Quỹ HTND Quảng Trị: “Phao cứu sinh” hiệu quả của hội viên, nông dân nghèo
09:07 - 27/04/2018
(Quỹ HTND) - Những năm qua, đối với nhiều hội viên, nông dân nghèo trên địa bàn, kênh vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) thực sự trở thành chiếc “phao cứu sinh” giúp người dân vượt khó, vươn lên thoát khỏi nghèo đói. Với mức lãi suất thấp, nguồn vốn vay từ Quỹ rất phù hợp để giúp các hộ mới khởi nghiệp xây dựng những mô hình chăn nuôi, trồng trọt vừa và nhỏ.

Được hỗ trợ về vốn, tập huấn khoa học kỹ thuật giúp nhiều mô hình làm ăn của hội viên, nông dân đem lại hiệu quả


 
Đến nay, tổng nguồn Quỹ HTND trong toàn tỉnh đạt gần 18 tỷ đồng. Trong đó: Nguồn do Trung ương ủy thác 8.833 triệu đồng (chiếm 49,1% tổng nguồn); Quỹ cấp tỉnh 3.101 triệu đồng (đạt 17,3%); Quỹ cấp huyện quản lý 6.031 triệu đồng (đạt 33,6%).

 
Giai đoạn 2012- 2017, Ban Điều hành Quỹ HTND Trung ương đã ủy thác cho Hội ND tỉnh 45 dự án, cho 513 hộ vay để phát triển sản xuất. Qua khảo sát, 100% dự án đều đã cho vay đúng đối tượng; các hộ vay có ý thức sử dụng vốn đúng mục đích và đem lại hiệu quả; trên địa bàn không có tình trạng nợ gốc, nợ phí hay xâm tiêu, chiếm dụng vốn...

 
Hiện Quỹ HTND Trung ương còn đang dư nợ 9.076 triệu đồng, cho vay tại 30 dự án với 272 hộ vay. Nguồn Quỹ HTND cấp tỉnh có dư nợ 3.200 triệu đồng, quay vòng triển khai 40 dự án với 95 hộ vay, qua đó giúp giải quyết việc làm cho trên 300 lao động. Quỹ HTND cấp huyện còn dư nợ 5.611 triệu đồng, với mức cho vay từ 10- 50 triệu đồng/dự án, đã giúp đỡ giải quyết cho 850 hộ nông dân trên địa bàn phát triển sản xuất.

 
Bên cạnh đó, các cấp Hội còn tích cực phối hợp với ngân hàng CSXH thực hiện ủy thác nguồn vốn chính sách tín dụng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, tổng dư nợ của 16 chương trình đang triển khai trên địa bàn đạt 750,377 tỷ đồng, thông qua 645 Tổ TK&VV với 23.018 hộ thành viên tham gia vay. Nhờ triển khai có hiệu quả nguồn vốn, đã có 644/645 Tổ TK&VV với 21.835 hộ vay tích cực thực hiện tốt việc huy động gửi tiền tiết kiệm với số dư 19,857 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 95%).

 
Đối với việc triển khai các hoạt động tín dụng theo Nghị định số 55 của Chính phủ, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo 9/9 huyện, thị, thành Hội tập trung đẩy mạnh tuyên truyền cho hội viên, nông dân nắm được; đồng thời, phối hợp với các chi nhánh ngân hàng NN&PTNT cùng cấp thành lập các Tổ vay vốn. Đã có 72/141 cơ sở thành lập được Tổ vay vốn. Tính đến nay, các cấp Hội trong tỉnh đang quản lý 270 Tổ vay vốn với 10.132 hộ tham gia, dư nợ đạt 499,093 tỷ đồng (tăng 3.565 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2016). 
 

Để đảm bảo nguồn vốn vay phát huy hiệu quả, tất cả dự án trước khi cho vay đều được các cấp Hội tiến hành lựa chọn, kiểm tra, thẩm định chính xác. Mỗi khi kết thúc chu kỳ vay vốn, Hội đều có tổ chức việc tổng kết, đánh giá để rút kinh nghiệm.

 
Các cấp Hội còn thường xuyên chủ động phối hợp với ngành chức năng ở địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, dạy nghề, các buổi hội nghị đầu bờ có nội dung sát với thực tiễn tình hình của địa phương và đáp ứng nhu cầu của người dân.

 
Bước đầu, Quỹ HTND đã góp phần tạo nguồn vốn để giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất; tạo việc làm tại chỗ cho trên 4.500 lao động; giúp khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa phương… Từ nguồn vốn hỗ trợ kịp thời, nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững, trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
 

Điển hình như bà Lê Thị Tâm ở xã Cam Thành- huyện Cam Lộ. Trên diện tích 10 ha, từ nguồn vốn vay Quỹ HTND, gia đình bà đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín hiện đại nuôi 1.000 con lợn thịt, 30 lợn siêu nạc, 50 lợn nái rừng cùng vài ngàn con gia cầm. Một phần diện tích còn lại, bà Tâm cải tạo đào hồ để nuôi cá, trồng thanh long ruột đỏ, 3 ha trồng tràm và 1 ha trồng cỏ nuôi bò. Từ mô hình tổng hợp, doanh thu mỗi năm của gia đình bà đạt trên 1 tỷ đồng, trừ hết mọi chi phí còn thu lãi ròng 300 triệu đồng.

 
Hay như gia đình anh Nguyễn Văn Việt ở thôn Hắc Hiền, xã Vĩnh Thạch- huyện Vĩnh Linh, trước đây cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhờ nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ HTND, đến nay, gia đình anh đã có vườn tiêu xanh tốt với hơn 500 gốc, rừng cao su đã cho thu hoạch và ngôi nhà mới khang trang.

 
Đáng chú ý, các dự án cũng đã góp phần xây dựng nhiều mô hình hợp tác sản xuất trong hội viên, nông dân. Qua đó, giúp nâng cao nhận thức cho bà con về hiệu quả của việc liên kết, chuyển đổi mô hình sản xuất, các hộ biết hạch toán kinh tế hộ, biết tích lũy đầu tư sản xuất, tạo lợi nhuận, tăng thêm thu nhập.

 
Tại xã Vĩnh Thạch- huyện Vĩnh Linh, ngoài gia đình anh Việt, đã có 9 hộ trồng tiêu khác cũng được Hội tạo điều kiện giúp vay vốn từ Quỹ HTND; hiện các hộ đã liên kết lại với nhau trong cùng một nhóm để làm ăn. Hay như Tổ hợp tác nuôi cá vược lồng ở thị trấn Cửa Việt- huyện Gio Linh, với 11 hộ tham gia đã biết tận dụng và phát huy tốt lợi thế của địa phương nằm bên cửa biển, dọc theo bờ sông Thạch Hãn và sông Hiếu để tổ chức nuôi cá đạt kết quả cao…

 
Cùng có chung quyết tâm thoát nghèo, tất cả các thành viên khi tham gia vào nhóm liên kết đã luôn chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm làm ăn; tích cực chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; hỗ trợ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn… Nhờ vậy, các thành viên trong các tổ, nhóm liên kết đều đã vươn lên thoát nghèo, có của ăn, của để. Đến nay, không chỉ giúp đảm bảo cuộc sống gia đình, nhiều thành viên trong nhóm còn chung tay hỗ trợ các hộ dân khác về vốn, cây giống, kinh nghiệm sản xuất, đồng thời còn tạo thêm việc làm cho người lao động tại địa phương.

 
Có thể thấy, nguồn vốn từ Quỹ HTND đã phát huy được hiệu quả thiết thực, đặc biệt là đối với các mô hình phát triển kinh tế vừa và nhỏ. Quỹ giúp hội viên, nông dân trên địa bàn xây dựng, nhân rộng các mô hình, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững, thiết thực góp phần xây dựng nông thôn mới.


 

Văn Quý
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng