân hàng.
Đồng thời, các cấp Hội tăng cường tổ chức các hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân như: Tín chấp cho hội viên, nông dân mua 117 tấn phân bón trả chậm các loại (trị giá 2,7 tỷ đồng); cấp phát 666 chậu địa lan cho 54 hộ dân; cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp (10 máy cày, 10 máy tuốt lúa, 10 máy xay xát); hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận các tiến bộ khoa học, công nghệ mới; tăng cường kết nối để tìm đầu ra tiêu thụ các sản phẩm nông sản…
Nhờ nguồn vốn vay từ Quỹ HTND, nhiều mô hình, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được hình thành. Qua đánh giá, các mô hình đã giúp tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong năm 2021, các cấp Hội đã xây dựng và thành lập 03 tổ Hội ND nghề nghiệp. Hiện, toàn tỉnh đã có 335 tổ Hội ND nghề nghiệp và 5 Hợp tác xã.
Có thể thấy, sự tiếp sức từ nguồn vốn vay Quỹ HTND chính là đòn bẩy giúp cho các hộ nông dân thêm tự tin để triển khai hiệu quả các mô hình phát triển sản xuất; giúp nông dân có điều kiện xây dựng ngày càng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Phát huy hiệu quả đạt được, bước sang giai đoạn 2021-2025, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh xác định mục tiêu xây dựng khoảng 100 tổ, nhóm liên kết, tổ hợp tác, Hợp tác xã theo hướng 5 cùng. Từ đó, giúp nâng cao hiệu quả các mô hình kinh tế tập thể; thu hút, tập hợp hội viên, nông dân tham gia vào tổ chức Hội; tạo việc làm ổn định cho lao động ở nông thông qua các dự án, mô hình, tăng thu nhập bình quân từ 25- 30 triệu đồng/năm/hộ vay vốn…