Quỹ HTND Hà Tĩnh: Giúp hội viên, nông dân thoát nghèo
09:00 - 30/07/2018
(Quỹ HTND) – Thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ kịp thời của nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) các cấp, nhiều hội viên, nông dân trong tỉnh đã được trợ lực để tập trung đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp. Cũng từ đây đã góp phần phát triển các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả được các cấp Hội chỉ đạo nhân rộng.

Nhiều dự án trồng cây ăn quả nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Quỹ HTND trên địa bàn đã đem lại hiệu quả kinh tế


 
Bên cạnh việc kiện toàn, hoàn thiện tổ chức Quỹ HTND các cấp theo đúng hướng dẫn của Trung ương, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã đề nghị và được UBND tỉnh đồng ý cấp bổ sung tăng trưởng nguồn Quỹ HTND mức 2 tỷ đồng/năm. Hội ND các huyện, thành, thị xã cũng tích cực tham mưu, đề xuất với UBND cùng cấp định kỳ hàng năm cân đối ngân sách địa phương để bổ sung nguồn cho Quỹ HTND cùng cấp. Qua đó, ngày càng giúp cho nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

 
Kết quả, tính đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đang quản lý 26,5 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ủy thác của Trung ương là 13,6 tỷ đồng, nguồn tỉnh cấp bổ sung từ ngân sách 5,5 tỷ đồng, nguồn cấp huyện 6 tỷ đồng, nguồn vận động từ cấp xã chuyển lên trên đạt 1,4 tỷ đồng.

 
Từ nguồn vốn trên, Hội ND tỉnh đã tiến hành giải ngân cho 1.050 lượt hộ vay để thực hiện 105 dự án. Cụ thể: 95 dự án chăn nuôi (chiếm 90,4%); 02 dự án thủy sản; 08 dự án trồng cây ăn quả. Các cấp Hội đã triển khai chặt chẽ việc thẩm định và xây dựng dự án đi đôi với xây dựng mô hình đúng quy trình, do đó đã hạn chế được tình trạng tồn đọng nguồn vốn. Qua kiểm tra, đánh giá cho thấy, nguồn vốn vay được hội viên, nông dân sử dụng đúng mục đích, các dự án đều đã phát huy hiệu quả kinh tế.

 
Thông qua nguồn vốn đã xuất hiện nhiều mô hình điển hình như: Mô hình chăn nuôi bò sinh sản tại xã Cẩm Lạc và Cẩm Sơn- huyện Cẩm Xuyên, xã Tượng Sơn- huyện Thạch Hà, xã Kỳ Trung- huyện Kỳ Anh; mô hình chăn nuôi lợn liên kết tại các xã Hương Minh, Sơn Thọ, Đức Lĩnh thuộc địa bàn huyện Vũ Quang... 

 
Đến nay, trên địa bàn không có tình trạng nợ quá hạn, việc thu hồi vốn và phí được triển khai theo đúng quy định. Nhiều mô hình không chỉ đem lại nguồn thu nhập cao mà còn tạo thêm việc làm cho các lao động ngay tại nông thôn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

 
Một tấm gương trong làm ăn giỏi trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên là gia đình chị Dương Thị Hoa ở thôn Ái Quốc, xã Cẩm Duệ với hướng đầu tư phát triển kinh tế theo mô hình gia trại, trang trại nuôi lợn và vịt đem lại hiệu quả. Chị Hoa cho biết: Gia đình chị có hơn 1,5 ha đất nằm ở gần bờ đê nên rất thuận lợi cho việc chăn nuôi. Được hỗ trợ vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn của Quỹ HTND huyện, anh chị đã tập trung chăn nuôi đàn lợn và vịt đẻ trứng. Sau 4 năm chăm chỉ làm ăn, đến nay, trang trại của gia đình chị đã có 5.000 con vịt đẻ trứng và hơn 100 con lợn.

 
Như vậy, từ hoàn cảnh khó khăn, được hỗ trợ vay vốn làm ăn, chị Hoa không chỉ thoát nghèo mà mỗi năm, gia đình chị còn thu về mức lợi nhuận từ 400- 450 triệu đồng. Không chỉ tập trung chăm lo phát triển kinh tế gia đình, chị Hoa còn tích cực tham gia đóng góp ủng hộ trở lại cho Quỹ HTND để giúp tạo nguồn vốn hỗ trợ các hội viên, nông dân nghèo khác; ngoài ra, trang trại của gia đình chị còn giải quyết công ăn việc làm cho 4 lao động tại chỗ ở địa phương.

 
Đáng chú ý, từ việc vay vốn Quỹ HTND, các hộ đã biết liên kết, tập hợp thành các nhóm hộ, Tổ hợp tác, Hợp tác xã để cùng liên kết sản xuất, chăn nuôi theo chuỗi giá trị. Đồng thời, nhờ vào việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp trên địa bàn còn giúp nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như gia tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

 
Bên cạnh đó, việc Quỹ HTND cho vay vốn theo dự án còn giúp các cấp Hội lồng ghép tốt hơn những hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân như: Tư vấn, dịch vụ, dạy nghề… nhằm phát huy tối đa hiệu quả kinh tế và xã hội của các mô hình sản xuất; góp phần làm thay đổi cả về nhận thức, tư duy sản xuất của hội viên, nông dân, chuyển từ phương thức làm ăn nhỏ lẻ, manh mún như cách làm cũ để dần tiến tới sự liên kết, hợp tác với nhau nhằm xây dựng các hình thức làm ăn kinh tế tập thể.

 
Điển hình như trên địa bàn huyện Can Lộc, gia đình anh Nguyễn Văn Hải ở thôn Đông Lĩnh, xã Yên Lộc là một trong số 06 hộ dân sớm được tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ của Quỹ HTND ngay từ đầu năm 2016. Anh Hải chia sẻ: Với hướng đầu tư tập trung cho dự án nuôi bò chất lượng cao, anh cùng với 5 thành viên khác trong Hợp tác xã được duyệt vay 100 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND huyện để xây dựng chuồng trại và mua con giống.
 

Đến nay, đàn bò sinh sản đã sinh trưởng và phát triển tốt, lên tới hơn 50 con bê và bò. Sau khi bán bớt một số bê con để trả nợ, số còn lại được anh Hải cùng các hộ thành viên khác trong Hợp tác xã giữ lại tiếp tục chăm sóc, đồng thời đầu tư mở rộng thêm chuồng trại để phát triển nghề chăn nuôi bò sinh sản, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
 

Hay như gia đình anh Nguyễn Quang Hùng ở xã Thượng Lộc- huyện Can Lộc cũng là một trong những hộ dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Quỹ HTND. Vào năm 2015, nhận thấy điều kiện tự nhiên, đất đai đồi núi rất phù hợp với việc trồng các loại cây có múi, được sự hỗ trợ từ Quỹ HTND huyện, anh đã mạnh dạn đầu tư, phát triển mô hình trồng cam và bưởi. Hiện nay, trên khu vườn của gia đình, anh Hùng tập trung trồng và chăm sóc hơn 100 gốc bưởi cùng 80 gốc cam các loại; mỗi vụ thu hoạch cũng giúp mang về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng cho gia đình anh.

 
Quỹ HTND còn góp phần phát huy tối đa các thế mạnh riêng có trong lĩnh vực nông nghiệp của mỗi địa phương. Chẳng hạn như các mô hình: Chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò) ở các huyện miền núi; chăn nuôi lợn, gà thương phẩm ở các huyện đồng bằng; mô hình nuôi thủy sản, cây, con đặc sản ở các huyện ven biển...

 
Thậm chí, có một số mô hình ban đầu mới chỉ là các chi Hội nghề nghiệp, nhóm nông dân liên kết thì nay đã vươn lên trở thành các Hợp tác xã kiểu mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Có những mô hình đã bước đầu hình thành chuỗi sản phẩm và ngành hàng có sự liên kết giữa nông dân với nông dân hay giữa nông dân với doanh nghiệp và đang được tác động thêm bởi các chính sách hỗ trợ của địa phương. Điển hình như: Mô hình nuôi bò ở huyện Hương Khê; nuôi hươu lấy nhung của huyện Hương Sơn...

 
Song song với nguồn vốn vay từ Quỹ HTND, các cấp Hội trong tỉnh còn chủ động, tích cực phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn nhằm tận dụng tối đa các nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ cho hội viên, nông dân phát triển sản xuất. Hiện, dư nợ của ngân hàng Nông nghiệp & PTNT đạt 1.924,827 tỷ đồng, đang cho 32.930 thành viên vay; dư nợ tại ngân hàng Chính sách xã hội đạt 1.566,629 tỷ đồng, cho 44.637 hộ vay. Ngoài ra, các cấp Hội còn quản lý nguồn vốn giải quyết việc làm 2 tỷ đồng; giải ngân các dự án phát triển nghề với số tiền 2,3 tỷ đồng.

 
Có thể thấy, Quỹ HTND thực sự đã trở thành điểm tựa giúp hội viên, nông dân phát triển kinh tế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống. Thông qua đó, Quỹ HTND còn tạo điều kiện cho các cấp Hội ND trong tỉnh đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tập hợp đông đảo hội viên, nông dân; phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi các chương trình phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước đối với phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.


 

Thúy An
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng