Nguồn vốn Quỹ HTND giúp tạo động lực phát triển các mô hình kinh tế theo hướng liên kết
(Quỹ HTND) – Từ những kết quả thiết thực đạt được trong thời gian qua cho thấy, Hội ND các tỉnh, thành phố trong cả nước đã xác định rất rõ vai trò và tầm quan trọng của nguồn vốn Quỹ HTND các cấp. Nhờ đó, tạo điều kiện thuận lợi giúp hội viên, nông dân đầu tư nguồn lực kịp thời để phát triển sản xuất các loại cây, con đặc sản, nâng cao giá trị và lợi nhuận. Đáng chú ý, tại nhiều địa phương, các dự án vay vốn đều là những mô hình liên kết, gắn với thành lập các chi, tổ Hội nghề nghiệp, các Câu lạc bộ nông dân theo ngành nghề; áp dụng khoa học kĩ thuật, công nghệ mới trong sản xuất.
|
Tại nhiều địa phương, các dự án vay vốn Quỹ HTND đều là những mô hình liên kết, gắn với việc thành lập các chi, tổ Hội nghề nghiệp, các Câu lạc bộ nông dân theo ngành nghề, áp dụng khoa học kĩ thuật, công nghệ mới trong sản xuất |
Năm 2021, Quỹ HTND tỉnh Bắc Giang tăng trưởng 4,362 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trên địa bàn tỉnh đang quản lý đạt trên 57 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, các cấp Hội đã tiến hành giải ngân 56,5 tỷ đồng cho 1.401 hộ hội viên, nông dân vay để triển khai thực hiện 288 dự án.
Tính riêng trong năm 2021, Quỹ HTND các cấp đã cho 528 hộ vay 24,225 tỷ đồng đầu tư xây dựng 106 dự án mới. Trong đó: Nguồn vốn Trung ương uỷ thác 7,2 tỷ đồng cho 125 hộ vay thực hiện 12 dự án; nguồn vốn Quỹ cấp tỉnh 4,8 tỷ đồng đang triển khai tại 11 dự án với 80 hộ vay; nguồn cấp huyện 12,1 tỷ đồng giải ngân cho 323 hộ vay để thực hiện 83 dự án.
Bên cạnh nguồn vốn từ Quỹ HTND, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh cũng tăng cường chỉ đạo các cấp Hội hàng năm tích cực triển khai công tác phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn nhằm nâng cao chất lượng ủy thác tín dụng nguồn vốn vay. Qua đó, tạo được một “kênh dẫn vốn” hiệu quả, giúp cho hàng ngàn lượt hội viên, nông dân vay để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, vượt khó vươn lên trở thành những hộ sản xuất kinh doanh giỏi.
Tổng dư nợ của các chương trình tín dụng ủy thác vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được thực hiện giữa Hội với ngân hàng CSXH đạt 1.518 tỷ đồng với 25.729 thành viên tham gia vay thông qua 981 Tổ TK&VV (tăng 102,9 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2020). Đồng thời, tổng dư nợ của các cấp Hội với ngân hàng Nông nghiệp & PTNT trong việc thực hiện Nghị định 55 và Nghị định 116 của Chính phủ đạt trên 3.020 tỷ đồng, thông qua 1.122 Tổ Vay vốn cho 26.271 lượt hộ thành viên được vay.
Theo thống kê, bình quân hàng năm toàn tỉnh có hơn 100.000 hộ đạt tiêu chuẩn hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Đã có 51.567 mô hình hộ nông dân thu nhập đạt mức trên 100 triệu đồng/năm. |
Thông qua các mô hình dự án đã triển khai tại nhiều địa phương cho thấy tính hiệu quả và giá trị kinh tế đạt được rất rõ nét, góp phần làm gia tăng thu nhập cho các hộ vay vốn. Đặc biệt, các hộ vay đã biết tự liên kết với nhau để trở thành nhóm hộ, tổ liên kết nhằm mục đích xây dựng các mô hình theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, có nhiều hộ nông dân đã trở thành khá giàu, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương và xây dựng nông thôn mới
Nhiều mô hình sản xuất trong tỉnh đã mang lại hiệu quả kinh tế và đạt giá trị lợi nhuận cao. Điển hình như: Hợp tác xã na dai Nghĩa Phương (huyện Lục Nam); sản xuất gạo thơm Nàng Xuân chất lượng cao hay mô hình chăn nuôi gia súc gia cầm theo hướng an toàn sinh học tại huyện Yên Dũng; sản xuất rau an toàn tại thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh (huyện Hiệp Hoà); nuôi trồng thủy sản tại xã Ngọc Thiện (huyện Tân Yên); trồng và chăm sóc cây ba kích tím tại xã Thanh Luận (huyện Sơn Động)...
Đáng chú ý, đến nay, các cấp Hội đã triển khai xây dựng được hơn 400 mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Ngoài ra, Hội cũng phối hợp xây dựng gần 200 mô hình theo hình thức kinh tế tập thể, hơn 600 tổ liên kết, Hợp tác xã… Có vốn, lại được trang bị kiến thức, kỹ thuật mới đã góp phần giúp cho các phong trào thi đua do các cấp Hội phát động được đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân hưởng ứng và triển khai đạt kết quả thiết thực; trong đó nổi bật là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Nhờ triển khai tốt công tác vận động, phát triển và tăng trưởng nguồn vốn, đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh Lai Châu quản lý đạt trên 52.760 triệu đồng. Hàng năm, các cấp Hội đã tiến hành phê duyệt, giải ngân kịp thời nguồn vốn để hỗ trợ hội viên, nông dân có thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất, chăn nuôi, tạo việc làm cũng như thúc đẩy phong trào sản xuất kinh doanh giỏi ở các địa phương ngày càng phát triển.
Nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đang triển khai thực hiện 118 mô hình, dự án phát triển sản xuất, chăn nuôi với dư nợ 44.797 triệu đồng hỗ trợ cho 943 lượt hộ hội viên, nông dân được vay vốn. Bên cạnh đó, số vốn còn lại cũng đang trong quá trình xây dựng dự án, chờ giải ngân để tập trung đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.
Trong những năm gần đây, các cấp Hội đã đẩy mạnh việc chỉ đạo giải ngân nguồn vốn Quỹ HTND chuyển đổi sang phương thức mới là cho vay theo hình thức nhóm hộ liên kết. Qua đó, hướng dẫn và hình thành nên các chi, tổ Hội, Tổ hợp tác, Hợp tác xã nhằm khuyến khích việc đầu tư phát triển sản xuất hàng hoá tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất giúp hội viên, nông dân nâng cao thu nhập và đời sống.
Theo thống kê, doanh số cho vay, thu nợ trong toàn tỉnh giai đoạn 2011- 2020 đạt lũy kế 64.675 triệu đồng (trong đó, thu nợ 21.058 triệu đồng). Từ nguồn vốn trên, các cấp Hội đã tập trung hỗ trợ trên 2.000 lượt hội viên, nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn xây dựng 204 mô hình nông dân liên kết, hợp tác phát triển kinh tế. |
Nguồn vốn Quỹ HTND đã giúp hàng nghìn lượt hội viên, nông dân xây dựng thành công các mô hình kinh tế theo phương thức nhóm hộ, cùng liên kết sản xuất, kinh doanh một loại sản phẩm để gia tăng giá trị và lợi nhuận. Nhìn chung, các mô hình, dự án vay vốn Quỹ HTND đều có tính khả thi và đạt hiệu quả, phát huy tốt những thế mạnh của các địa phương trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi; góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh.
Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, Ban quản lý Quỹ HTND các cấp đã chủ động phối hợp với ngành chức năng, chính quyền các địa phương chú trọng việc khảo sát, thẩm định, lựa chọn đúng đối tượng vay vốn. Đồng thời, tổ chức tư vấn, hướng dẫn việc xây dựng các dự án gắn với quy hoạch phát triển kinh tế chung của các địa phương.
Nhờ đó, các mô hình, dự án đều đã phát huy tính hiệu quả thiết thực. Thông qua các mô hình, dự án được triển khai trên địa bàn giúp cho nhiều hộ hội viên, nông dân có mức thu nhập đạt từ 50 - 100 triệu đồng/năm. Nhiều mô hình hiệu quả hiện cũng đang được các cấp Hội tiếp tục hướng dẫn và triển khai nhân rộng.
Điển hình như: Dự án nuôi ngựa bạch và sản xuất cao ngựa bạch tại thị trấn Phong Thổ (huyện Phong Thổ); nuôi dê sinh sản ở xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ); nuôi ngựa sinh sản tại phường Quyết Thắng (thành phố Lai Châu); nuôi trâu thương phẩm tại xã Mường Than (huyện Than Uyên); nuôi cá lồng, bò sinh sản tại xã Mường Mô (huyện Nậm Nhùn); chăn nuôi gia súc ở xã Sà Dề Phìn (huyện Sìn Hồ); trồng cây chanh đào tại xã Sơn Bình (huyện Tam Đường)…
Đặc biệt, từ các mô hình điển hình vay vốn Quỹ HTND, các cấp Hội đã tập trung hướng dẫn, hỗ trợ và thành lập 32 Tổ hợp tác, 2 Hợp tác xã. Nhiều mô hình đã có sức lan tỏa, là nơi để hội viên, nông dân học tập và làm theo, từng bước vươn lên giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, củng cố thêm niềm tin giữa hội viên, nông dân với tổ chức Hội. Qua đó, giúp các nhóm hộ nông dân gia tăng tính liên kết chặt chẽ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cùng chia sẻ và hưởng lợi.
Với tinh thần trách nhiệm cao, Hội ND tỉnh Lâm Đồng đã luôn chú trọng việc quan tâm và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác hỗ trợ hội viên, nông dân vay vốn sản xuất để tạo thêm nguồn lực phát triển kinh tế hộ gia đình. Đồng thời, Quỹ HTND tỉnh cũng luôn đồng hành cùng với việc xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất nhằm giúp cho nhiều lao động nông thôn có thêm việc làm, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế; góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh.
Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đang quản lí đạt gần 49 tỷ đồng. Với phương châm tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp hội viên, nông dân sử dụng và phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn đầu tư, Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh đã chủ động rà soát nhu cầu sử dụng vốn của các nhóm hộ, có phương án hướng dẫn nông dân thực hiện các mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Cùng với đó, các cấp Hội phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay.
Mỗi dự án, mô hình đều được triển khai thực hiện theo nhóm có từ 10- 30 hộ hội viên, nông dân tham gia trên cùng địa bàn. Sau khi kết thúc dự án, các cấp Hội lại tiếp tục cho luân chuyển nguồn vốn đến các nhóm hộ khác được vay.
Hiện, lũy kế dư nợ từ nguồn vốn ủy thác của Trung ương và Quỹ cấp tỉnh đã giải ngân cho vay quay vòng đạt 73,709 tỷ đồng với 2.826 lượt hộ hội viên, nông dân vay để thực hiện 201 dự án. Trong đó, có 39 dự án chăn nuôi; 84 dự án cải tạo, chăm sóc cà phê, chăm sóc cây sầu riêng, chăm sóc cây điều; 33 dự án trồng dâu nuôi tằm; 45 dự án trồng rau, hoa, quả, cây Atisô. Nhìn chung, các mô hình, dự án triển khai đều đi vào hoạt động ổn định, mang lại giá trị kinh tế và đạt hiệu quả đề ra; trên địa bàn hiện không có tình trạng nợ quá hạn.
Để nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả, thay vì cho vay nhỏ lẻ, các cấp Hội chuyển sang cho vay theo dự án phát triển sản xuất, kinh doanh có sự liên kết của các tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, nhóm hộ… Tiêu biểu như: Trồng rau, hoa theo hướng công nghệ cao trong trong nhà kính, nhà lưới; trồng xen cây ca cao trong vườn điều; cải tạo, chăm sóc, thâm canh cây cà phê; đầu tư thâm canh vườn cây cao su; chăm sóc và cải tạo vườn sầu riêng năng suất thấp thành sầu riêng ghép cho năng suất cao; chăn nuôi lợn thịt; nuôi dúi; nuôi nhím; chăn nuôi bò sinh sản, nuôi bò sữa…
Qua đánh giá, việc cho vay vốn Quỹ HTND gắn với dạy nghề và chuyển giao khoa học kỹ thuật hiệu quả đã góp phần tích cực trong tiến trình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Đồng thời, các mô hình, dự án được triển khai giúp tăng thu nhập, nâng cao đời sống của hội viên, nông dân trong tỉnh. Hiện, mức thu nhập bình quân trên đầu người tăng khá, đạt khoảng 79 triệu đồng/năm; góp phần giải quyết việc làm cho trên 10.000 lao động nông thôn.