Đăk Lăk: “Đòn bẩy” giúp thoát nghèo từ các nguồn vốn vay ưu đãi
08:54 - 31/05/2018
(Quỹ HTND) – Những năm qua, để tạo thêm nguồn vốn hỗ trợ hội viên, nông dân nghèo trong tỉnh vươn lên làm ăn, cải tạo sinh kế, công tác phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn luôn được các cấp Hội trong tỉnh quan tâm và tích cực đẩy mạnh. Nhờ kênh vốn ưu đãi này đã tạo điều kiện cho hàng nghìn lượt hội viên, nông dân tiếp cận được những chính sách mới nhanh chóng, thuận lợi; các nguồn vốn vay thực sự trở thành “đòn bẩy” giúp bà con thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
|
Nguồn vốn được khơi thông giúp hội viên, nông dân trên địa bàn cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống |
Nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả các nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ, ngay từ đầu năm, Hội ND tỉnh đã chủ động giao chỉ tiêu chất lượng hoạt động ủy thác cho các huyện, thị, thành và cơ sở Hội làm tiêu chí đánh giá bình xét xếp loại thi đua; đồng thời thường xuyên có văn bản đôn đốc, nhắc nhở các cấp Hội thực hiện tốt 3 nội dung nhận ủy thác với ngân hàng CSXH cùng cấp. Trong công tác quản lý và điều hành từ tỉnh đến cơ sở luôn có sự phân công cán bộ lãnh đạo phụ trách và ít nhất có 01 cán bộ chuyên trách theo dõi chương trình nhận ủy thác cho vay vốn.
Đến nay, toàn bộ Hội ND cấp huyện, thị xã và 184/184 cơ sở Hội của tỉnh đã ký kết xong việc nhận ủy thác với các phòng giao dịch ngân hàng CSXH cùng cấp. Qua các năm, nguồn vốn ưu đãi ủy thác từ ngân hàng CSXH qua kênh của Hội ND liên tục tăng trưởng. Hiện tổng dư nợ vốn vay trong toàn tỉnh đạt hơn 1.309 tỷ đồng thông qua 1.419 Tổ TK&VV với 52.982 thành viên tham gia; tỷ lệ tăng trưởng dư nợ ủy thác của các cấp Hội ND là 6%. Trong khi đó, tỷ lệ nợ quá hạn trên địa bàn ngày càng giảm xuống, nếu như năm 2005 là 8,96% thì đến cuối năm 2017 chỉ còn 0,21%.
Công tác củng cố chất lượng Tổ TK&VV được thực hiện thường xuyên và liên tục. Các cấp Hội đã tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV; tích cực phối hợp với ngân hàng CSXH thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá phân loại chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV để có giải pháp củng cố, kiện toàn đối với những Tổ xếp loại trung bình, yếu kém.
Bên cạnh đó, hoạt động tiền gửi tiết kiệm cũng nhận được sự hưởng ứng của đông đảo hội viên, nông dân. 100% Tổ TK&VV có hoạt động tiết kiệm, số thành viên tham gia tiết kiệm tự nguyện hàng tháng đạt cao với tỷ lệ 90%; 100% thành viên dư nợ vốn vay có số dư tiền gửi tiết kiệm với mức bình quân 88.000 đồng/thành viên/tháng. Bình quân số tiền gửi tiết kiệm ở mỗi Tổ TK&VV là 37 triệu đồng; như vậy tính đến hết năm 2017, số dư tiền gửi tiết kiệm thông qua các Tổ TK&VV đạt 7,6 tỷ đồng, chiếm 4,2% tổng dư nợ.
Đáng chú ý, tỉnh Hội đã chỉ đạo xây dựng Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả cho vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm” thông qua kênh cho vay ủy thác với Hội ND. Hiện đã xây dựng thành công và có hiệu quả 02 mô hình điểm vay vốn giải quyết việc làm tại xã Tam Giang- huyện Krông Năng và xã Ea B’Hốc- huyện Cư Kuin.
Trong năm 2017, Hội ND tỉnh kiểm tra, giám sát 15/15 huyện, 40% xã, 103 Tổ TK&VV và 66 hộ vay; Hội cấp huyện kiểm tra, giám sát 100% Hội ND xã và 45% Tổ TK&VV; cấp xã kiểm tra, giám sát 100% Tổ TK&VV và 20% hộ vay.
Ban điều hành Quỹ cấp tỉnh đã chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Hội ND tỉnh ký kết Thỏa thuận liên ngành với 02 chi nhánh Agribank Đắk Lắk và Buôn Hồ; đồng thời tham mưu cho Ban thường vụ ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị, thành Hội tổ chức thực hiện đầy đủ những nội dung đã thỏa thuận về trách nhiệm và quyền lợi của mỗi bên.
Hội ND tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch tập huấn, hướng dẫn quy trình thành lập Tổ vay vốn và nghiệp vụ cho vay vốn tại 4 huyện: Krông Búk, Ea H’Leo, Cư Kuin, Cư M’gar được chọn làm điểm. Hội cũng xây dựng, ban hành hướng dẫn quy trình thành lập Tổ vay vốn và nghiệp vụ cho vay vốn tại các huyện, thị, thành và cơ sở Hội thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các cấp Hội và hộ vay.
Kết quả, trong năm, 100% Hội ND cấp huyện ký kết xong thỏa thuận liên ngành với chi nhánh Agribank nơi cho vay. Hội ND tỉnh tiếp tục ký thỏa thuận liên ngành với chi nhánh Agribank Bắc Đắk Lắk. Đến nay, các cấp Hội trong tỉnh đã thành lập, củng cố và kiện toàn xong 94 Tổ vay vốn với 1.242 thành viên; dư nợ đạt 84 tỷ đồng, tăng 233% so với cùng kỳ năm 2016.
Nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với ngành chức năng, các công ty, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hỗ trợ nông dân tổ chức tập huấn, tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hàng trăm nghìn lượt hộ hội viên, nông dân được hưởng lợi từ nguồn vốn uỷ thác của các ngân hàng trên địa bàn. Ngoài ra, Hội cũng phối hợp với các ngân hàng thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ ủy thác nguồn vốn vay cho các cán bộ được phân công quản lý, theo dõi chương trình ủy thác, Tổ trưởng Tổ TK&VV và Tổ vay vốn.
Từ các nguồn vốn này, hội viên, nông dân có điều kiện đầu tư mua cây con giống, xây dựng chuồng trại, chăm sóc cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả. Đa số hội viên tham gia thực hiện dự án vay vốn đều có ý thức xây dựng mô hình, sử dụng vốn đúng mục đích nhằm phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn; đồng thời, có trách nhiệm hoàn trả vốn vay khi đến hạn đúng quy định.
Nhờ được hỗ trợ kịp thời về vốn, nhiều hộ nông dân đã đẩy mạnh phát triển sản xuất, có nguồn thu nhập ổn định. Một số dự án triển khai trên địa bàn đạt hiệu quả kinh tế, khi được nhân rộng quy mô sản xuất đã giúp giải quyết nhiều công lao động nhàn rỗi cho hội viên, nông dân.
Điển hình như mô hình trồng tiêu áp dụng kỹ thuật mới của gia đình chị Hoàng Thị Thương ở thôn 1, xã Ea Lai- huyện M'Đrắk. Được vay vốn hỗ trợ, chị Thương đầu tư mua thêm cây giống, phân bón và xây trụ trồng tiêu. Đến nay, gia đình chị đã có vườn tiêu với quy mô 900 gốc tiêu từ năm thứ nhất đến năm thứ ba; trong đó, có 500 gốc tiêu kinh doanh mang lại nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng/năm cho gia đình chị, đời sống dần được cải thiện.
Hay như gia đình anh Trần Đình Dũng ở thôn 10, xã Ea Lai từng là hộ nghèo trong nhiều năm, nhờ được Hội ND xã đứng ra tín chấp vay vốn nay đã thoát nghèo và vươn lên khá giá. Có vốn, anh Dũng đầu tư xây dựng mô hình VAC. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, mô hình của anh gồm: 1.000 m2 đất ruộng, vườn tiêu cho thu hoạch khoảng trên 1 tấn tiêu khô/năm, 500 m2 ao nuôi cá, ngoài ra chăn nuôi thêm heo, gà… Hiện tổng thu nhập của gia đình anh đạt khoảng 300 triệu đồng/năm.
Nhằm tận dụng và khai thác tối đa các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có ở địa phương (diện tích mặt nước, nguồn thức ăn xanh…) ông Ngô Văn Ngọc ở thị trấn Buôn Trấp- huyện Krông Ana đã thực hiện thành công mô hình nuôi cá nước ngọt gắn với dịch vụ hồ câu. Mô hình của gia đình ông đã và đang đem lại nguồn thu nhập đáng kể từ việc bán cá cho các khách hàng đến câu.
Với những kiến thức tích lũy được từ thực tế và qua các buổi tập huấn do Hội ND tổ chức, khi được hỗ trợ thêm nguồn vốn vay, ông Ngọc đã đầu tư mở rộng diện tích ao cá lên hơn 3.000 m² để nuôi các loại cá như: Trắm cỏ, chép, mè, thác lác, rô phi... Nhờ tuân thủ đúng theo quy trình kỹ thuật nên các loại cá của gia đình ông nuôi lớn nhanh, ít bị nhiễm bệnh. Việc nuôi cá bắt đầu đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, mỗi năm, ông xuất bán 1 lứa cá với khoảng 8 tấn cá thịt; ngoài ra, mở thêm dịch vụ hồ câu cũng giúp ông có một nguồn thu ổn định hàng năm.
Đáng chú ý, nhiều dự án sau khi triển khai đã xây dựng được các mô hình nhóm sản xuất, kinh doanh. Từ đó, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân, chuyển đổi từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm, tổ. Điển hình như: Mô hình chăn nuôi bò bán công nghiệp tại xã Ea Riêng và xã Ea Pil- huyện M'Đrắk; mô hình trồng cây ăn quả công nghệ cao tại xã Cư Prao- huyện M'Đrắk...
Có thể thấy, việc nhận ủy thác với các ngân hàng đã giúp tạo dựng niềm tin cho cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh; thu hút nhiều hội viên, nông dân tham gia vào tổ chức Hội. Dịch vụ vay vốn thuận lợi, an toàn, nhanh chóng, giảm thời gian giao dịch cũng như tiết kiệm chi phí đi lại của hộ vay. Việc cho vay vốn thông qua các Tổ TK&VV và Tổ vay vốn còn làm tăng thêm sự đoàn kết, gắn bó tình làng nghĩa xóm; giúp các hộ vay hình thành thói quen tiết kiệm và tăng cường trách nhiệm cộng đồng trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh…
Thúy Huyền