Quỹ HTND Hòa Bình: Tăng trưởng nguồn vốn, thêm cơ hội hỗ trợ hội viên nông dân
11:48 - 26/08/2021
(Quỹ HTND) – Những năm qua, hoạt động của Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đã và đang cho thấy ngày càng phát huy hiệu quả thiết thực. Thông qua nguồn vốn vay, hàng nghìn lượt hộ hội viên, nông dân được hỗ trợ có thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Nhiều mô hình, dự án vay vốn đang chuyển đổi theo hướng thành lập các tổ, nhóm liên kết, cùng sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm giúp tăng năng suất và chất lượng.

Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND đã giúp nhiều hội viên, nông dân có điều kiện đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, vừa nâng cao trình độ canh tác vừa phát triển kinh tế gia đình

 
Năm 2021, các cấp Hội nhờ tích cực kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ đã giúp cho nguồn vốn Quỹ HTND trong tỉnh tiếp tục tăng trưởng đều. Tính đến ngày 15/9, nguồn vốn Quỹ HTND phát triển thêm 2,507 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách tỉnh cấp bổ sung 1 tỷ đồng; ngân sách huyện cấp 970 triệu đồng; vận động ủng hộ từ cán bộ, hội viên, nông dân 537 triệu đồng.

 
Kết quả, tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đang quản lí hiện đạt 38,642 tỷ đồng. Cụ thể: Nguồn ủy thác từ Trung ương Hội 13,850 tỷ đồng; ngân sách tỉnh cấp bổ sung 10,249 tỷ đồng; ngân sách huyện cấp 6,930 tỷ đồng; nguồn vận động từ cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh là 7,613 tỷ đồng.

 
Đạt được những kết quả nêu trên trước hết là nhờ có được sự quan tâm, ủng hộ thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền trong việc triển khai thực hiện Kết luận 61 của Ban Bí thư, Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt là việc chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Đề án 01-ĐA/TU ngày 06/8/2021 của Ban Thường vụ tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”.

 
Các cấp Hội xác định rõ tầm quan trọng của nguồn vốn vay và luôn ưu tiên thực hiện giải pháp vận động phải đi đôi với hỗ trợ hội viên, nông dân. Hàng năm, các cấp Hội cũng luôn sát sao, chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn tạo điều kiện hỗ trợ về nguồn lực, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kĩ thuật nhằm giúp đỡ các hộ hội viên, nông dân có cơ hội vươn lên, ổn định cuộc sống.

 
Thông qua nguồn vốn Quỹ HTND phát triển được cùng với nguồn vốn quay vòng theo chu kì, các cấp Hội đã kịp thời giải ngân hỗ trợ hội viên, nông dân có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm, thúc đẩy phong trào sản xuất kinh doanh giỏi ở các địa phương phát triển. Các dự án vay vốn Quỹ HTND đều khả thi và đạt hiệu quả kinh tế, phát huy tốt thế mạnh của các địa phương trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi cũng như góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

 
Theo đó, đối với nguồn vốn 13,850 tỷ đồng ủy thác của Trung ương Hội, Hội ND tỉnh đã nhanh chóng triển khai thực hiện 34 dự án ở nhiều lĩnh vực đa dạng khác nhau với 418 hộ tham gia vay vốn. Có 06 dự án trồng trọt với 68 hộ hội viên, nông dân vay 2,1 tỷ đồng (chiếm 15,16%); 27 dự án chăn nuôi với 340 hộ đang vay 11,450 tỷ đồng (chiếm 82,67%); 01 dự án thủy sản cho 10 hộ vay 300 triệu đồng (chiếm 2,17%). Bên cạnh đó, từ nguồn ngân sách tỉnh cấp bổ sung số vốn 10,249 tỷ đồng cũng đang triển khai xây dựng 36 dự án với 375 hộ hội viên, nông dân tham gia vay.

 
Các cấp Hội đã chú trọng việc cho vay theo các dự án, mô hình điểm có sự liên kết của các tổ hợp tác, chi, tổ Hội nghề nghiệp hoặc các nhóm hộ. Qua đó, đã giúp hình thành nên các chi, tổ Hội, Tổ hợp tác, Hợp tác xã tập trung đầu tư phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm gia tăng thu nhập cho các hộ dân tham gia mô hình.

 
Từ nguồn vốn vay của Quỹ HTND các cấp đã giúp hội viên, nông dân có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, tạo công ăn việc làm. Tại nhiều địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, được các cấp, các ngành đánh giá cao. Điển hình như: Trồng và chăm sóc cam ở các xã Tây Phong và Nam Phong (huyện Cao Phong); trồng và chăm sóc bưởi Diễn ở xã Ngọc Lương, thị trấn Hàng Trạm (huyện Yên Thủy); chăn nuôi trâu sinh sản ở xã Thịnh Minh (thành phố Hòa Bình); chăn nuôi bò sinh sản ở các xã Liên Hòa, Phú Nghĩa (huyện Lạc Thủy), xã Xăm Khòe (huyện Mai Châu)...

 
Nhiều hộ hội viên, nông dân đã vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ khá, giàu. Tiêu biểu như: Hộ ông Tạ Hữu Hậu ở thị trấn Hàng Trạm (huyện Yên Thủy) với mô hình trồng bưởi; ông Bùi Văn Binh ở xã Kim Bôi (huyện Kim Bôi) phát triển mô hình tổng hợp chăn nuôi và trồng cây ăn quả; ông Trần Văn Minh ở xã Liên Sơn (huyện Lương Sơn) đầu tư sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ hiệu quả...

 
Đáng chú ý, nhiều mô hình, dự án liên kết đạt hiệu quả nhờ biết tận dụng tốt lợi thế vùng, phát huy được các thế mạnh của mỗi địa phương cũng đã góp phần hình thành nên những vùng sản xuất hàng hóa nông sản phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới. Tại một số địa phương cũng đã xuất hiện và hình thành những khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, dần xây dựng được thương hiệu đặc thù cho các mặt hàng nông sản có chất lượng như: Rau hữu cơ Lương Sơn; dưa Lạc Thủy; cam Cao Phong; bưởi đỏ Tân Lạc…
 
 
Khi các dự án kết thúc chu kỳ vay đều tiến hành việc thu nộp phí và gốc đầy đủ, đúng hạn. Nhiều mô hình, dự án vay vốn Quỹ HTND còn đạt hiệu quả rõ nét trong việc thành lập các Hợp tác xã, Tổ hợp tác và đã được các cấp Hội tiếp tục quan tâm nhân rộng.

 
Mặt khác, phương thức cho vay cũng được các cấp Hội đổi mới. Theo đó, chuyển từ cho vay theo hộ đơn lẻ sang mô hình các tổ liên kết và dần chuyển đổi sang cho vay theo dự án gắn với việc xây dựng mô hình các chi, tổ Hội nghề nghiệp, Tổ hợp tác, Hợp tác xã. Hiện quy mô đầu tư vốn cho một dự án cũng được nâng từ mức 300 triệu đồng lên thành 1,5 tỷ đồng.

 
Từ các mô hình vay vốn Quỹ HTND, các cấp Hội đã hướng dẫn thành lập 314 tổ hợp tác, 36 chi Hội ND nghề nghiệp với 845 thành viên, 220 tổ Hội ND nghề nghiệp với 2.450 thành viên. Qua đó, giúp các nhóm hộ nông dân tăng cường sự liên kết chặt chẽ trong quá trình cùng nhau sản xuất, kinh doanh để làm ra những mặt hàng nông sản có chất lượng và giá trị cao hơn.

 
Bên cạnh đó, để tạo thêm kênh dẫn vốn đa dạng nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân trong tỉnh, các cấp Hội còn chủ động triển khai có hiệu quả hoạt động phối hợp nhận ủy thác nguồn vốn vay với các ngân hàng trên địa bàn. Qua đó, giúp ngày càng nhiều hội viên, nông dân tiếp cận được với các nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế hộ, tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho ngày càng nhiều lao động ở nông thôn.

 
Đến nay, tổng dư nợ của các chương trình phối hợp được ký kết giữa Hội ND với các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt hơn 3.608,7 tỷ đồng.

 
Cụ thể, những năm qua, các cấp Hội chủ động phối hợp với ngân hàng CSXH, tổ chức thực hiện tốt 06 công đoạn nhận ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ vốn giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Hiện, dư nợ của các chương trình tín dụng ưu đãi giữa ngân hàng CSXH ủy thác với tổ chức Hội đạt trên 896,5 tỷ đồng thông qua 682 Tổ TK&VV cho 25.489 hộ thành viên tham gia vay vốn.

 
Theo định kỳ, các cấp Hội phối hợp với ngân hàng CSXH tích cực tiến hành việc đánh giá phân loại các Tổ TK&VV. Qua đánh giá xếp loại, có 625 Tổ xếp loại tốt (chiếm 90,84%); 54 Tổ xếp loại khá (chiếm 7,85%). Đồng thời, 100% số Tổ TK&VV tham gia huy động gửi tiết kiệm tự nguyện; các hộ được xét vay vốn cũng tích cực tham gia hoạt động gửi tiền tiết kiệm với số dư đạt 29.537 triệu đồng. Bình quân số dư tiền gửi tiết kiệm đạt trên 31 triệu đồng/Tổ TK&VV; bình quân mỗi thành viên tham gia gửi tiền tiết kiệm đạt trên 84.000 đồng.  

 
Ngoài ra, thực hiện chính sách tín dụng và phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ, 10/10 đơn vị Hội cấp huyện tích cực ký kết chương trình phối hợp với chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp & PTNT cùng cấp. Tổng dư nợ trên địa bàn hiện đạt 2.631,2 tỷ đồng, thông qua 973 Tổ Vay vốn cho 31.136 hộ thành viên vay.

 
Để đa dạng hóa các nguồn vốn, Hội ND tỉnh đã phối hợp với ngân hàng Bưu điện Liên Việt Postbank triển khai hoạt động vay vốn với dư nợ đạt 81 tỷ đồng cho 1.252 hộ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua mô hình 146 Tổ Liên kết.

 
Xác định rõ việc kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ thường xuyên của Quỹ HTND, ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh chỉ đạo Hội ND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch kiểm tra; phối hợp với các chi nhánh ngân hàng cùng cấp tiến hành việc kiểm tra, giám sát nguồn vốn ủy thác tại Hội ND các xã, phường, thị trấn, các Tổ TK&VV và các hộ vay vốn.
 

Sáu tháng đầu năm, các cấp Hội đã tổ chức 116 cuộc kiểm tra, giám sát các dự án vay vốn Quỹ HTND cũng như tiến hành kiểm tra giám sát hoạt động ủy thác với các ngân hàng trên địa bàn. Trong đó: Quỹ HTND tỉnh tiến hành 17 cuộc kiểm tra; Hội ND các huyện, thành phố kiểm tra 46 cuộc; Hội ND các xã kiểm tra 53 cuộc.

 
Qua công tác kiểm tra, giám sát, nhìn chung các cấp Hội đã thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn Quỹ HTND cũng như nguốn vốn ủy thác từ các ngân hàng. Hệ thống sổ sách chứng từ kế toán theo dõi phí Quỹ HTND, phí ủy thác và hoa hồng của các cấp Hội được thực hiện đúng quy định, cập nhập, lưu giữ, theo dõi thu hồi vốn vay đầy đủ, kịp thời; các hộ vay vốn đều đã sử dụng đồng vốn đúng mục đích, hiệu quả.

 
Thông qua việc triển khai các dự án vay vốn Quỹ HTND góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, xây dựng nông thôn mới (nhất là tiêu chí nâng cao thu nhập của người dân) đảm bảo an toàn xã hội ở khu vực nông thôn, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho hội viên, nông dân. Qua đó, nâng cao vị thế, vai trò của các cấp Hội, thu hút ngày càng nhiều hội viên, nông dân đăng kí tham gia tổ chức Hội, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện thắng lợi các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước, nhất là phát triển nông nghiệp, nông dân nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

 

Nhìn chung, các mô hình, dự án khi triển khai trên địa bàn đều đạt hiệu quả kinh tế cao. Ước tính thu nhập bình quân đạt từ 40- 50 triệu đồng/hộ/năm; đặc biệt, có mô hình còn đạt mức thu nhập cao tới trên 1 tỷ đồng/năm… Nhờ các mô hình, dự án được triển khai đã giúp giải quyết việc làm cho trên 16.000 lao động/năm.

Văn Tiến
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng