Nam Định: Vốn Quỹ HTND giúp hội viên, nông dân nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm
(Quỹ HTND) - Thời gian qua, xác định việc xây dựng và phát triển nguồn vốn Quỹ HTND là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Hội và phong trào nông dân, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động nhằm tăng trưởng nguồn vốn.
|
Nguồn vốn Quỹ HTND đã tiếp sức và giúp cho hàng ngàn lượt hộ hội viên, nông dân trên địa bàn phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả |
Theo đó, các cấp Hội thường xuyên triển khai công tác vận động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực đóng góp, ủng hộ xây dựng Quỹ HTND theo chỉ tiêu được Trung ương giao. Qua các năm, nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trên địa bàn tỉnh có sự phát triển rõ nét và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận; góp phần hỗ trợ hội viên, nông dân đầu tư phát triển sản xuất.
Đến nay, tổng nguồn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đang quản lí 26,648 tỷ đồng, cho 1.259 hộ hội viên, nông dân vay để phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình, dự án sản xuất, kinh doanh; bình quân mức vay 50 triệu đồng/hộ. Toàn tỉnh có 181 Ban vận động Quỹ HTND cơ sở, 9 Quỹ cấp huyện và 1 Quỹ cấp tỉnh quản lý trên 23,152 tỷ đồng.
Đáng chú ý, có 6 đơn vị Hội cấp huyện xây dựng được nguồn Quỹ HTND (gồm cả cấp huyện và xã vận động được) đạt mức trên 1 tỷ đồng; 1 huyện đạt mức 500 triệu - 1 tỷ đồng và 3 huyện đạt mức dưới 500 triệu đồng. Một số huyện triển khai thực hiện tốt công tác vận động, xây dựng và tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND đạt cao như các huyện: Xuân Trường, Hải Hậu, Giao Thuỷ, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Vụ Bản.
Có được kết quả trên là nhờ hàng năm, Ban vận động Quỹ HTND tỉnh đã kịp thời ban hành các kế hoạch vận động ủng hộ xây dựng Quỹ và tích cực triển khai thực hiện đến từng cơ sở Hội. Hội ND các huyện, thành phố cũng chủ động tham mưu với cấp ủy cùng cấp và nhận được sự quan tâm, ủng hộ.
Trong 10 năm qua, nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đã hỗ trợ cho 5.573 lượt hộ hội viên, nông dân vay với tổng dư nợ đạt 112,490 tỷ đồng thông qua việc triển khai thực hiện hơn 1.442 dự án, mô hình. |
Hiện, nguồn vốn ủy thác 14,900 tỷ đồng từ Quỹ HTND Trung ương đang triển khai cho vay tại 28 dự án với cho 324 hộ vay. Trong đó, có 5 dự án phát triển chăn nuôi cho 62 hộ vay; 17 dự án nuôi trồng thủy sản cho 199 hộ vay; 4 dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho 41 hộ vay; 2 dự án phát triển ngành nghề truyền thống cho 22 hộ vay.
Đối với nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh, trong năm cũng tăng thêm 1,9 tỷ đồng, đã tiến hành cho vay mới và quay vòng ở 45 dự án. Qua đánh giá, nhìn chung các hộ vay đều sử dụng đồng vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả thiết thực; từ các mô hình, dự án còn giúp tạo việc làm cho khoảng 300 lao động có thu nhập ổn định, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế tại địa phương.
Đối với nguồn vốn Quỹ HTND cấp huyện và xã hiện đạt trên 8,865 tỷ đồng cũng đang triển khai cho 689 hộ vay để sản xuất. Các hộ vay vốn đều là hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, các mô hình tại cơ sở, chi, tổ Hội vay vốn xây dựng mô hình của Hội ở địa phương.
Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, Ban quản lý Quỹ HTND các cấp đã chủ động phối hợp với ngành chức năng, chính quyền các địa phương chú trọng việc khảo sát, thẩm định, lựa chọn đúng đối tượng vay vốn; đồng thời, tổ chức tư vấn, hướng dẫn việc xây dựng các dự án gắn với quy hoạch phát triển kinh tế chung của địa phương. Nhờ đó, nhìn chung các dự án đều đã phát huy tính hiệu quả. Bình quân thu nhập của các hộ hội viên, nông dân vay vốn Quỹ HTND ước tính đã tăng lên từ 15 - 25 triệu đồng/hộ/năm.
Thực tế trên địa bàn cho thấy, nhờ nguồn vốn Quỹ HTND đã giúp hàng nghìn lượt hội viên, nông dân xây dựng thành công các mô hình theo phương thức nhóm hộ để cùng liên kết sản xuất, kinh doanh một loại sản phẩm vừa gia tăng giá trị, vừa xây dựng được thương hiệu đặc thù của vùng, miền. Nhiều mô hình, dự án sử dụng vốn Quỹ HTND được đánh giá đã mang lại hiệu quả thiết thực và hiện các cấp Hội cũng đang tiếp tục triển khai nhân rộng trên địa bàn.
Điển hình như: Tổ hợp tác nuôi cá lóc bông tại xã Nghĩa Lợi, tổ hợp tác nuôi cá bống bớp tại thị trấn Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng); tổ hợp tác nuôi cá trắm đen tại xã Mỹ Hà (huyện Mỹ Lộc); phát triển nghề mộc tại các xã Xuân Phương (huyện Xuân Trường), Yên Ninh (huyện Ý Yên); tổ hợp tác trồng cây cảnh tại xã Điền Xá (huyện Nam Trực); tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản tại xã Bạch Long (huyện Giao Thủy)…
Thông qua các dự án, mô hình được triển khai đã giải quyết việc làm cho trên 10 nghìn lao động tại chỗ, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của hội viên, nông dân; đồng thời, góp phần tích cực vào việc phát triển các mô hình kinh tế tập thể ở địa bàn nông thôn, xây dựng nông thôn mới hiệu quả. Hàng năm, mỗi chi Hội cũng đã triển khai việc giúp đỡ từ 1- 2 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Trong 3 năm (2019- 2021), các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn đã giúp đỡ về vốn, giống cây, con cho trên 3.000 hộ nghèo…
Nhờ nguồn vốn vay của Quỹ HTND, nhiều hội viên, nông dân đã mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang phương thức sản xuất liên kết, nhóm hộ có cùng mục đích sản xuất kinh doanh, cùng ngành nghề sản xuất. Đồng thời, để phát huy các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chuyển biến tích cực cũng góp phần xây dựng và hình thành nên đội ngũ hội viên, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh ngày một gia tăng.
Các cấp Hội hướng dẫn thành lập được 93 tổ hợp tác, 2 Hợp tác xã, 23 tổ Hội nghề nghiệp. Trong đó, đã có 49 tổ Hợp tác, tổ Hội nghề nghiệp, 1 Hợp tác xã được vay vốn từ nguồn Quỹ HTND. Bình quân mỗi tổ hợp tác hay tổ Hội nghề nghiệp được giải ngân cho vay 500 triệu đồng để sản xuất. |
Các cấp Hội còn tiếp tục chỉ đạo xây dựng mới các mô hình chi Hội, tổ Hội nghề nghiệp nhằm tạo sự liên kết, gắn bó giữa các hội viên, nông dân có cùng chung lợi ích và trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo chuỗi giá trị; lấy đó làm tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, Hợp tác xã. Toàn tỉnh hiện có 44 mô hình chi Hội ND nghề nghiệp, tổ Hội ND nghề nghiệp với 881 thành viên tham gia sinh hoạt.
Nhiều mô hình hoạt động có hiệu quả, tạo được không khí thi đua sôi nổi ở các vùng nông thôn. Tiêu biểu như: Chi Hội nghề nghiệp “Chăn nuôi Phú Nghĩa” tại xã Yên Nghĩa (huyện Ý Yên); tổ Hội nghề nghiệp “Trồng hoa cây cảnh” tại xã Điền Xá (huyện Nam Trực); tổ Hội nghề nghiệp “Nuôi trồng thủy sản” tại các xã Bạch Long và Giao Hải (huyện Giao Thủy).
Bên cạnh đó, nhằm tạo thêm nhiều kênh dẫn vốn giúp các hộ hội viên, nông dân có nguồn lực vươn lên trong cuộc sống, các cấp Hội còn tích cực, chủ động triển khai các hoạt động cụ thể; đồng thời, Hội tham gia có hiệu quả nhiều phần việc để đảm nhiệm tốt công tác ủy thác nguồn vốn vay với các ngân hàng trên địa bàn.
Tính đến nay, hầu hết các cơ sở Hội đều đã ký kết hợp đồng ủy thác với ngân hàng CSXH với tổng dư nợ đạt trên 1.235 tỷ đồng cho 39.293 hộ vay. Cùng với đó, 7/9 đơn vị Hội cấp huyện tổ chức ký thỏa thuận với các chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp & PTNT cùng cấp, triển khai cho 59.643 hộ vay tín chấp có tổng dư nợ đạt trên 10.525 tỷ đồng. Qua đó đã kịp thời tiếp sức cho nông dân vượt qua khó khăn, có thêm điều kiện duy trì sản xuất và phát triển kinh tế.
Hàng năm, các cấp Hội thường xuyên rà soát nhu cầu vay vốn của hội viên, nông dân; đồng thời, tiến hành thành lập, củng cố và kiện toàn cũng như nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV, Tổ Vay vốn thông qua nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể nhằm đảm bảo việc ủy thác cho vay vốn đạt kết quả. Cụ thể như: Duy trì nề nếp sinh hoạt định kỳ; thực hiện công khai, dân chủ trong khâu bình xét cho vay; đôn đốc các thành viên sử dụng đồng vốn đúng mục đích, trả nợ và lãi đúng thời hạn quy định...
Nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, các cấp HND trong tỉnh thường xuyên phối hợp với các ngành, doanh nghiệp, nhà khoa học đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho hội viên; chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm; hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình kinh tế tập thể; thay đổi tư duy chuyển từ sản xuất đơn lẻ, quảng canh sang thâm canh, sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Các cấp Hội đã trực tiếp tổ chức được 89 lớp đào tạo nghề cho gần 3.000 lao động nông thôn; Hội phối hợp tổ chức 185 lớp nghề cho 6.100 lượt hội viên, nông dân tham dự. Nhìn chung, tỷ lệ nông dân sau học nghề có việc làm đạt trên 85%; đồng thời tổ chức tư vấn và giới thiệu việc làm cho trên 1.000 lượt người.
Mặt khác, các cấp Hội còn vừa trực tiếp vừa phối hợp với các Sở, ban, ngành chức năng tổ chức gần 600 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ mới cho gần 55 nghìn lượt hội viên, nông dân; phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ cung ứng vật tư phân bón… Từ đó, bà con nông dân có kiến thức đem áp dụng vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao.
Ngoài ra, các cấp Hội trong tỉnh còn phối hợp với Trung tâm xúc tiến thương mại (Bộ Nông nghiệp & PTNT) tổ chức 3 chương trình “Nhịp cầu nhà nông”. Qua đó, tạo điều kiện cho gần 1.000 hội viên, nông dân có cơ hội được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia, giáo sư đầu ngành về các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Hàng năm, các cấp Hội tăng cường việc phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm để giúp tiêu thụ nông sản cho hội viên, nông dân.
Từ các nguồn vốn vay đã giúp hội viên, nông dân trong tỉnh đổi mới cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế để vươn lên làm giàu. Đồng thời, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ; bà con nông dân đã biết mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất giúp khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động của từng địa phương.
Nhiều mô hình với quy mô sản xuất lớn đã thu hút hàng trăm lao động, mang lại nguồn thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Nhiều hộ đã biết các sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và phát triển sản xuất có hiệu quả. Điển hình như: Hộ ông Đỗ Khánh Cung ở tổ 8, thị trấn Lâm (huyện Ý Yên) được vay 4,5 tỷ đồng để phát triển lĩnh vực kinh doanh lương thực và xay xát gạo; hộ ông Đỗ Văn Thư ở xã Hiển Khánh (huyện Vụ Bản) vay 2 tỷ đồng để chăn nuôi vịt, cá; hộ ông Dương Mạnh Hà ở xã Tam Thanh (huyện Vụ Bản) vay 1,4 tỷ đồng để chăn nuôi giống gà trắng…
Có thể thấy, hoạt động của Quỹ HTND đã tạo điều kiện tích cực trong việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các cấp Hội, giúp công tác vận động hội viên, nông dân ở cơ sở ngày càng đi vào thực chất. Từ hiệu quả của nguồn vốn, công tác tập hợp, thu hút hội viên, nông dân tham gia vào tổ chức ngày càng hiệu quả, Hội ND các cấp ngày càng được củng cố vững mạnh; vai trò, vị thế của tổ chức Hội trong hệ thống chính trị cũng được nâng lên.