(Quỹ HTND)- Bằng nguồn Quỹ HTND các cấp, trong những năm qua, Hội đã tập trung đầu tư cho vay theo hướng hỗ trợ các mô hình sản xuất nhóm hộ, các tổ hợp tác, hợp tác xã do Hội hướng dẫn thành lập.
|
Nông dân vay vốn liên kết sản xuất rau an toàn |
Các cấp Hội trong tỉnh đã hướng dẫn và phối hợp hướng dẫn thành lập được trên 253 tổ hợp tác và hợp tác xã. Đến năm 2020 tổng số dự án được Quỹ đầu tư trên 185 dự án, với tổng nguồn vốn đạt trên 56 tỷ đồng, trong đó có 124 dự án của các tổ hợp tác được tiếp cận vốn từ Quỹ HTND với số vốn trên 30,3 tỷ đồng cho 1.470 hộ vay. Hiện Quỹ cho vay từ 30 triệu đến 50 triệu đồng/hộ; trung bình một dự án được đầu tư từ 200 đến 500 triệu đồng.
Cùng với việc vận động, hướng dẫn, các cấp Hội đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ đối với xây dựng và phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã như thông qua các chương trình phối hợp với Ngân hàng, Hội Nông dân các cấp quan tâm chỉ đạo giúp các thành viên trong tổ hợp tác, hợp tác xã được tiếp cận các nguồn vốn. Đến năm 2020, vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân được trên 940 tỷ đồng với 42.729 hộ vay; ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với nguồn vốn vay 357,4 tỷ đồng cho 7.555 hộ vay.
Bên cạnh đó, các cấp Hội chủ động phối hợp với các ban, ngành, các doanh nghiệp tổ chức dạy nghề, hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho nông dân; chủ động bằng nguồn kinh phí Ngân sách tỉnh giao hàng năm, đồng thời ký kết các chương trình phối hợp với các Sở, ngành có liên quan để có thêm nguồn lực như Sở Khoa học – Công nghệ, Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn ...
Kết quả, Hội đã phối hợp mở 80 lớp nghề, cấp chứng chỉ nghề sơ cấp cho trên 2.000 học viên, trong đó có khoảng 30% là các thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã. Nhiều lớp dạy nghề sau khi kết thúc đã thành lập được tổ hợp tác như các lớp Trồng hoa, chăm sóc cây cảnh, lớp trồng lúa giống, lớp trồng rau an toàn, trồng nấm rơm, lớp kỹ thuật thú y...
Ngoài ra Hội Nông dân các huyện, thị, thành phố còn chủ động phối hợp với các đơn vị, ngành chức năng, các doanh nghiệp tổ chức lớp dạy nghề ngắn hạn và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân tham gia vào tổ hợp tác, hợp tác xã. Kết quả đã tổ chức 186 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật với trên 30.000 lượt người dự nhằm nâng cao tay nghề, ứng dụng kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp.
Với những kết quả trên, nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, điển hình như : Tổ hợp tác nuôi gà thịt Diên Lộc, huyện Diên Khánh; Tổ hợp tác nuôi cá bớp Thuận Hưng, thành phố Cam Ranh; Tổ hợp tác máy cày đất Gia Long xã Cam Tân, huyện Cam Lâm; Hợp tác xã cây ăn quả xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn; Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa; Hợp tác xã Nấm Vĩnh Ngọc, thành phố Nha Trang…
Hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã đã thu hút trên 3.000 thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho trên 15.000 lao động, giúp đỡ 235 hộ thoát nghèo góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh. Doanh thu bình quân của tổ hợp tác, hợp tác xã ngày càng tăng đã giúp các thành viên tăng thu nhập và ổn định cuộc sống.
Bên cạnh đó, tổ hợp tác, hợp tác xã trong tỉnh thường xuyên tham gia các hoạt động do Hội và địa phương phát động, tích cực đóng góp vào Quỹ HTND và thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa.