Quỹ HTND Bắc Giang: Đồng hành cùng hội viên, nông dân làm giàu
16:05 - 26/02/2021
(Quỹ HTND) – Với tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đang quản lí đạt trên 49 tỷ đồng, các cấp Hội đã giải ngân cho hơn 1.500 lượt hộ hội viên, nông dân trên địa bàn vay để triển khai xây dựng 310 mô hình, dự án. Trong đó, có hơn 150 mô hình theo hướng liên kết phát triển sản xuất giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.
|
Quỹ HTND giúp vốn để hội viên, nông dân xây dựng nhiều mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao và hiện đang tiếp tục được các cấp Hội nhân rộng |
Bên cạnh nguồn vốn từ Quỹ HTND, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh cũng tăng cường chỉ đạo các cấp Hội hàng năm tích cực triển khai công tác phối hợp với các ngân hàng nhằm nâng cao chất lượng ủy thác tín dụng nguồn vốn vay. Qua đó, tạo được một “kênh dẫn vốn” hiệu quả, giúp cho hàng ngàn lượt hội viên, nông dân trên địa bàn vay để đầu tư trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, vượt khó để vươn lên trở thành những hộ sản xuất kinh doanh giỏi.
Hiện, tổng dư nợ của các chương trình tín dụng ủy thác vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thực hiện giữa Hội với ngân hàng CSXH đạt 1.954 tỷ đồng với gần 37.000 lượt hội viên, nông dân tham gia vay vốn tại 1.100 Tổ TK&VV. Đồng thời, tổng dư nợ của các cấp Hội với ngân hàng Nông nghiệp & PTNT thực hiện Nghị định 55 và Nghị định 116 đạt 2.459 tỷ đồng, thông qua 1.116 Tổ Vay vốn cho 29.791 lượt hộ được vay.
Đến nay, các cấp Hội đã triển khai xây dựng được hơn 400 mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Ngoài ra, Hội cũng phối hợp xây dựng gần 200 mô hình theo hình thức kinh tế tập thể, hơn 600 tổ liên kết, Hợp tác xã … |
Thông qua các dự án đã triển khai từ các nguồn vốn vay tại nhiều địa phương cho thấy tính hiệu quả kinh tế đạt được rất rõ nét nhờ góp phần làm tăng thu nhập cho các hộ vay vốn. Đặc biệt, các hộ vay đã biết tự liên kết với nhau để trở thành nhóm hộ, tổ liên kết nhằm mục đích xây dựng các mô hình theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, có nhiều hộ nông dân đã trở thành khá giàu, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương và xây dựng nông thôn mới.
Nhiều mô hình sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế và đạt giá trị lợi nhuận cao; tiêu biểu như: Hợp tác xã na dai Nghĩa Phương (huyện Lục Nam); sản xuất gạo thơm Nàng Xuân chất lượng cao hay mô hình chăn nuôi gia súc gia cầm theo hướng an toàn sinh học tại huyện Yên Dũng; sản xuất rau an toàn tại thôn Trung tâm, xã Hợp Thịnh (huyện Hiệp Hoà); nuôi trồng thủy sản tại xã Ngọc Thiện (huyện Tân Yên); trồng và chăm sóc cây ba kích tím tại xã Thanh Luận (huyện Sơn Động)...
Để giúp hội viên, nông dân trên địa bàn tăng cường sự liên kết cùng nhau xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, các cấp Hội ND trong tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ. Trong đó, tập trung vào một số hoạt động cụ thể như: Tổ chức cho hội viên, nông dân đi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm tại các mô hình sản xuất thành công; tổ chức trên 4.000 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới; hỗ trợ hội viên, nông dân mua máy móc nông nghiệp, vật tư, cung ứng trên 6.000 tấn phân bón trả chậm/năm...
Nhờ có vốn, có kiến thức đã góp phần giúp cho các phong trào thi đua do các cấp Hội phát động được đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân hưởng ứng và triển khai đạt kết quả thiết thực; trong đó nổi bật là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Bình quân hàng năm toàn tỉnh có hơn 100.000 hộ đạt tiêu chuẩn hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; đã có 51.567 mô hình hộ nông dân thu nhập đạt mức trên 100 triệu đồng/năm.
Trên địa bàn, Hội ND huyện Tân Yên là đơn vị điển hình đã xây dựng và phát triển được nguồn vốn Quỹ HTND đạt mức cao. Đến nay, huyện đang quản lý nguồn vốn Quỹ HTND đạt 8,9 tỷ đồng với gần 500 hộ hội viên, nông dân tham gia vay để thực hiện 57 dự án phát triển sản xuất. Trong đó, 31 dự án thuộc lĩnh vực trồng trọt (rau màu, cây ăn quả), 26 dự án chăn nuôi (gia súc, gia cầm, thủy sản).
Cùng với việc hỗ trợ hội viên, nông dân thông qua nguồn vốn này, các cấp Hội trong huyện còn tập trung triển khai nhiều cách làm hay nhằm kịp thời giúp đỡ cũng như tạo động lực cho hội viên, nông dân nghèo phát triển các mô hình sản xuất, vươn lên trong cuộc sống.
Được xét hỗ trợ vay 600 triệu đồng, 10 hộ hội viên, nông dân trên địa bàn thôn Bỉ và thôn Nội xã Ngọc Thiện phấn khởi thành lập Tổ hợp tác liên kết sản xuất và tham gia triển khai thực hiện dự án “Nuôi trồng thuỷ sản”. Có vốn, các hộ dân đầu tư cải tạo ao nuôi, mua máy sục ô xy, mua thức ăn cho cá nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả nuôi thủy sản.
Đồng thời, các cấp Hội còn tạo điều kiện tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn về kỹ thuật thâm canh, phòng trừ bệnh nên bình quân năng suất và sản lượng cá của các hộ tham gia trong Tổ hợp tác đạt gần 30 tấn/ha/năm. Trong khi đó, những hộ không được hỗ trợ về vốn và kỹ thuật chỉ đạt khoảng hơn 20 tấn cá/ha/năm.
Mô hình Tổ hợp tác ở thôn Đá Ong, xã Lan Giới đã thành công với việc vay vốn triển khai dự án chăn nuôi dê thương phẩm và sinh sản với 13 hộ hội viên, nông dân cùng tham gia. Từ nguồn vốn vay hỗ trợ triển khai thực hiện mô hình là 800 triệu đồng, mỗi hộ được xét cho vay 60 triệu đồng mua dê giống về chăm sóc. Ngoài ra, Tổ hợp tác còn đứng ra nhận bao tiêu toàn bộ số dê thương phẩm nên các hộ tham gia dự án hoàn toàn yên tâm cho đầu ra của sản phẩm.
Hộ gia đình anh Hoàng Văn Đại là một thành viên trong Tổ hợp tác tham gia thực hiện dự án. Được vay 60 triệu đồng từ Quỹ HTND huyện, anh mua 20 con dê giống về nuôi. Sau 3 tháng triển khai mô hình, áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh nên đàn gia súc lớn nhanh và phát triển rất tốt, mỗi con dê cho lãi từ 700- 800.000 đồng. Hiện mô hình chăn nuôi của các hộ trong Tổ hợp tác đều đã phát huy hiệu quả, góp phần hình thành mô hình chăn nuôi dê thương phẩm tập trung của huyện với tổng đàn 1.500 con dê.
Từ những hiệu quả đạt được bước đầu, Hội ND huyện sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư, hướng dẫn và thành lập mô hình Hợp tác xã sản xuất chăn nuôi dê thương phẩm, sinh sản tại thôn Đá Ong, xã Lan Giới và định hướng mục tiêu sẽ sớm phát triển thành thương hiệu sản phẩm OCOP của huyện.
Thông qua các mô hình, dự án triển khai từ nguồn vốn Quỹ HTND tại các địa phương cho thấy nhìn chung hiệu quả kinh tế đạt được rất rõ nét, giúp tăng thu nhập cho các hộ hội viên, nông dân vay vốn. Mặt khác, cơ cấu lao động cũng chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn, mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn. Các hộ dân biết tự liên kết với nhau trở thành nhóm hộ, tổ liên kết nhằm mục đích xây dựng các mô hình khép kín theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, có nhiều hộ hội viên, nông dân đã trở nên khá giàu, góp phần tích cực trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương.
Lưu Nguyên