Quỹ HTND Hải Dương: Điểm tựa về vốn giúp hội viên, nông dân làm giàu
16:00 - 27/09/2018
(Quỹ HTND) – Thời gian qua, xác định tầm quan trọng và ý nghĩa của nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân (Quỹ HTND), Ban Thường vụ tỉnh Hội tập trung chỉ đạo các cấp Hội tổ chức triển khai thực hiện tốt chỉ tiêu được giao về xây dựng, phát triển và quản lý nguồn vốn Quỹ HTND.
|
Nguồn vốn ưu đãi của Quỹ HTND các cấp được giải ngân cho hội viên, nông dân vay để đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi đem lại giá trị kinh tế cao |
Đã có 12/12 đơn vị Hội cấp huyện ra quyết định thành lập Quỹ HTND và tổ chức kiện toàn Ban điều hành, Ban kiểm soát Quỹ với số lượng từ 3- 4 người/ đơn vị; có 12/12 huyện, thành phố, thị xã đã hoàn thành xong việc đăng ký, khắc dấu Quỹ HTND cùng cấp, đạt 100%.
Đến nay, toàn tỉnh có 12/12 huyện, thành phố, thị xã và 259/259 cơ sở có Quỹ (đạt 100%), với tổng số tiền đạt 50,74 tỷ đồng, tăng 4,13 tỷ đồng so với cuối năm 2017. Trong đó: Quỹ cấp tỉnh 30,8 tỷ đồng (tăng 2 tỷ đồng); Quỹ cấp huyện 6,65 tỷ đồng (tăng 0,5 tỷ đồng); Quỹ cấp cơ sở 13,29 tỷ đồng (tăng 1,63 tỷ đồng). Riêng đối với nguồn vốn Quỹ cấp xã vận động được hiện đang do Hội ND xã trực tiếp quản lý. Mức tăng trưởng nguồn vốn của Quỹ HTND hàng năm đạt từ 20% trở lên.
Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các cấp Hội trong tỉnh đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền cùng cấp quan tâm, trích từ nguồn ngân sách bổ sung vốn sang cho Quỹ HTND. Đã có 12/12 UBND cấp huyện trích ngân sách bổ sung cho Quỹ HTND cùng cấp được 2.340 triệu đồng; 75/259 UBND xã trích ngân sách bổ sung cho Quỹ cấp cơ sở được 468,7 triệu đồng.
Có 8/12 đơn vị Hội cấp huyện xây dựng được nguồn Quỹ HTND đạt mức trên 500 triệu đồng, gồm các huyện: Nam Sách, Kinh Môn, Thanh Hà, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Ninh Giang, thành phố Hải Dương và thị xã Chí Linh. Nhiều Hội cấp cơ sở cũng có nguồn vốn Quỹ HTND đạt cao như: Xã Tân Hương (huyện Ninh Giang) 128,6 triệu đồng; xã Đồng Tâm (huyện Ninh Giang) 104,9 triệu đồng; xã Tân Việt (huyện Thanh Hà) 120,3 triệu đồng; xã Thạch Khôi (thành phố Hải Dương) 111,4 triệu đồng; xã Hưng Đạo (huyện Tứ Kỳ) 103,0 triệu đồng. Một số đơn vị cũng chủ động, tích cực trong việc vận động xây dựng nguồn Quỹ HTND như Hội ND các huyện: Kim Thành, Ninh Giang, Bình Giang, Kinh Môn…
Kết quả, tính đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND do các cấp Hội ND trong tỉnh quản lý đạt 65,663 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên, các cấp Hội đã tiến hành giải ngân cho 4.018 hộ vay (đạt 99,6% so với tổng nguồn vốn). Trong đó: Trung ương Hội ủy thác 15,2 tỷ đồng cho 536 hộ vay ở 27 dự án; Quỹ cấp tỉnh là 30,8 tỷ đồng cho 1.536 hộ vay ở 77 dự án nhóm hộ; Quỹ cấp huyện và cơ sở là 19,663 tỷ đồng cho 1.946 hộ vay ở 259 cơ sở.
Công tác quản lý cho vay và thu hồi vốn Quỹ luôn được các cấp Hội tập trung chỉ đạo thực hiện theo đúng hướng dẫn. Đồng thời, nguồn vốn Quỹ HTND của tỉnh và Trung ương ủy thác 100% được cán bộ Hội ND tỉnh trực tiếp giám sát việc giải ngân; do vậy, nguồn vốn vay Quỹ HTND đảm bảo không bị tồn đọng, không có nợ quá hạn.
Số tiền giải ngân cho hội viên, nông dân vay đã được đầu tư vào nhiều ngành nghề và lĩnh vực sản xuất khác nhau. Cụ thể: Trồng trọt chiếm tỷ lệ 35%; chăn nuôi 17%; thủy sản 34%; ngành nghề và dịch vụ 14%.
Đối với nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương ủy thác được cho vay 100% theo dự án xây dựng mô hình phát triển kinh tế hợp tác; theo đó, mỗi dự án được đầu tư từ 500- 1.500 triệu đồng trong thời gian từ 18- 36 tháng. Đối với nguồn vốn do Hội cấp tỉnh quản lý được cho vay 100% theo nhóm hộ đầu tư phát triển sản xuất trong các lĩnh vực như: Ngành nghề, dịch vụ, chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt...; mỗi nhóm hộ được đầu tư từ 300- 400 triệu đồng với thời gian vay 24 tháng. Nguồn vốn ở cấp huyện và cơ sở được cho vay theo hình thức nhóm hộ liên kết sản xuất hoặc tín dụng vi mô, với thời gian vay vốn từ 12- 24 tháng.
Đáng chú ý, để tăng hiệu quả nguồn vốn vay, Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh còn gắn việc cho vay vốn Quỹ HTND với hướng dẫn hội viên, nông dân thành lập các tổ, nhóm liên kết thực hiện sản xuất theo chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, Hội còn đứng ra phối hợp tổ chức dạy nghề, tập huấn khoa học kỹ thuật, cung ứng vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi... Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trên đã giúp các hộ sử dụng nguồn vốn vay đạt hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Cụ thể, hàng năm, các cấp Hội đã tổ chức cung ứng 7.216 tấn phân bón trả chậm cho nông dân, cung ứng gần 300 tấn thức ăn thủy sản cho các thành viên câu lạc bộ nuôi thủy sản.
Việc vận động nông dân đã được đào tạo nghề liên kết với nhau để thành lập các Hợp tác xã, tổ nhóm nông dân liên kết sản xuất rồi Hội rót vốn vay Quỹ HTND được xem là cách làm bài bản. Qua đó, tạo nên mối liên kết chặt chẽ, gắn bó giữa nông dân với nông dân để hoạt động sản xuất đem lại hiệu quả; mối liên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp để giúp cho nông sản có đầu ra tốt và ổn định. Đây chính là một điểm sáng của tỉnh Hội trong các hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân thời gian qua.
Đến nay, các cấp Hội ND trong tỉnh đã xây dựng được tổng số 312 HTX nông, lâm nghiệp và thủy sản, 9 tổ hợp tác, 386 trang trại và 640 gia trại. Nhiều mô hình kinh tế tập thể đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, bình quân mỗi mô hình đem lại nguồn thu nhập ổn định từ 200 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/năm.
Nhiều địa phương đã thành lập được các Câu lạc bộ, Tổ hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch các vùng sản xuất ở một số địa phương. Tiêu biểu như: Mô hình thâm canh trồng cây ăn quả tại xã Tân Việt (huyện Thanh Hà); nuôi thủy sản ở xã Hưng Đạo (huyện Tứ Kỳ), xã Đoàn Kết (huyện Thanh Miện); trồng cây rau màu chuyên canh cho giá trị kinh tế cao ở xã Đoàn Thượng (huyện Gia Lộc); Tổ liên kết sản xuất giống cà chua ghép trên gốc cà pháo ở xã Thượng Đạt (thành phố Hải Dương).
Không chỉ tập trung phát triển nguồn vốn vay, công tác tập huấn nghiệp vụ cũng luôn được các cấp Hội trong tỉnh quan tâm, chỉ đạo sát sao. Ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Hội từ tỉnh đến cơ sở; đồng thời, chỉ đạo Hội ND các huyện tổ chức tập huấn nghiệp vụ Quỹ HTND cho cán bộ các cơ sở gắn với nội dung tập huấn nghiệp vụ công tác Hội. Kết quả, Hội ND tỉnh đã phối hợp với Ban Điều hành Quỹ HTND Trung ương tổ chức 01 lớp tập huấn nghiệp vụ Quỹ cho 289 cán bộ Hội từ cấp tỉnh đến cơ sở.
Trong năm, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã phối hợp với đoàn kiểm tra của Ban điều hành Quỹ HTND Trung ương tiến hành kiểm tra tại 01 cơ sở Hội. Hội ND cấp huyện cũng tổ chức kiểm tra được 116 cuộc. Hội ND các huyện còn phối hợp với các ngân hàng thành lập đoàn đi kiểm tra ở 998 chi Hội, tổng hợp và báo cáo kết quả về Hội ND tỉnh.
Qua kiểm tra cho thấy, nguồn vốn Quỹ do tỉnh Hội quản lý được sử dụng đúng mục đích, đúng nguyên tắc, hạn chế tối đa tình trạng tồn đọng Quỹ, quá trình giải ngân tiến hành nhanh gọn; 100% số hộ vay vốn đảm bảo đúng đối tượng, không có tình trạng vay giúp nhau, các hộ vay đều có hợp đồng vay vốn hoặc sổ tiết kiệm. Hội ND cấp cơ sở quản lý tốt nguồn vốn vay, thực hiện tốt hướng dẫn của tỉnh Hội về việc quản lý, sử dụng các nguồn phí ủy thác, hoa hồng; đồng thời trích từ nguồn phí thu được bổ sung vào Quỹ Hội, Quỹ HTND đều đặn, thường xuyên theo đúng quy định. Nhiều huyện, thành phố, thị xã đã tích cực tham mưu cho cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương cùng cấp đưa vào kế hoạch để trích ngân sách bổ sung nguồn vốn cho Quỹ HTND mức từ 10 – 200 triệu đồng/năm.
Việc cho vay vốn Quỹ HTND gắn với tập huấn, hướng dẫn nông dân sản xuất đã tác động đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế (trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề, dịch vụ...); phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương; giúp tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện được đời sống cho nông dân… Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và xây dựng nông thôn mới.
Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án “Xây dựng phát triển Quỹ HTND đến năm 2020”, các cấp Hội trong tỉnh sẽ tiếp tục chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền hàng năm trích ngân sách bổ sung cho Quỹ HTND cùng cấp; thường xuyên tổ chức vận động, xây dựng Quỹ và thực hiện tiết kiệm chi tiêu bổ sung vốn cho Quỹ HTND nhằm phát triển và nâng cao nguồn vốn.
Thu Bình