Huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên): Vốn Quỹ HTND tiếp sức giúp hội viên, nông dân làm giàu
(Quỹ HTND) – Thời gian qua, hiểu được những khó khăn của hội viên, nông dân trên địa bàn do thiếu hụt nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, Ban Thường vụ Hội ND huyện đã chủ động, tích cực thực hiện có hiệu quả Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
|
Nguồn vốn Quỹ HTND góp phần phát triển các hình thức sản xuất kinh tế tập thể theo hướng thành lập các tổ, nhóm liên kết để cùng sản xuất theo chuỗi giá trị giúp mang lại hiệu quả rõ rệt |
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Ban Thường vụ Hội ND huyện chỉ đạo tập trung hướng tới chính là tiếp tục triển khai thực hiện các đề án, chương trình hỗ trợ hội viên, nông dân; đặc biệt là Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh giai đoạn 2012 - 2020”. Đồng thời, nội dung này cũng được cụ thể hóa và trở thành một trong những chỉ tiêu thi đua quan trọng gắn với công tác đánh giá xếp loại thi đua thường xuyên của các cơ sở Hội trong huyện.
Hàng năm, các cấp Hội thường xuyên quan tâm, chú trọng tới công tác vận động, xây dựng và phát triển nguồn vốn nhằm giúp Quỹ HTND huyện tăng trưởng, vượt chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh đó, Ban điều hành Quỹ HTND huyện cũng đã kịp thời phân bổ và quản lý tốt nguồn vốn ủy thác với các ngân hàng trên địa bàn theo đúng quy định.
Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND trên địa bàn huyện đang quản lý đạt 4,2 tỷ đồng, được triển khai cho 96 hộ hội viên, nông dân vay để xây dựng và thực hiện 10 dự án.
Tính riêng trong năm 2020, Hội ND huyện đã tổ chức giải ngân 1,5 tỷ đồng tại 4 dự án được phê duyệt với 37 hộ hội viên, nông dân vay vốn. Trong đó: 300 triệu đồng từ nguồn ủy thác của Quỹ HTND Trung ương với 10 hộ vay thực hiện 1 dự án; nguồn Quỹ HTND tỉnh 900 triệu đồng đang cho 20 hộ vay tại 2 dự án; từ nguồn Quỹ HTND huyện 300 triệu đồng đầu tư thực hiện 1 dự án cho 7 hộ vay.
Cùng với đó, từ chương trình ủy thác với ngân hàng CSXH huyện, các cấp Hội cũng đang quản lý số dư nợ đạt trên 143 tỷ đồng thông qua 96 Tổ TK&VV cho hơn 4.400 lượt hộ hội viên, nông dân tham gia vay vốn. Đồng thời, các cấp Hội trong huyện cũng đẩy mạnh việc phối hợp với ngân hàng Nông nghiệp & PTNT cho gần 2.176 hộ nông dân vay vốn để phát triển kinh doanh với dư nợ đạt trên 236 tỷ đồng, thông qua 89 Tổ Vay vốn.
Trong quá trình cho vay, Hội ND huyện luôn chú trọng đến khâu khảo sát, lựa chọn đúng đối tượng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo các hộ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và đạt hiệu quả. Các cấp Hội còn tích cực phối hợp với ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh giúp cho hội viên, nông dân đầu tư đúng hướng.
Nguồn vốn Quỹ HTND đã hỗ trợ thiết thực giúp bà con nông dân chuyển đổi nhận thức để hướng sang sản xuất tập trung, liên kết và dần phát triển thành các vùng nguyên liệu lớn nhằm gia tăng năng suất và thu nhập. Mặt khác, các cấp Hội còn chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, Công ty đóng trên địa bàn tổ chức tốt hoạt động bao tiêu sản phẩm đầu ra, giúp bà con nông dân yên tâm tập trung sản xuất. Nhiều dự án sau khi triển khai còn giúp các địa phương xây dựng được một số mô hình tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh.
Các nguồn vốn vay được hội viên, nông dân phát huy đạt hiệu quả; các mô hình sản xuất, kinh doanh còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn có thêm nguồn thu nhập ổn định. Từ đó, trên địa bàn xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình đạt hiệu quả rõ nét, giúp nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Hội ND xã Minh Lập hiện có 1.292 hội viên, đang tham gia sinh hoạt ở 7 chi Hội. Đời sống của bà con nông dân trong xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Trong đó, chế biến chè và chăn nuôi theo quy mô trang trại được xem là thế mạnh ở địa phương.
Những năm qua, thực hiện nghị quyết của Đảng bộ xã về việc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao, Hội ND xã đã tổ chức các đoàn đưa hội viên, nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình nuôi bò 3B. Từ đó, trên địa bàn xã bắt đầu có vài hộ dân mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò 3B, ban đầu chỉ hình thành với quy mô nhỏ nuôi từ 2- 3 con bò/hộ.
Đến năm 2020, nhận thấy việc nuôi giống bò này giúp mang lại giá trị và hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi, Hội ND xã đã xây dựng mô hình để trình vay vốn từ nguồn Quỹ HTND. Theo đó, các cấp Hội đã tiến hành phê duyệt và giải ngân 800 triệu đồng từ nguồn vốn uỷ thác của Trung ương Hội NDVN cho 20 hộ dân trong xã tham gia mô hình chăn nuôi bò 3B.
Có vốn, các hộ dân được tham gia mô hình trong xã đã mạnh dạn đầu tư mở rộng chăn nuôi và tăng số lượng đàn bò từ 2 con lên đến vài chục con/hộ. Hiện, toàn xã đã tăng trưởng và phát triển thành 109 con bò 3B chỉ sau hơn 1 năm triển khai mô hình (năm 2020 mới có 27 con bò); giúp cho nhiều hộ nông dân của xã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Đáng chú ý, việc triển khai mô hình còn góp phần thành lập được Tổ liên kết chăn nuôi và tiêu thụ bò thương phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định cho người dân.
Trước đây, hộ gia đình ông Lê Văn Minh ở xóm Trại Cau, xã Cây Thị gặp rất nhiều khó khăn vì chỉ có 1 sào ruộng và 2 sào chè để canh tác sản xuất. Được Hội tạo điều kiện hỗ trợ cho vay 30 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND huyện, ông đã đầu tư mua trâu về nuôi sinh sản. Theo ông ước tính, bình quân mỗi năm trâu mẹ đẻ được 01 nghé con, với giá bán trên thị trường hiện nay được 25 triệu đồng/con nghé nên chỉ trong vài năm ông đã trả được hết cả nợ gốc và lãi. Hiện, ông Minh cũng đang duy trì nuôi 01 con trâu mẹ và 02 nghé con, đó chính là tài sản tích lũy được của gia đình ông sau khi tham gia mô hình.
Hay như hộ gia đình ông Nguyễn Đức Trọng ở tổ dân phố số 4, thị trấn Sông Cầu cũng đã rất phấn khởi khi được hỗ trợ kịp thời 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay Quỹ HTND Trung ương để đầu tư vào sản xuất chè. Theo ông Trọng, việc đầu tư phát triển cây chè đòi hỏi có nguồn vốn khá lớn do cần rất nhiều chi phí để mua phân bón, thuê nhân công thu hái, lắp đặt máy móc sao sấy chè... Được Hội tạo điều kiện cho vay vốn với thủ tục nhanh gọn giúp gia đình ông yên tâm phát triển mô hình, đồng thời còn duy trì, bảo vệ và quảng bá thương hiệu chè đặc sản của địa phương.
Qua đánh giá, nhìn chung khi kết thúc chu kỳ vay vốn, các dự án đều đã nộp phí và vốn đúng hạn. Các mô hình tổ nông dân liên kết duy trì thường xuyên các buổi sinh hoạt để tạo cơ hội cho bà con được trao đổi, học tập, truyền đạt kinh nghiệm trong sản xuất cũng như tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm nông sản... Việc thực hiện các mô hình, dự án cũng đã góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội trong việc điều hành và quản lý nguồn vốn vay; được cấp ủy, chính quyền địa phương nơi triển khai dự án đánh giá cao, góp phần nâng cao uy tín của tổ chức Hội trong hệ thống chính trị ở cơ sở.
Có thể thấy, nguồn vốn Quỹ HTND đã và đang phát huy tính hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội nói chung của toàn huyện. Đồng thời, giúp nâng cao đời sống của hội viên, nông dân cũng như đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các hình thức sản xuất kinh tế tập thể theo hướng thành lập các tổ, nhóm liên kết để cùng sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ nông sản.