(Quỹ HTND)- Tính đến 31/10/2021, toàn tỉnh quản lý 29,691 tỷ đồng, trong đó nguồn Trung ương: 14,4 tỷ đồng, nguồn Quỹ HTND tỉnh: 7,72 tỷ đồng, nguồn Quỹ HTND huyện quản lý 7,571 tỷ đồng. Thực hiện 43 dự án cho 512 hộ vay.
|
Nhiều dự án vay vốn đầu tư hiệu quả |
Hội cũng thu hồi 04 dự án với số tiền 2,9 tỷ đồng, tỷ lệ thu gốc và phí đạt 100%; Giải ngân 11 dự án với số tiền 8,8 tỷ đồng. Quỹ HTND cấp huyện thu hồi 2 dự án với số tiền 0,827 tỷ đồng, giải ngân 4 dự án với số tiền 4,730 tỷ đồng.
Một số mô hình Quỹ HTND đang hoạt động có hiệu quả, điển hình như: Mô hình trồng Bưởi Múc tại xã Thái Niên, Dự án nuôi gà thả đồi tại Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng, Mận tam hoa tại thị trấn Bắc Hà, mô hình trồng cây Lê, Đào Pháp, hoa Ly, Địa Lan tại hộ gia đình ông Triệu Vạn Phú - Thôn Tùn Trên, xã Dương Quỳ, Dự án “Nuôi gà thương phẩm” tại xã Sơn Hà, “Nuôi cá chép lai thâm canh” tại Trì Quang huyện Bảo Thắng, “Nuôi ngựa sinh sản” tại xã Mường Vi, huyện Bát Xát, “Nuôi cá chép lai thâm canh” tại xã Thượng Hà huyện Bảo Yên, “Nuôi cá nước lạnh” xã Tả Van, thị xã Sa Pa, “Cải tạo và chăm sóc cây mận tam hoa” tại xã Na Hối, huyện Bắc Hà, “Nuôi cá chép lai thâm canh” xã Cốc San, thành phố Lào Cai, “Trồng mới và chăm sóc chuối ngự Đại Hoàng” xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng, “Nuôi gà thả đồi” tại xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng , “Nuôi trâu sinh sản” tại xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên; “Phát triển hoa địa lan Kiếm Hồng Hoàng” tại xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, nuôi vịt bầu tại xã Nghĩa Đô huyện Bảo Yên; cá Chép lai thâm canh, cá Rô đơn tính tại huyện Bảo Thắng, Bát Xát và thành phố Lào Cai; các dự án chăn nuôi trâu, bò, ngựa sinh sản tại các huyện Bảo Yên, Văn Bàn, Bảo Thắng, Bát Xát…
Bên cạnh việc cho hội viên, nông dân vay nguồn vốn Quỹ HTND, các cấp Hội còn thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tổng dư nợ các cấp Hội quản lý đạt 844,743 tỷ đồng cho 17.645 hộ vay tại 537 tổ tiết kiệm và vay vốn. Qua phân loại có 491 tổ xếp loại tốt (91,4%), 33 tổ xếp loại khá (6,1%) và13 tổ xếp loại trung bình (2,4%).
Thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ. Hội đã tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ vay vốn, tổ liên kết; thường xuyên nắm bắt tình hình, kiểm tra hoạt động, duy trì và phát triển tổ vay vốn/tổ liên kết.
Kết quả, tổng dư nợ qua tổ chức Hội đạt 1.480.285 tỷ đồng (tăng 72,45 tỷ đồng so với cùng kỳ) cho 12.672 hộ vay, tại 557 tổ.
Hội Nông dân các cấp luôn triển khai tốt các chương trình của ngân hàng, nguồn vốn được giải ngân nhanh chóng, đúng đối tượng, chất lượng tín dụng ổn định, tích cực huy động vốn để bổ sung nguồn vốn thông qua các hình thức huy động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn, tại điểm giao dịch xã…
Bên cạnh việc cho vay vốn, để bảo toàn và đầu tư có hiệu quả đồng vốn, các cấp Hội đã tập trung tổ chức đào tạo nghề, cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp và hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ, tiêu thụ sản phẩm.
Trong năm, Hội đã mở 07 lớp dạy nghề và cấp chứng chỉ nghề cho 210 lao động nông thôn tại các huyện Bảo Yên, Sa Pa và Bát Xát với các lớp: Trồng dâu nuôi tằm; sử dụng thuốc thú y; nuôi và phòng trị bệnh cho lợn; nghề thêu, may thổ cẩm.
Đồng thời, Hội cũng phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 105 buổi tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn chất lượng Vietgap, Globalgap; hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh trên cây dược liệu, cây ăn quả, kiên cố hóa chuồng trại, tuyên truyền phòng chống dịch tả lợn châu Phi, dịch viêm da nổi cục ... cho 10.483 lượt người; cấp 125 bộ tài liệu, 10.135 tờ rơi các loại; cung ứng trên 10 triệu cây giống, 5.571 tấn con giống các loại, 9 tấn thuốc bảo vệ thực vật, 3.750 tấn phân bón trị giá 85.276 đồng cho 4.942 hộ gia đình hưởng lợi…
Từ việc cho vay vốn Quỹ HTND đã góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nâng cao đời sống của nông dân, tăng thu nhập, giảm nghèo, nâng cao quy mô sản xuất hàng hóa, phát triển ngành nghề góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn, tạo việc làm, thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, tăng hộ khá, giàu trong toàn tỉnh.