Huyện Bảo Yên (Lào Cai): Đồng vốn giúp hội viên, nông dân thoát nghèo
11:20 - 26/03/2021
(Quỹ HTND) - Từ nguồn vốn Quỹ HTND được giải ngân hiệu quả, nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn huyện đã kịp thời đầu tư đúng hướng, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để xây dựng các mô hình kinh tế giúp mang lại lợi nhuận cao và vươn lên làm giàu.

Nguồn vốn Quỹ HTND giúp hộ hội viên, nông dân trên địa bàn đầu tư chăn nuôi đúng hướng để thoát nghèo và vươn lên làm giàu


 
Đến nay, Hội ND huyện đang quản lý 5,1 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ HTND cho 118 hộ hội viên, nông dân vay để thực hiện 7 dự án phát triển sản xuất chăn nuôi và trồng trọt. Nhìn chung, mỗi mô hình, dự án được các cấp Hội hướng dẫn triển khai đều mang tính khả thi nhờ biết tận dụng tốt thế mạnh và các điều kiện thực tế của từng địa phương.

 
Hàng năm, để phát huy hiệu quả nguồn vốn, Ban Thường vụ Hội ND huyện tập trung làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhằm giúp các cán bộ, hội viên, nông dân hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng và phát triển nguồn vốn Quỹ HTND. Cùng với đó, trong quá trình cho vay, huyện Hội tập trung chỉ đạo và phối hợp với Hội ND các xã thường xuyên tiến hành khảo sát đối với các hộ có nhu cầu vay vốn, ưu tiên lựa chọn các hộ gia đình chí thú làm ăn nhằm đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn đúng mục đích.

 
Hiện nay, các cấp Hội còn đang tập trung triển khai phương thức cho vay vốn theo dự án phát triển sản xuất, kinh doanh có sự liên kết của các Tổ hợp tác, Câu lạc bộ sản xuất, nhóm hộ, làng nghề… giúp tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho các hộ hội viên, nông dân. Tiêu biểu như: Dự án nuôi trâu sinh sản tại các xã Nghĩa Đô, Yên Sơn, Tân Dương, Kim Sơn; nuôi vịt sinh sản và vịt thương phẩm ở xã Nghĩa Đô; trồng và chăm sóc cam tại các xã Lương Sơn, Long Phúc và thị trấn Phố Giàng...

 
Từ nhiều năm nay, địa bàn xã Nghĩa Đô vốn nổi tiếng với giống vịt bầu cổ lam đặc sản. Đây vốn là loài vật nuôi đặc thù của bà con dân tộc Tày sinh sống ở địa phương, giống vịt này khi xuất bán thường cho chất lượng thịt thơm ngon hơn hẳn mà nhiều nơi khác không nuôi được.

 
Để vận động bà con nông dân trong xã phát huy tốt các điều kiện thuận lợi có sẵn của địa phương; đồng thời, với mục tiêu nhân rộng giống vịt bầu bản địa để phát triển thành sản phẩm hàng hóa giúp các hộ dân tăng thêm thu nhập, Hội ND xã xây dựng dự án “Nuôi vịt bầu sinh sản và thương phẩm”. Theo đó, Hội ND xã đã giải ngân 320 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh cho 8 hộ nông dân tại các bản Thâm Mạ và Nặm Cằm vay trong thời gian 02 năm để phát triển mô hình. Trung bình mỗi hộ dân được vay 40 triệu đồng.

 
Cùng với việc hỗ trợ nguồn vốn vay, các cấp Hội cũng thường xuyên phối hợp với các phòng chức năng tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các hộ dân tham gia mô hình về kỹ thuật chăn nuôi, phát triển nhân đàn để tăng số lượng đàn vịt nuôi theo hướng hàng hóa. Được cán bộ kỹ thuật xuống tận cơ sở chỉ dẫn tận tình, bà con nông dân trong xã dần biết cách tận dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có trong gia đình như thân cây chuối, ngô, thóc… kết hợp áp dụng kiến thức trong chăm sóc đàn gia cầm đã giúp gia tăng số lượng và chất lượng đàn vịt nuôi. Nhờ đó, năng suất và giá trị thu nhập của các hộ dân khi tham gia mô hình cũng cao hơn.

 
Hộ gia đình ông Lương Văn Măng là 1 trong số 8 hộ hội viên, nông dân được vay vốn tham gia dự án. Thực tế từ nhiều năm qua, gia đình ông vẫn nuôi vịt đàn theo phương thức truyền thống, lại chỉ làm chuồng trại đơn sơ nên lợi nhuận thu về không cao. Từ khi được hỗ trợ vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND, ông đã đầu tư cải tạo và mở rộng ao nuôi, mua thêm con giống, thức ăn chăn nuôi vịt… Ngoài ra, ông còn được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, nhân đàn, phòng trừ bệnh dịch cho đàn gia cầm nên đàn vịt khỏe mạnh, nhanh lớn, cho năng suất, chất lượng và giá trị thu nhập cũng cao hơn.

 
Ước tính, nếu mỗi lứa các hộ dân thả nuôi 400 con vịt giống, sau thời gian khoảng 3,5 tháng, mỗi con vịt đạt trọng lượng từ 2,3 - 2,5kg là có thể xuất chuồng. Với giá bán hiện nay từ  180.000- 250.000 đồng/con, giá trứng khoảng 5.000 - 7.000 đồng/quả, bình quân mỗi hộ tham gia dự án thu lợi nhuận từ 30 - 50 triệu đồng/năm. Như vậy, chỉ sau từ 1 - 2 năm, người nuôi vịt sẽ hoàn trả hết số vốn vay.

 
Từ hiệu quả của mô hình điểm, các cấp Hội cũng đang tiếp tục hướng dẫn và nhân rộng ra nhiều địa bàn khác trong xã. Hiện toàn xã đang có hơn 40 hộ chăn nuôi giống vịt bản địa này với tổng đàn đạt gần 4.000 con, tăng 2 lần so với trước khi thực hiện dự án.

 
Hay như dự án chăn nuôi bò sinh sản được Hội ND huyện phối hợp với Hội ND xã Yên Sơn triển khai cũng đã cho thấy những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, tổng số tiền vốn Quỹ HTND giải ngân để triển khai dự án là 1 tỷ đồng cho 20 hộ dân tham gia (mức hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ). Sau gần 2 năm triển khai, đàn bò của các hộ vay vốn đều sinh trưởng, phát triển tốt, cho thu nhập bình quân từ 15 - 20 triệu đồng/năm.

 
Hộ gia đình anh Nguyễn Văn Thắng ở bản Bát, xã Yên Sơn là 1 trong 20 hộ hội viên, nông dân được lựa chọn tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ HTND để tham gia dự án nuôi bò sinh sản. Nhận thấy điều kiện của gia đình phù hợp với nghề chăn nuôi đại gia súc, anh mạnh dạn đăng ký tham gia làm thành viên dự án, tích cực học tập những kiến thức kỹ thuật mới từ các lớp tập huấn do Hội tổ chức và chia sẻ kinh nghiệm với các hộ chăn nuôi khác trong bản.

 
Được xét cho vay 40 triệu đồng, anh đã lựa chọn mua 2 cặp bò mẹ - con về nuôi. Sau 1 năm chăm chỉ vỗ béo và phòng ngừa dịch bệnh cho đàn gia súc, 2 con bò mẹ đã sinh thêm 2 bê con, nâng tổng đàn của gia đình anh lên 6 con bò và bê. Nhận thấy việc nuôi bò sinh sản mang lại giá trị kinh tế cao, lại không vất vả khi chăm sóc nên anh tiếp tục giữ lại bò cái để nuôi sinh sản, còn bò đực thì sau khi vỗ béo sẽ xuất chuồng bán vào dịp cuối năm. Sau 3 năm chăm chỉ nuôi bò sinh sản, gia đình anh đã có thu nhập hơn 200 triệu đồng từ mô hình này và còn trở thành hộ chuyên cung cấp bò giống cho người dân trên địa bàn.

 
Thời gian tới, Hội ND huyện tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ hội viên, nông dân trong sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn, tư vấn giúp nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất. Đồng thời, Hội tiếp tục tăng cường vận động các nguồn lực về vốn, giống, vật tư để hỗ trợ hội viên, nông dân đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đáp ứng yêu cầu của thị trường, gia tăng giá trị và chất lượng sản phẩm nông sản.

 

Hải Hằng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng