|
Ông Hoàng Văn Phúc - bản Phiêng Phát 2, xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên, Lai Châu vay vốn phát huy lợi thế từ cây chè San Tuyết để làm giàu. (Ảnh: Báo Lai Châu) |
Đến tháng 3/2018, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh Lai Châu đạt 31.630,675 triệu đồng. Trong đó, có 9.948 triệu đồng là vốn Trung ương ủy thác, vốn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh 21.682,675 triệu đồng.
Nguồn vốn trên đã giúp nhiều lượt hộ nông dân trong tỉnh được vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, không chỉ ổn định cuộc sống mà còn vươn lên làm giàu.
Ông Hoàng Văn Phúc - bản Phiêng Phát 2, xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên chia sẻ, được vay vốn từ nguồn Quỹ HTND, gia đình ông đã xây dựng được trang trại tổng hợp với 9ha chè; trồng và chăm sóc 200ha rừng phòng hộ; nuôi 25 con trâu và dê sinh sản. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu trên 100 triệu đồng.
Ngoài ra còn có các dự án khác như: Nuôi ngựa sinh sản tại phường Quyết Thắng, thành phố Lai Châu, được triển khai từ tháng 6/2017 - 6/2020 với số vốn 500 triệu đồng cho 10 hộ vay mua 26 con ngựa giống.
Sau 9 tháng đàn ngựa đã phát triển thêm 7 con và 9 con đang mang thai. Dự án Trồng, chăm sóc chế biến chè tại 2 phường: Quyết Thắng và Quyết Tiến (thành phố Lai Châu) với số vốn 1 tỷ đồng cho 34 hộ vay vốn đã góp phần nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm chè.
Dự án Trồng cây chanh đào tại xã Sơn Bình, huyện Tam Đường với số vốn ban đầu 500 triệu đồng được triển khai trong 5 năm (2015 – 2019) trên diện tích 7,3ha, hiện cây đang sinh trưởng, phát triển tốt, hơn 40% cây đã bói quả, bước đầu cho thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/hộ...
Cũng từ nguồn vốn hỗ trợ nông dân của Quỹ HTND tỉnh Lâm Đồng, 12 hộ nông dân tại xã Lộc Nga (TP Bảo Lộc) đã được vay 200 triệu đồng để chăm sóc cà phê cao sản.
Thời gian vay vốn là 2 năm, từ năm 2014 đến năm 2016. Đến nay, dự án này đã kết thúc và được đánh giá là đem lại hiệu quả khá cao. Từ nguồn vốn vay này, các hộ nông dân đã đầu tư, cải tạo 8 ha cà phê già cỗi, cho năng suất thấp sang các giống cà phê cao sản cho chất lượng cao.
Hiện, các vườn cà phê đã từng bước nâng cao năng suất từ 2,5 tấn/ha lên 3 tấn/ha. Hàng năm, giúp cho khoảng 20 lao động tại địa phương có thu nhập ổn định.
Qua mô hình này, Hội Nông dân xã Lộc Nga đã tổ chức 2 buổi tham quan và 3 cuộc hội thảo đầu bờ cho hơn 100 cán bộ, hội viên nông dân tham dự. Đã có 10 hộ dân tại địa phương học tập và làm theo mô hình của dự án.
Dự án cải tạo vườn măng tây xanh ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải, Ninh Phước, Ninh Thuận được đánh giá là một trong những mô hình hoạt động hiệu quả nhờ sự hỗ trợ từ Quỹ HTND.
Dự án chăm sóc vườn táo kết hợp với chăn nuôi cừu vỗ béo ở xã Nhơn Hải, Ninh Hải bước đầu cũng mang lại hiệu quả. Từ nguồn Quỹ HTND, Hội Nông dân tỉnh đã giải ngân 450 triệu đồng cho 15 nông hộ tham gia thực hiện Dự án.
Sau hai năm triển khai, năng suất, chất lượng táo đều đạt, đầu ra ổn định, đàn gia súc phát triển tốt. Sau khi trừ chi phí sản xuất, bình quân mỗi hộ thu được 100 triệu đồng/năm.
Có thể nói, bằng nguồn vốn hỗ trợ, Quỹ HTND trên cả nước đã tạo điều kiện giúp hội viên đầu tư, liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa, thay đổi tư duy phát triển kinh tế, mở ra hướng đi mới trên nhiều vùng quê.