|
Cán bộ Hội ND tích cực đưa đồng vốn chính sách đến với hội viên ở vùng sâu, vùng xa Ảnh: NHCSXH |
Dư nợ ủy thác của Hội Nông dân liên tục tăng cả về khối lượng tín dụng và số lượng các chương trình tín dụng. Nếu như năm 2003, Hội Nông dân, NHCSXH mới chỉ thực hiện duy nhất 1 chương trình tín dụng ưu đãi là cho vay hộ nghèo với hơn 3.000 tỷ đồng, thì đến nay, Hội đang nhận ủy thác tới 16 chương trình tín dụng có tổng dư nợ 42.452 tỷ đồng (chiếm 33,33% tổng dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức hội, đoàn thể) với hơn 2,27 triệu hộ hội viên nông dân đang vay vốn và sinh hoạt tại hơn 64.800 Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội thành lập và quản lý.
Mức vay bình quân của 1 hộ được tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Năm 2008, bình quân 1 hộ vay mới chỉ đạt gần 10 triệu đồng thì đến nay, mức dư nợ bình quân đã đạt hơn 18,5 triệu đồng. Nếu trước năm 2010, bình quân mỗi Tổ tiết kiệm và vay vốn chỉ có 20 thành viên thì đến hết năm 2014 con số này đã nâng lên 35 thành viên.
Để có được kết quả trên, cùng với hệ thống NHCSXH, các cấp Hội Nông dân đã vượt qua nhiều khó khăn. Trước đó, cán bộ Hội Nông dân gần như chưa có kỹ năng, nghiệp vụ về tín dụng. Nhận ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay vốn, Hội Nông dân và NHCSXH phải tích cực phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ hội, cán bộ Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Quá trình tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ hội, cán bộ Tổ tiết kiệm và vay vốn rất thường xuyên, liên tục trong các năm bởi mô hình ủy thác luôn được bổ sung, điều chỉnh để tiến tới hoàn thiện. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn cố gắng, nỗ lực thành lập, củng cố, điều hành, quản lý tốt hệ thống Tổ tiết kiệm và vay vốn. Việc này càng được chú trọng hơn tại các địa bàn nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống.
Để có được thành quả trong công tác nhận ủy thác, nhiều cán bộ Hội đã không quản ngại khó khăn đưa vốn chính sách đến với hội viên nông dân nghèo. Tiêu biểu như cán bộ Hội ND xã K’Bang, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai hiện còn 51 hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm khoảng 10,2%. Hội Nông dân xã đã xây dựng được 13 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại 8 thôn, làng với dư nợ 6,2 tỷ đồng, chiếm 38% tổng dư nợ, cho 467 hộ. Chất lượng hoạt động của tất cả các Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Nông dân xã quản lý đều được đánh giá, xếp hạng loại khá và tốt.
Người kết nối đồng vốn chính sách về cho nông dân trong xã là anh Đinh Đan, một cán bộ Hội có thâm niên 8 năm liên tục tham gia công tác quản lý nguồn vốn ưu đãi. Ngoài hỗ trợ vốn, anh Đinh Đan còn tham gia hướng dẫn bà con dân tộc sử dụng vốn vay tập trung vào thâm canh vườn cà phê, hồ tiêu, mở rộng chăn nuôi gia súc, gia cầm…Nhờ vậy, nhiều gia đình đồng bào dân tộc trên cao nguyên K’Bang thoát nghèo như ông ĐMịch, chị ĐH’Ngân, bà Đinh Thị Mùi…
Tính đến cuối năm 2014, toàn xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, Lai Châu còn 133 hộ nghèo, chiếm khoảng 31,4%, nhưng đã thấp hơn tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn huyện (43,04%). Trong nỗ lực chung của toàn xã, có đóng góp của Chủ tịch Hội Nông dân xã Lý Lù Cà.
14 năm ông Lý Lù Cà làm Chủ tịch Hội Nông dân xã, thì có tới 10 năm thâm niên trực tiếp làm công việc nhận ủy thác vốn vay chính sách tại 9 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở 8 bản, triển khai 6 chương trình cho vay tín dụng.
Các hộ trong xã Thu Lũm vay vốn chính sách chủ yếu để đầu tư nuôi trâu, chăm sóc rừng thảo quả... Nhiều hộ thoát nghèo vươn lên khá giả như gia đình ông Lỳ Po ở bản Loong La...
Hay như ông Nguyễn Văn Cầu, Chi hội trưởng nông dân kiêm Tổ trưởng tổ vay vốn ở thôn An Vinh 2, xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn, Bình Định hơn 10 năm qua đã tích cực đưa đồng vốn chính sách xã hội đến với người dân nghèo. Tổ vay vốn do ông Cầu làm Tổ trưởng có 50 thành viên với dư nợ hơn 1,2 tỷ đồng.
Nhiều trường hợp thoát nghèo bền vững do ông Cầu tư vấn và hỗ trợ là hộ ông Phạm Văn Cu, bà Trần Thị Định, Trần Thị Dạt…
Nhận ủy thác vốn tín dụng ưu đãi góp phần giúp cán bộ Hội các cấp nắm bắt và phản ánh kịp thời những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, bức xúc của hội viên để từ đó đề xuất, kiến nghị Đảng, Nhà nước điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới chính sách. Thông qua đó, hệ thống tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, các phong trào sát hơn với thực tiễn, đáp ứng được nhu cầu của hội viên, nông dân.