Quỹ HTND Hà Giang: Tập trung nguồn lực hỗ trợ hội viên, nông dân
15:05 - 15/04/2021
(Quỹ HTND) – Với địa hình nằm ở miền núi phía Bắc còn rất nhiều khó khăn, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh luôn thấu hiểu tình trạng thiếu vốn sản xuất để ổn định cuộc sống của bà con nông dân trên địa bàn. Từ đó, những năm qua, các cấp Hội tập trung công tác tuyên truyền để cán bộ, hội viên, nông dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng và phát triển nguồn vốn Quỹ HTND. Đồng thời, tuyên truyền và nhân rộng các cách làm hay, hiệu quả trong sử dụng nguồn vốn, góp phần đẩy mạnh hoạt động công tác Hội và các phong trào nông dân.

Cùng với việc hỗ trợ vốn vay, các cấp Hội còn xây dựng và hướng dẫn hội viên, nông dân đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi các loại con đặc sản vừa phát huy tốt các lợi thế sẵn có của địa phương, vừa gia tăng lợi nhuận cho hội viên, nông dân


 
Đến nay, 100% các huyện, thành phố đều đã thành lập Quỹ HTND, 05 đơn vị cấp huyện đã có con dấu riêng của Quỹ để chủ động trong giao dịch và hoạt động. Bên cạnh đó, Ban điều hành Quỹ HTND cấp huyện cũng kiện toàn xong và có 8 huyện, thành phố đã được ngân sách cấp bổ sung nguồn vốn sang cho Quỹ HTND quản lí và hoạt động.

 
Trong năm 2020, tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đang quản lí đạt 19.643 triệu đồng. Trong đó: Nguồn cấp tỉnh đạt 17.570 triệu đồng (chiếm 89,4% tổng nguồn vốn, đạt 175,7%); nguồn cấp huyện quản lí 2.080 triệu đồng (trung bình mức 189 triệu đồng/huyện, đạt 19% so với chỉ tiêu Đề án). Đáng chú ý, 02 huyện có nguồn vốn đạt mức 500 triệu đồng trở lên gồm các huyện Bắc Quang và Đồng Văn; 6 huyện có nguồn vốn ở mức dưới 500 triệu đồng.

 
Trong kỳ, Quỹ HTND các cấp đã tiến hành giải ngân 4.375 triệu đồng cho 195 hộ hội viên, nông dân vay. Tính đến hết năm 2020, tổng dư nợ trong toàn tỉnh hiện đạt trên 25.828 triệu đồng, đang giúp cho 2.853 lượt hộ hội viên, nông dân vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.

 
Cụ thể: 3.820 triệu đồng được đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế cho 84 hộ vay; 1.400 triệu đồng được giải ngân để đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt (chiếm 36,6%); 2.420 triệu đồng cho chăn nuôi (chiếm 63,4%)…

 
Từ nguồn vốn trên, Hội ND tỉnh đã kịp thời phê duyệt và tiến hành giải ngân để triển khai thực hiện việc xây dựng và nhân rộng các mô hình, thúc đẩy sản xuất, phát triển các cây, con chủ lực theo định hướng của tỉnh, huyện. Để quản lý nguồn vốn Quỹ HTND, Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh luôn thực hiện nghiêm túc các quy định của Điều lệ Quỹ; thực hiện tốt các khâu lựa chọn mô hình, hộ vay, thẩm định dự án, giải ngân… Qua đó, góp phần chuyển đổi nhận thức của hội viên, nông dân từ phương thức sản xuất quảng canh truyền thống sang phương thức thâm canh, liên kết, cùng nhau hợp tác để tập trung sản xuất theo hướng hàng hóa.

 
Bên cạnh đó, các cấp Hội còn hướng dẫn bà con nông dân chủ động đầu tư tiền vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng mặt hàng nông sản. Thông qua quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã dần hình thành sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ thành viên với nhau, cùng chia sẻ kinh nghiệm, cách làm giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên, nông dân trên địa bàn; đồng thời, thu hút tạo công ăn việc làm cho các lao động nông nhàn, góp phần ổn định an ninh trật tự tại các địa phương.

 
Nhìn chung, hầu hết các dự án vay vốn đã được các hộ dân đầu tư sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả và mang lại giá trị kinh tế cao. Theo tính toán, sau khi đã trừ hết mọi chi phí, lợi nhuận bình quân của các hộ vay vốn đạt trên 80 triệu đồng/hộ/năm. Đặc biệt, một số mô hình chăm sóc cây cam đang triển khai tại địa bàn các huyện như: Bắc Quang, Quang Bình còn đạt mức thu nhập trên 100 triệu đồng/hộ/năm.

 
Tiêu biểu là một số mô hình, lĩnh vực đầu tư có nguồn vốn vay từ Quỹ HTND giúp đem lại hiệu quả và đang được nhân rộng trên các địa bàn như: Mô hình thâm canh cam tại các xã Vĩnh Phúc, Đồng Yên, Tiên Kiều, Vĩnh Hảo (huyện Bắc Quang) và các xã Yên Hà, Hương Sơn (huyện Quang Bình); chăn nuôi trâu tại xã Vĩ Thượng (huyện Quang Bình) và xã Quang Minh (huyện Bắc Quang); chăn nuôi lợn đen giống bản địa tại các phường Ngọc Hà, Minh Khai thuộc xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang); trồng dặm và chăm sóc cây thảo quả tại xã Tân Thành (huyện Bắc Quang)...

 
Ngoài ra, các cấp Hội còn hỗ trợ đầu tư vốn cho các dự án chăn nuôi bò sinh sản, bò vỗ béo khác nhằm phát huy hết lợi thế sẵn có của các địa phương thuộc địa bàn vùng cao của tỉnh như các huyện: Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc... hiện cũng đang phát huy hiệu quả tốt. Hàng năm, công tác thu hồi vốn tại các dự án đến hạn cũng luôn được các cấp Hội nghiêm túc thực hiện nhằm bảo toàn và tiếp tục quay vòng nguồn vốn hiệu quả, giúp cho ngày càng nhiều hộ hội viên, nông dân được vay vốn thoát nghèo.

 
Song song với công tác cho vay nguồn vốn, các cấp Hội cũng luôn quan tâm và tăng cường sự phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ Quỹ HTND để giúp nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ Hội các cấp. Đến nay, Hội ND tỉnh đã tổ chức 09 lớp tập huấn nghiệp vụ xây dựng, phát triển Quỹ HTND và công tác quản lý sử dụng tài chính Quỹ HTND cho trên 300 lượt cán bộ là lãnh đạo Hội ND các huyện, thành phố trực tiếp quản lý và Ban điều hành Quỹ HTND các cấp.

 
Đồng thời, để nguồn vốn vay sử dụng đúng mục đích và đạt hiệu quả, các cấp Hội còn đẩy mạnh công tác phối hợp với ngành chức năng trên địa bàn tổ chức 814 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 49.314 lượt hội viên, nông dân. Nội dung phổ biến cho bà con tập trung chủ yếu về các kỹ thuật sản xuất trong các lĩnh vực như: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, phòng trừ dịch bệnh, quy trình chăm sóc, chế biến nông sản…

 
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh cũng luôn xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của nguồn vốn vay ủy thác thông qua các ngân hàng trên địa bàn, coi đây là một trong những nội dung thi đua ở tất cả các cấp. Hàng năm, Hội ND tỉnh chỉ đạo các cấp Hội chủ động phối hợp với các ngân hàng thực hiện hiệu quả công đoạn ủy thác nhằm giúp đỡ hội viên, nông dân có thêm nguồn lực vươn lên thoát nghèo, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

 
Theo đó, các cấp Hội đã tích cực phối hợp với ngân hàng CSXH tập trung ưu tiên nguồn vốn đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đầu tư phát triển sản xuất nhằm tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững. Qua từng năm, số dư nợ nhận ủy thác của các cấp Hội liên tục tăng trưởng cả về khối lượng và số lượng đối với các chương trình tín dụng.


Đến nay, tổng dư nợ các chương trình cho vay ủy thác với ngân hàng CSXH do các cấp Hội quản lý đạt 861.053 triệu đồng, chiếm 27% tổng dư nợ của 04 tổ chức Hội đoàn thể. Hiện toàn tỉnh đang có 690 Tổ TK&VV hoạt động với 22.160 hộ thành viên tham gia vay vốn. Một số đơn vị Hội cấp huyện đang có mức dư nợ cao đạt trên 100 tỷ đồng như các huyện: Bắc Quang, Vị Xuyên…

 
Qua đánh giá xếp loại hàng năm, có 576 Tổ TK&VV xếp loại tốt (chiếm 83,5%); 30 Tổ TK&VV xếp loại khá (chiếm 4,35%). Toàn tỉnh có 100% số Tổ TK & VV đã tổ chức ký xong hợp đồng ủy nhiệm thu lãi, thu tiền tiết kiệm vay vốn. Nhìn chung, công tác thu phí, thu lãi trên địa bàn đều đạt kết quả tốt.

 
Cùng với đó, Hội ND tỉnh và ngân hàng No&PTNT chi nhánh tỉnh đã ký kết thỏa thuận liên ngành 415/TTLN nhằm phối hợp thực hiện nhiệm vụ chuyển tải vốn cho hội viên, nông dân theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Hiện, toàn tỉnh đã có 3 đơn vị huyện, thành phố gồm: Bắc Quang, Vị Xuyên, thành phố Hà Giang đã ký xong thỏa thuận phối hợp liên ngành với với Agribank cùng cấp và thành lập được 20 Tổ Vay vốn với 782 thành viên tham gia. Tổng dư nợ cho vay trên địa bàn thông qua ngân hàng No&PTNT chi nhánh tỉnh đạt 62.173 triệu đồng.

 
Với nhiều điều kiện thuận lợi về địa hình và thổ nhưỡng, Hội ND xã Vĩnh Phúc- huyện Bắc Quang được xét giải ngân 600 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương để đầu tư xây dựng mô hình “Chăm sóc cam theo hướng VietGAP” cho 12 hộ dân tham gia tại địa bàn các thôn: Vĩnh Xuân, Vĩnh Chúa, Vĩnh Ban.

 
Trước khi giải ngân thực hiện mô hình, Hội ND xã đã phối hợp với tỉnh và huyện tổ chức lớp tập huấn để hướng dẫn quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP cho các hộ vay vốn. Đồng thời, thông qua các cuộc sinh hoạt nhóm được tổ chức hàng quý, Hội ND xã phối hợp hướng dẫn các tài liệu khoa học kỹ thuật, kết hợp với tư vấn, hỗ trợ hội viên, nông dân về các thủ tục, quy trình thành lập tổ hợp tác, Hợp tác xã, hướng dẫn việc đăng ký xây dựng tem nhãn sản phẩm…

 
Sau 03 năm triển khai, đến nay, từ những lợi ích thiết thực khi đầu tư sản xuất theo hướng an toàn, nông nghiệp hữu cơ đã giúp nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân trên địa bàn. Mặt khác, cả về năng suất, chất lượng, giá trị của sản phẩm đều được nâng cao rõ rệt, hầu hết các hộ vay vốn để thực hiện dự án có mức thu nhập khá trở lên. Nhiều hộ dân còn tự xây dựng được thương hiệu tem nhãn, phát triển thị trường tiêu thụ, mức thu nhập bình quân sau khi đã trừ chi phí đạt từ 250 - 300 triệu đồng/năm, tăng gấp đôi so với trước khi tham gia dự án.  

 
Hộ gia đình anh Lương Văn Nam ở xã Tùng Bá- huyện Vị Xuyên cũng đã trở thành tấm gương tiêu biểu sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn nhờ mô hình nuôi gà đen- một giống gà đặc sản ở địa phương hiệu quả. Ban đầu, khi mới bắt đầu khởi nghiệp nuôi gà đen và gà mía, anh đã gặp phải khá nhiều khó khăn do thiếu hụt cả nguồn vốn đầu tư lẫn kinh nghiệm chăn nuôi.

 
Được các cấp Hội tạo điều kiện xét cho vay 30 triệu đồng từ nguồn ngân hàng CSXH, cộng thêm với số vốn tích lũy được, anh đầu tư mua 500 con gà mía và gà đen để nuôi. Đồng thời, anh cũng tích cực theo học các lớp tập huấn về phòng, chống dịch bệnh thú y của xã, huyện tổ chức để đạt được hiệu quả cao trong chăn nuôi; luôn tuân thủ các kỹ thuật được hướng dẫn và thường xuyên tiến hành làm vệ sinh chuồng trại để hạn chế phát sinh dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

 
Hiện, đàn gà đen của gia đình anh phát triển thành 1.400 con, đã xuất chuồng bán được 2 lứa gà với giá bán 120.000 đồng/kg, ước tính nguồn lợi nhuận thu về đạt gần 100 triệu đồng/lứa. Từ hiệu quả bước đầu đạt được, anh Nam đang tiếp tục đầu tư xây dựng mở rộng chuồng trại và tiếp tục gia tăng số lượng đàn gà đen lên nhiều hơn nữa nhằm quảng bá rộng rãi về giống gà đặc sản này ra thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài tỉnh.

 
Hộ gia đình chị Nguyễn Thị Sen người dân tộc Tày ở thôn Cường Thịnh, xã Phương Tiến- huyện Vị Xuyên cũng đã thoát được cái nghèo đeo bám nhiều năm nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng CSXH. Được hỗ trợ vay 50 triệu đồng, chị đã mạnh dạn đầu tư nuôi giống lợn đen bản địa nhằm mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình.

 
Nhờ biết tận dụng đất vườn để tạo nguồn thức ăn có sẵn, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong chăn nuôi và học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình thành công khác trong thôn nên đàn lợn đen của gia đình chị phát triển khoẻ mạnh, đem lại hiệu quả cao. Năm 2019, chị tiếp tục vay thêm 12 triệu đồng để mở rộng chuồng trại và nuôi thêm lợn nái đen và giống lợn lai. Hiện, trong chuồng của gia đình chị đang duy trì nuôi 33 lợn con, 5 lợn nái. Trung bình, mỗi năm gia đình chị xuất bán được trên 20 con lợn thịt, sau khi trừ hết mọi chi phí còn cho thu lãi từ 100- 150 triệu đồng.

 
Để đảm bảo các dự án, mô hình triển khai đúng tiến độ và hiệu quả, công tác kiểm tra, giám sát được tỉnh Hội quan tâm và tiến hành thường xuyên. Hàng năm, Ban điều hành Quỹ HTND các cấp tổ chức kiểm tra 100% đối với các mô hình dự án và các hộ hội viên, nông dân có tham gia vay vốn; chương trình phối hợp với các ngân hàng; công tác xây dựng phát triển nguồn vốn Quỹ… Trong năm 2020, Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh đã tổ chức kiểm tra được 04/11 đơn vị cấp huyện gồm: Bắc Mê, Quang Bình, Hoàng Su Phì, thành phố Hà Giang.

 
Qua kiểm tra, cơ bản các nguồn vốn cho vay đều được hội viên, nông dân đầu tư sử dụng đúng mục đích, đem lại hiệu quả thiết thực; các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các ngân hàng thực hiện tốt các nội dung ký kết. Đồng thời, thông qua đó, các cấp Hội cũng đã kịp thời nắm bắt những khó khăn trong công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn vay tại cơ sở để có hướng tháo gỡ và giải quyết giúp hội viên, nông dân yên tâm sản xuất.

 
Thông qua hoạt động vay vốn Quỹ HTND đã giúp cho hàng ngàn lượt hội viên, nông dân có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, có việc làm để ổn định đời sống. Nhìn chung, các dự án được triển khai đều đã phát huy hiệu quả, giá trị kinh tế năm sau cao hơn năm trước, góp phần gia tăng thu nhập cho các hộ vay vốn. Song song với đó, cơ cấu lao động trên địa bàn cũng được chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương và xây dựng nông thôn mới.


 

Thạch Hà
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng