Quỹ HTND Đồng Nai: Nguồn vốn tạo “bệ đỡ” hình thành các mô hình kinh tế
10:06 - 17/11/2021
(Quỹ HTND) – Những năm qua, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh thường xuyên quan tâm đến công tác xây dựng, vận động, tăng trưởng phát triển nguồn vốn Quỹ HTND ở tất cả các cấp. Nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của hội viên, nông dân trên địa bàn trở nên thuận lợi, có thêm nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế.

Nguồn vốn vay từ Quỹ HTND các cấp giúp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của hội viên, nông dân trên địa bàn trở nên thuận lợi, gia tăng giá trị trên cùng đơn vị diện tích


 
Song song với việc kiện toàn, hoàn thiện tổ chức Quỹ HTND các cấp theo hướng dẫn của Trung ương, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh cũng quan tâm, chỉ đạo sát sao việc thực hiện Quyết định số 673 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, hàng năm, các cấp Hội tích cực tham mưu với UBND tỉnh và huyện để cấp bổ sung nguồn vốn từ ngân sách sang cho Quỹ HTND hoạt động.
 

Được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, phê duyệt Đề án thành lập Quỹ HTND tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách tỉnh đã cấp bổ sung 40 tỷ đồng cho Quỹ HTND tỉnh. Đồng thời, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh còn chỉ đạo 11/11 huyện, thị, thành xây dựng Đề án và được ngân sách địa phương phê duyệt cấp vốn hơn 20 tỷ đồng.

 
Bên cạnh đó, căn cứ vào chỉ tiêu của Trung ương Hội NDVN giao hàng năm, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh xây dựng kế hoạch phân bổ chỉ tiêu ngay từ đầu năm cho các huyện, thị xã, thành phố. Các cấp Hội chủ động lồng ghép việc tổ chức tuyên truyền để vận động các ngành, tổ chức, doanh nghiệp, các hội viên, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, hộ khá, giàu tham gia ủng hộ xây dựng Quỹ HTND đạt và vượt chỉ tiêu. Một số đơn vị điển hình triển khai tốt như các huyện: Long Thành, Trảng Bom, Xuân Lộc...

 
Hiện, tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong toàn tỉnh đang quản lí 87,8 tỷ đồng. Trong đó, nguồn Quỹ HTND tỉnh đạt 51,88 tỷ đồng; cấp huyện 28,3 tỷ đồng; cấp xã vận động được 7,63 tỷ đồng.

 
Từ nguồn vốn trên, các cấp Hội đã nhanh chóng triển khai việc giải ngân để giúp hội viên, nông dân có thêm điều kiện đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình và vươn lên khá, giàu. Bên cạnh đó, góp phần hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình kinh tế mang lại giá trị cũng như đạt mức lợi nhuận cao trên cùng một đơn vị sản xuất.

 
Cùng với hoạt động giải ngân nguồn vốn vay, công tác tập huấn, hướng dẫn thực hiện các quy định của Quỹ cũng luôn được các cấp Hội quan tâm và tiến hành thường xuyên. Hội ND tỉnh, huyện, thị, thành phối hợp với các ngành chức năng lồng ghép thông qua các lớp tập huấn để giúp cho các cán bộ quản lý dự án, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội ND các xã nắm được về nghiệp vụ công tác Hội, nghiệp vụ cho vay Quỹ HTND; hướng dẫn thực hiện điều lệ Quỹ HTND, nghiệp vụ kế toán Quỹ tại cơ sở…

 
Ngoài ra, Hội còn tập trung tuyên truyền về các mô hình, gương điển hình làm ăn có hiệu quả từ nguồn vốn Quỹ HTND trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử… Qua đó, nhận được sự đóng góp và ủng hộ mạnh mẽ của các ngành, các cấp, các Mạnh Thường quân và nhất là cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn.

 
Trong năm, công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tác dụng của Quỹ HTND tiếp tục được các cấp Hội chú trọng quan tâm và được tiến hành bằng nhiều hình thức phong phú như: Tập trung tuyên tuyên truyền thông qua sinh hoạt chi, tổ, Hội; qua các hội nghị, tập huấn...
 

Một tấm gương điển hình trong việc vay vốn Quỹ HTND đầu tư làm ăn hiệu quả là mô hình trồng sầu riêng sạch của hộ gia đình ông Trần Anh Đông ở ấp Bàu Tre, xã Bình An (huyện Long Thành). Được các cấp Hội xét cho vay 50 triệu đồng, cùng với số vốn tự tích lũy được của gia đình, ông đã đầu tư chuyển đổi và trồng 2 ha vườn sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP.

 
Sau 2 năm tích cực áp dụng và tuân thủ đúng các kỹ thuật mới giúp cho năng suất sầu riêng tăng từ 15 tấn/ha lên thành 18 tấn/ha. Đồng thời, nhờ có chất lượng ngon, an toàn, sản phẩm sầu riêng sạch của gia đình ông Đông có đầu ra tốt, mang lại nguồn thu nhập lên tới 900 triệu đồng/năm.

 
Hay như mô hình trồng giống sầu riêng hạt lép của nông dân giỏi Trần Thụy Nguyên ở ấp Nông Doanh, xã Xuân Tân (thị xã Long Khánh) cũng được rất nhiều bà con nông dân biết đến. Là người đi tiên phong trong việc mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng mới ở địa phương, ông Nguyên quyết định chặt bỏ vườn cà phê già cỗi để chuyển sang trồng giống sầu riêng hạt lép Ri6 và Monthong cho hiệu quả cao.

 
Vượt qua những khó khăn ban đầu, nhờ tiếp cận được những kiến thức, kỹ thuật mới trong sản xuất và kiên trì áp dụng nên vườn cây của gia đình ông ngày một phát triển. Ngoài ra, ông còn đầu tư xây dựng thêm trang trại nuôi lợn vừa giúp tăng thêm nguồn thu nhập, vừa tạo ra lượng phân chuồng an toàn đem bón cho vườn cây nhằm giảm bớt chi phí mua phân bón. Hiện, vườn sầu riêng xen canh măng cụt của gia đình ông Nguyên phát triển xanh tốt, luôn đạt năng suất cao. Nhiều năm liền ông còn đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. 
 

 

Đến nay, các cấp Hội trong tỉnh đã hỗ trợ về nguồn vốn cho 230 Câu lạc bộ, tổ hợp tác với gần 6,6 ngàn lượt hộ hội viên, nông dân vay để đầu tư sản xuất, chăn nuôi.

Các cấp Hội đã hướng dẫn, xây dựng được nhiều mô hình liên kết sản xuất hàng hóa có chất lượng cao, giải quyết việc làm cho hơn 6,5 ngàn lao động ở nông thôn; góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế của các địa phương.

Đặc biệt, nhiều mô hình, dự án nhờ đầu tư đúng hướng đã giúp phát huy tốt thế mạnh của địa phương, sản xuất ra các mặt hàng nông sản có giá trị kinh tế cao và hiện đang tiếp tục được các cấp Hội chỉ đạo nhân rộng trên địa bàn. Tiêu biểu như: Dự án trồng và chăm sóc cây mãng cầu với nguồn vốn vay 460 triệu đồng được triển khai tại địa bàn tại ấp 7, xã Phú Ngọc (huyện Định Quán) hỗ trợ cho 11 hội viên, nông dân vay; mô hình nuôi con ba ba đặc sản ở xã Phú Ngọc (huyện Định Quán) đầu tư 400 triệu đồng cho 10 hội viên, nông dân vay mang lại nguồn thu nhập tốt...

 
Thông qua nguồn vốn từ Quỹ HTND, các địa phương trong tỉnh đã giải quyết được phần nào những khó khăn về vốn của hội viên, nông dân như: Mua phân bón, thuốc trừ sâu, mua cây con giống... Qua đó, thúc đẩy phát triển sản xuất, hình thành các mô hình kinh tế hộ hiệu quả để tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên, nông dân.

 
Nhờ nguồn vốn vay của Quỹ HTND các cấp còn giúp xây dựng được nhiều mô hình Tổ hợp tác trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là sản xuất ra nhiều loại nông sản hàng hoá có giá trị, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh và địa phương như: Mô hình thâm ​canh cây bưởi da xanh; trồng sầu riêng, chôm chôm, thanh long; chăn nuôi bò, lợn, thủy sản; trồng dâu nuôi tằm… Mặt khác, nhiều hội viên, nông dân có thêm điều kiện giúp đỡ nhau, cùng chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất để phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu.
 

Bên cạnh đó, để tạo thêm nhiều kênh dẫn vốn, các cấp Hội thường xuyên đẩy mạnh hoạt động phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn nhằm triển khai thực hiện tốt các công đoạn được ủy thác.

 
Theo đó, các cấp Hội tăng cường phối hợp với ngân hàng CSXH tỉnh trong việc ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với tổng dư nợ đạt trên 1.052 tỷ đồng cho 37.747 lượt hộ hội viên, nông dân vay thông qua 837 Tổ TK&VV. Cùng với đó, thông qua tổ chức Hội, tổng dư nợ với ngân hàng Nông nghiệp & PTNT đạt hơn 276,9 tỷ đồng, với 3.745 lượt hội viên, nông dân vay tại 289 Tổ Vay vốn.

 
Hàng năm, công tác kiểm tra, kiểm soát Quỹ HTND cũng được các cấp Hội tiến hành thường xuyên. Ngay từ đầu năm, Ban điều hành Quỹ đã tham mưu cho Ban Thường vụ tỉnh Hội xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát hoạt động Quỹ HTND ở các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở.

 
Hội ND tỉnh cùng với Hội ND các huyện, thị, thành và cơ sở thường xuyên tổ chức kiểm tra việc sử dụng vốn sau 01 tháng của các hộ vay vốn; tiến hành kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất, thực hiện việc thu nộp phí đúng định kỳ và đủ số lượng; kiểm tra việc thu, chi tài chính của cơ sở trong việc thu và sử dụng phí. Định kỳ 03 tháng/lần, Ban Quản lý dự án phối hợp cùng Hội ND các cấp tăng cường công tác kiểm tra sổ sách theo dõi việc cho vay Quỹ HTND.
 

Qua kiểm tra cho thấy, nhìn chung các hộ hội viên, nông dân sử dụng nguồn vốn vay đều đúng mục đích; tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tương trợ, trao đổi kinh nghiệm trong các hộ tham gia dự án; phát huy hiệu quả đồng vốn; nộp phí và trả gốc đúng hạn. Đồng thời, cán bộ, hội viên, nông dân cũng rất tích cực trong hoạt động ủng hộ, đóng góp nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển Quỹ HTND các cấp. Từ đó, giúp cho nhiều hội viên, nông dân đang thiếu vốn có nhu cầu vay để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, phấn đấu trở thành hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

 
Có thể thấy, thông qua việc triển khai thực hiện các dự án vay vốn Quỹ HTND và công tác phối hợp với các ngân hàng đã góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn; đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Từ đó, có tác động tích cực đến công tác Hội và các phong trào nông dân; thu hút, tập hợp đông đảo hội viên, nông dân tham gia vào tổ chức Hội; từng bước nâng cao vị thế và vai trò của tổ chức Hội tại cơ sở.

Thanh Hải
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng