Quỹ HTND Cao Bằng: Tổng nguồn vốn các cấp đạt trên 56 tỷ đồng
10:24 - 12/05/2021
(Quỹ HTND) – Những năm qua, Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đã tạo được “đòn bẩy”, hỗ trợ cho hàng nghìn lượt hội viên, nông dân có thêm nguồn lực mở rộng quy mô sản xuất giúp tăng thu nhập và cải thiện đời sống.

Nhiều dự án triển khai từ nguồn vốn vay Quỹ HTND mang lại hiệu quả, giúp hội viên, nông dân trên địa bàn vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống


 
Hàng năm, Ban vận động Quỹ HTND các cấp đã tích cực chỉ đạo các huyện, thành Hội tăng cường đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức linh hoạt giúp cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển nguồn vốn.

 
Trên cơ sở đó, Hội ND tỉnh đã chủ động phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể trong việc thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND giai đoạn 2011 - 2020”. Đồng thời, ban hành các văn chỉ đạo, hướng dẫn và tập trung xây dựng, kiện toàn bộ máy quản lý, điều hành Quỹ HTND các cấp giúp nâng cao hiệu quả hoạt động.

 
Đến nay, có 10/10 huyện, thành phố và 161/161 xã trên toàn tỉnh thành lập Ban Vận động xây dựng Quỹ HTND. Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm, Hội ND tỉnh cũng tổ chức phân bổ và giao chỉ tiêu cụ thể cho từng cấp Hội, lấy đó làm tiêu chí để bình xét thi đua, đánh giá.

 
Đồng thời, Hội ND các cấp đã tiến hành kiện toàn các thành viên của Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành, Ban Kiểm soát Quỹ mỗi khi có sự thay đổi về nhân sự. Về cơ bản, hoạt động của Quỹ HTND đã đi vào nền nếp, thực hiện tốt các nội dung của Đề án, việc quản lý tài chính được đảm bảo, sử dụng nguồn Quỹ theo quy định. Qua các năm, nguồn vốn Quỹ HTND trong toàn tỉnh có sự tăng trưởng mạnh mẽ, vượt chỉ tiêu đặt ra.
 

Tính đến hết năm 2020, tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đang quản lý đạt trên 56 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ủy thác của Trung ương Hội NDVN 8,2 tỷ đồng; nguồn vốn cấp tỉnh trên 9,6 tỷ đồng; nguồn vốn cấp huyện là 38,364 tỷ đồng. Hầu hết các huyện, thành phố đều phát triển nguồn vốn Quỹ đạt mức từ 2 tỷ đồng trở lên.

 
Từ nguồn vốn trên, đến nay, Quỹ HTND đã hỗ trợ trên 30.000 lượt hộ hội viên, nông dân vay để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Các cấp Hội tập trung hướng dẫn và triển khai xây dựng 5.466 mô hình, dự án phát triển kinh tế như: Chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ, tổ hợp tác sản xuất vật liệu xây dựng…
  

 

Năm 2020, Quỹ HTND toàn tỉnh vận động và phát triển đạt 4,822 tỷ đồng. Nguồn cấp tỉnh vận động 1,4 tỷ đồng; cấp huyện, thành phố và cơ sở vận động 3,4 tỷ đồng. Ngoài ra, đã thu hồi xong 12,515 tỷ đồng vốn đến hạn của 602 hộ hội viên, nông dân.

Trong kỳ, toàn tỉnh đang cho vay 47,587 tỷ đồng để triển khai đầu tư tại 467 mô hình, dự án với 2.751 hộ còn dư nợ. 

Thông qua nguồn vốn vay từ Quỹ HTND các cấp đã có những tác động tích cực trong việc phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế ở lĩnh vực nông nghiệp tại nhiều địa phương trong tỉnh. Qua đó, giúp các cấp Hội tập hợp, hướng dẫn hội viên, nông dân tích cực tham gia vào mô hình các Tổ hợp tác, Hợp tác xã để cùng phát triển.
 

Từ nguồn vốn Quỹ HTND, tại nhiều địa phương đã xuất hiện những mô hình hay, mang lại giá trị kinh tế và đạt lợi nhuận cao. Bên cạnh đó, việc triển khai các mô hình, dự án còn giúp hội viên, nông dân trong tỉnh có thêm điều kiện được tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, đem áp dụng vào sản xuất để gia tăng sản lượng và thu nhập, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương.

 
Tiêu biểu như: Dự án nuôi trâu sinh sản ở thị trấn Tà Lùng (huyện Quảng Hòa); chăn nuôi lợn nái, trồng cây ăn quả ở phường Sông Hiến (thành phố Cao Bằng); chăn nuôi gà thả vườn tại xã Vĩnh Quang (thành phố Cao Bằng); phát triển cây thanh long ở xã Vũ Minh (huyện Nguyên Bình); trồng và chế biến miến dong ở thị trấn Tĩnh Túc (huyện Nguyên Bình); trồng rau sạch ở thị trấn Pác Miầu (huyện Bảo Lâm)...

 
Những năm qua, nhờ tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực đã giúp Hội ND huyện Bảo Lâm quản lý và phát triển nguồn vốn Quỹ HTND đạt hiệu quả đáng ghi nhận. Hiện, tổng dư nợ Quỹ HTND huyện đang quản lý 4.080 triệu đồng; trong đó 850 triệu đồng từ nguồn Trung ương ủy thác, nguồn cấp tỉnh 1.010 triệu đồng và nguồn cấp huyện 2.560 triệu đồng.
 
 
Qua vốn Quỹ, các cấp Hội trong huyện đã xây dựng 20 dự án với 163 hộ hội viên, nông dân vay vốn đầu tư mua con giống chăn nuôi bò sinh sản. Bên cạnh đó, các hộ dân khi tham gia vào dự án còn được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, cách xây dựng chuồng nuôi, cách phòng trị bệnh cho đàn vật nuôi...

 
Khi dự án kết thúc, các hộ hội viên, nông dân đều nâng cao thu nhập và vươn lên khá, giàu. Điển hình như: Hộ ông Trương Văn Bông ở xóm Nà Hôm (xã Thạch Lâm) được vay vốn Quỹ để mua 01 con bò về nuôi, sau 03 năm ông có 03 con bò; hộ ông Lý Văn Sông ở xóm Nà Nhồm (xã Nam Cao) có 02 con bò đang chăn thả, được vay vốn nên ông mua thêm 01 con bò về nuôi sinh sản, sau 03 năm chăn nuôi đã phát triển thành đàn 07 con bò; hộ ông Vừa A Giàng ở xóm Pác Rà (xã Lý Bôn) được bình xét tham gia dự án và hỗ trợ vốn vay để mua thêm 02 con bò về nuôi, sau khi kết thúc dự án ông đã có tổng đàn lên tới 22 con bò...

 
Ngoài ra, trong huyện còn có nhiều mô hình, dự án khác được triển khai cũng đã phát huy hiệu quả nguồn vốn. Cụ thể như các dự án nuôi trâu vỗ béo, trồng rau sạch, nuôi cá thương phẩm đang được các cấp Hội đầu tư phát triển tại các xã: Yên Thổ, Nam Quang, Quảng Lâm, Vĩnh Quang, Đức Hạnh.

 
Bên cạnh đó, để tận dụng và phát huy tốt các lợi thế sẵn có của từng địa phương, các cấp Hội trong tỉnh còn xây dựng và hướng dẫn hội viên, nông dân đầu tư phát triển các dự án, mô hình sản xuất theo hướng liên kết tập trung. Qua đó, vừa giúp bà con nâng cao lợi nhuận lại vừa gia tăng tính bền vững, gắn kết của mô hình được triển khai.

 
Tiêu biểu như mô hình chăn nuôi trâu, bò sinh sản được các cấp Hội xét duyệt và triển khai cho 12 hộ hội viên, nông dân tham gia tại địa bàn xã Hồng Việt (huyện Hòa An). Theo đó, các hộ tham gia mô hình được vay 500 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác của Quỹ HTND Trung ương để mua 12 con trâu, bò giống về nuôi. Mặt khác, các hộ dân cũng thường xuyên được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn về các phương pháp chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc, chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi.

 
Sau 3 năm triển khai mô hình, đến nay, tổng đàn trâu, bò đã phát triển lên thành 36 con, nhiều hộ gia tăng được từ 3 - 4 con. Mô hình đạt kết quả tốt không những giúp các hội viên, nông dân hoàn trả lại đầy đủ số vốn đã vay ban đầu mà còn tạo điều kiện giúp các hộ dân trong xã có cơ hội mở rộng, phát triển nghề chăn nuôi gia súc, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống.
 

Cùng với hoạt động giải ngân nguồn vốn và hỗ trợ hội viên, nông dân, Hội ND tỉnh cũng chủ động phối hợp với các sở, ngành tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và hỗ trợ bà con thực hiện các quy định của Trung ương, của tỉnh về chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, sở hữu trí tuệ đối với các mặt hàng nông sản nhằm gia tăng giá trị và thu nhập cho bà con nông dân.

 
Thông qua việc triển khai các dự án vay vốn Quỹ HTND đã góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, xây dựng nông thôn mới (nhất là tiêu chí nâng cao thu nhập của người dân); đồng thời, đảm bảo trật tự an toàn xã hội ở khu vực nông thôn, tiếp thêm nguồn lực, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho hội viên, nông dân.


 

Nguyễn Thuận
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng