Cho nông dân vay là an toàn
03:45 - 05/06/2014
Đầu tư cho vay nông nghiệp nông thôn hiện nay có rất nhiều khó khăn, trở ngại. Song đầu tư vào đó mới là yên tâm, an toàn.

Nhờ nguồn vốn vay từ ngân hàng NN&PTNT, các hộ dân tại TX. Long Khánh Đồng Nai phát triển nghề trồng nấm

Tin tưởng nông dân

Cắt nghĩa giúp chúng tôi điều mâu thuẫn này, ông Bình đã chỉ ra một số khó khăn hạn chế khi cho vay nông nghiệp nông thôn. Ông bảo: “Đầu tư cho nông nghiệp thường xuyên gặp những rủi ro bất khả kháng. Hay công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch trong SXNN của chúng ta làm chưa được tốt, chưa có chiến lược và giải pháp để quy hoạch ổn định, lâu dài đối với từng cây, con. SXNN còn mang tính phong trào, tự phát, thấy lợi nhuận thì ồ ạt làm nhưng khi thua thiệt, khó khăn thì đồng loạt phá bỏ”.

Cũng theo ông Bình, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn TT – Huế còn thấp. Nguyên nhân cơ bản là chưa coi trọng và làm tốt khâu chế biến. Hàng hóa XK còn ở dạng thô, sơ chế, gia công, mẫu mã, chủng loại ít. Công tác quảng bá, tiếp thị sản phẩm làm chưa tốt. Công tác phòng chống dịch còn thụ động trong các đợt dịch xảy ra.

Bên cạnh đó, đầu tư lĩnh vực nông thôn còn mang tính chất quy mô nhỏ và vẫn là tín dụng truyền thống. Trong đầu tư còn chưa đa dạng về hình thức, chưa mở rộng cho vay theo ngành nghề ở nông thôn, chưa xây dựng được mẫu dự án đầu tư theo nhóm, tổ SXKD đối với ngành nghề cụ thể.

Đối với khối kinh tế HTX có đổi mới nhưng vẫn chưa thực sự là chỗ dựa làm đại diện của nông dân trong tổ chức SX hàng hóa, cạnh tranh trong dịch vụ đầu vào, đầu ra. Cách tổ chức SX, khả năng quản lý và điều kiện thực hiện các khâu dịch vụ của nhiều HTX còn hạn chế, tài sản tín chấp không đảm bảo đủ điều kiện, do vậy ngân hàng khó mở rộng được tín dụng.

Chúng tôi đặt câu hỏi, vì sao, đầu tư cho “tam nông” rủi ro cao, khó khăn trở ngại như ông liệt kê, vậy mà Agibank TT – Huế vẫn đạt tỷ lệ cho vay 67% tổng dư nợ và có kế hoạch tăng lên 80 – 90% trong thời gian tới? Ông Bình cho rằng, nếu nói về rủi ro thì do thiên tai, dịch bệnh là chính. Những trở ngại khác thuộc về cơ chế, môi trường. Còn cho nông dân vay là vì chúng tôi tin tưởng họ. Với chúng tôi, người nông dân là thật thà, chất phác. Cho nông dân vay vẫn an toàn.

Ông Bình minh chứng: Phong trào nuôi tôm ở Phú Vang, Quảng Điền những năm 2000 để lại không ít hậu quả nặng nề cho người dân và Agribank. Hay như năm ngoái, hàng trăm ha cao su đã cho khai thác ở Nam Đông bị bão quật gãy hết. Có hộ dân như anh Đoàn Trọng Phúc ở xã Hương Lộc bị thiệt hại hơn 500 triệu đồng. Thế nhưng chúng tôi chưa bị người nông dân quỵt nợ. Thấy nông dân trong khó khăn vẫn biết vượt qua trở ngại, không nhẽ mình lại chùn bước, thờ ơ.

Chính nông dân dạy cách kinh doanh

Đồng quan điểm với đồng nghiệp của mình, ông Hoàng Minh Thông – Giám đốc Agribank Quảng Trị mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng một tổng kết của mình trong suốt 25 năm ông gắn bó với ngân hàng và người nông dân rằng: “Chính nông dân dạy chúng tôi cách kinh doanh”.

Trong lĩnh vực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, phía Agribank Quảng Trị dành phần lớn dư nợ cho nông dân và DN kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp. Tỷ lệ cho vay của Agribank Quảng Trị chiếm 81% (nợ xấu chiếm 1,01%) còn Agribank TT – Huế tỷ lệ này chiếm 67% (nợ xấu chiếm 1,17%).

Theo ông Thông, nông dân “dạy” ông cách kinh doanh ở chỗ họ có một niềm tin trong cuộc sống. Ở người nông dân, một phẩm chất không hòa lẫn vào đâu được là sự thật thà, chất phác. Trong lao động họ rất cần cù, chịu khó. Họ biết lồng ghép, kết hợp chăn nuôi với các loại cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên để sớm ổn định đời sống, từng bước khắc phục khó khăn. Có chứng kiến người dân gồng mình trong bão lũ, gượng dậy sau những trận dịch bệnh hoành hành mới thấy được ý chí can trường của họ. Đằng sau đó là cách tính toán sử dụng đồng vốn vay của họ thật hiệu quả.

Ông Thông nhớ lại: “Cuối năm ngoái, cơn bão số 10 càn qua Quảng Trị làm gần 10.000 ha cây cao su gãy đổ, tập trung ở 3 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, thiệt hại lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Một thiệt hại nặng nề nhất mà người trồng cao su phải gánh chịu”.

Bão qua, cả người dân và ngân hàng như ngồi trên chảo lửa. Bởi phần lớn số cao su bị gãy đều đã cho thu hoạch và là thứ tài sản lớn nhất của người nông dân. Trong đó có hơn 118 tỷ đồng được ngân hàng cho người dân vay đầu tư. Những ngày đó, hầu hết cán bộ, nhân viên của Agribank Quảng Trị và các chi nhánh vùng thiệt hại đã về tận từng hộ dân thăm hỏi động viên. Người dân khóc cao su, cán bộ ngân hàng khóc cao su. Tất cả ngỡ rằng sẽ đổ bể hết.

Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị, hội thảo tại Quảng Trị tìm giải pháp khắc phục và lắng nghe ý kiến từ cơ sở để lựa chọn cây trồng nào cho dãy đất miền Trung. Các cuộc họp đó đều không thể thiếu nông dân và cán bộ ngân hàng. Nhà quản lý, nhà khoa học lên tiếng nhưng chốt lại đại bộ phận nhân dân vẫn quyết tâm đeo đuổi cây cao su. “Thêm một thử thách lớn nữa cho ngành ngân hàng. Song thỏa lòng dân là yên tâm lắm rồi” – ông Thông nhớ lại.

Tổng giám đốc Agribank Việt Nam lúc đó nhận được một báo cáo khá đầy đủ và chi tiết về thiệt hại do mưa bão cũng như nguyện vọng của nhân dân tại các tỉnh miền Trung. Một đề xuất của Agribank đã được NHNN và Chính phủ chấp thuận là thực hiện việc gia hạn nợ, giãn nợ cho các hộ vay vốn, nhất là các hộ vay vốn trồng cao su. Đến 31/12/2013 tỉnh Quảng Trị đã gia hạn nợ trên 11,7 tỷ, đồng thời cho vay khắc phục thiên tai với lãi suất từ 7,5%, tổng dư nợ 59 tỷ đồng.

Đáp lại tình cảm đó, người dân đã nhanh chóng khắc phục hậu quả do mưa bão, sớm ổn định cuộc sống. Nợ cũ được gia hạn, được giãn, được vay thêm vốn đã giúp nông dân vùng cao su Quảng Trị gượng dậy. Nếu như trước đây cây nào bị đổ gãy thì người dân chặt bỏ cả gốc lẫn cành, nhưng lần này họ quyết định giữ gốc. Cùng với đó là tiến hành trồng lại với quyết tâm không để rừng hoang và “bắt” cây tiếp tục cho mủ. Sự sống hồi sinh, hơn tất cả niềm tin trong mỗi người nông dân đã được đền đáp bởi sự chung sức của ngành ngân hàng trong bối cảnh hoạn nạn.

Trên thực tế tỷ lệ hộ trực tiếp SXNN tại các phường, thị trấn chiếm 70 – 80% nhưng số hộ này không thuộc khu vực nông thôn. Lãnh đạo Agribank Quảng Trị và TT – Huế cùng nhiều hộ nông dân tại địa bàn phường, thị trấn kiến nghị Chính phủ mở rộng phạm vi áp dụng Nghị định 41 để các hộ trực tiếp SXNN được hưởng chính sách của Chính phủ là được vay vốn đến 50 triệu đồng không phải thế chấp mà chỉ kèm giấy chứng nhận QSDĐ. Trên cơ sở đó Agribank có điều kiện đáp ứng nhu cầu vốn kịp thời phục vụ nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
 Theo agribankquangtri.gov.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng