Quỹ HTND Quảng Ngãi: Phát huy hiệu quả kênh vốn ủy thác qua các ngân hàng
16:00 - 29/08/2018
(Quỹ HTND) – Những năm qua, kênh vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng đã tạo điều kiện cho hàng nghìn lượt hội viên, nông dân tiếp cận nguồn vốn chính sách, trở thành “đòn bẩy”, giúp bà con nông dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
|
Nguồn vốn ưu đãi của các ngân hàng đã trở thành “đòn bẩy”, giúp bà con nông dân phát triển kinh tế |
Nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả các nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ, ngay từ đầu năm, Hội ND tỉnh đã chủ động giao chỉ tiêu chất lượng hoạt động ủy thác cho các huyện, thị, thành và cơ sở Hội và lấy đó làm tiêu chí để đánh giá, bình xét xếp loại thi đua. Đến nay, toàn bộ Hội ND cấp huyện, thị xã và 183/183 cơ sở Hội của tỉnh đã ký kết xong việc nhận ủy thác với các phòng giao dịch của ngân hàng CSXH cùng cấp, đạt 100%. Qua các năm, nguồn vốn ưu đãi ủy thác từ ngân hàng CSXH qua kênh của Hội ND liên tục tăng trưởng.
Tính đến hết tháng 5/2018, tổng dư nợ cho vay của các chương trình tín dụng chính sách trong toàn tỉnh đạt 975.540 triệu đồng, tăng 12.970 triệu đồng so với thời điểm đầu năm; thông qua 967 Tổ TK&VV với 31.787 thành viên tham gia (bình quân mỗi hộ được vay 31 triệu đồng). Trong khi đó, tỷ lệ nợ quá hạn trên địa bàn ngày càng giảm xuống (thời điểm hiện nay chỉ còn có 0,29%); trong đó, huyện đảo Lý Sơn và huyện vùng cao Tây Trà không có tình trạng nợ quá hạn.
Công tác củng cố chất lượng Tổ TK&VV được thực hiện thường xuyên và liên tục. Các cấp Hội đã tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV; đồng thời, tích cực phối hợp với ngân hàng CSXH thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, phân loại chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV trên địa bàn để kịp thời có giải pháp củng cố, kiện toàn đối với những Tổ xếp loại trung bình, yếu kém.
Bên cạnh đó, để tiếp tục chương trình phối hợp giữa Hội ND tỉnh với ngân hàng Nông nghiệp & PTNT tỉnh trong tổ chức thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ, các cấp Hội đã tích cực kiện toàn các Ban chỉ đạo.
Hiện toàn tỉnh có 12/14 Hội ND cấp huyện, thành phố đã ký xong Thỏa thuận liên ngành với chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp & PTNT cùng cấp (riêng 2 huyện Sơn Tây và Tây Trà không có chi nhánh ngân hàng cấp huyện trên địa bàn); có 166/183 Hội ND cấp cơ sở ký Thỏa thuận liên ngành với chi nhánh ngân hàng cấp huyện để cùng tham gia thực hiện một số khâu của nghiệp vụ tín dụng do phía ngân hàng ủy nhiệm.
Tổng dư nợ đối với các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đạt 1.374.468 triệu đồng (tăng so với đầu năm là 5.284 triệu đồng); đang triển khai cho vay ở 831 Tổ vay vốn với 23.400 hộ thành viên tham gia (bình quân mỗi hộ được xét vay 58,7 triệu đồng). Trong đó, một số huyện Hội đang có dư nợ cao như: Bình Sơn 344.390 triệu đồng; Đức Phổ 196.217 triệu đồng.
Nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với ngành chức năng, các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn cung ứng dịch vụ hỗ trợ nông dân như: Tổ chức tập huấn; tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ dịch vụ vật tư nông nghiệp… cho hàng trăm nghìn lượt hộ hội viên, nông dân được hưởng lợi từ nguồn vốn uỷ thác của các ngân hàng trên địa bàn. Ngoài ra, Hội cũng phối hợp với các ngân hàng thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ ủy thác nguồn vốn vay cho cán bộ được phân công quản lý, theo dõi chương trình ủy thác, Tổ trưởng Tổ TK&VV và Tổ vay vốn.
Từ các nguồn vốn này, hội viên, nông dân đầu tư mua cây con giống, xây dựng chuồng trại, chăm sóc cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả. Đa số hội viên tham gia thực hiện dự án vay vốn đều có ý thức xây dựng mô hình, sử dụng vốn đúng mục đích nhằm phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn; đồng thời, có trách nhiệm hoàn trả vốn vay khi đến hạn đúng quy định.
Từ đó, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi, điển hình như huyện Tư Nghĩa có các mô hình: Trang trại nuôi lợn thương phẩm áp dụng quy trình tiến bộ khoa học kỹ thuật đạt hiệu quả cao của gia đình ông Võ Văn Ngọc ở xã Nghĩa Điền; mô hình vườn- ao- chuồng của ông Nguyễn Xy và ông Bùi Thanh Tâm ở xã Nghĩa Thương; mô hình vườn ươm của ông Nguyễn Thanh Sơn ở xã Nghĩa Thuận; mô hình trồng cây dừa Thái Lan của ông Trần Phú Xuân ở xã Nghĩa Hòa…
Hay như tại huyện Ba Tơ, nhờ tiếp cận được nguồn vốn của chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp & PTNT tỉnh, đã có hàng ngàn hộ nông dân, nhất là bà con nông dân ở khu vực miền núi, là người dân tộc thiểu số được trợ giúp vốn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Điển hình như mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình anh Đỗ Văn Cảnh ở thôn Tân Long Hạ, xã Ba Động với cơ ngơi gồm: Trang trại nuôi lợn; nuôi 5 con bò giống; trồng 8 ha rừng; 1 hồ nuôi cá cùng vườn ươm keo giống. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình anh Cảnh thu về lợi nhuận gần 200 triệu đồng.
Không những giỏi làm ăn, trang trại của gia đình anh Cảnh còn giúp đỡ giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Anh Cảnh chia sẻ: Trước đây, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, đời sống gặp nhiều khó khăn. Kể từ khi có nguồn vốn hỗ trợ của Agribank, gia đình anh đã có thêm nguồn lực để đầu tư mô hình VAC hiệu quả, vươn lên thoát nghèo, thậm chí còn có tiền xây dựng ngôi nhà mới khang trang và nuôi các con ăn học, trưởng thành.
Mô hình kinh tế của gia đình chị Đinh Thị Thọ, người dân tộc Hre ở thôn Canh Mo- xã Sơn Nham- huyện Sơn Hà cũng nhờ có sự trợ giúp kịp thời của nguồn vốn chính sách đã đạt được hiệu quả kinh tế khá cao. Chị Thọ cho biết: Gia đình chị được xét vay 100 triệu đồng của ngân hàng Nông nghiệp & PTNT, chị tập trung nuôi bò, trồng keo, trồng sắn. Cũng từ nguồn vốn này, hiện nay, mô hình của gia đình chị đã phát triển thành đàn bò 10 con (có 5 con bò sinh sản); 5 ha rừng trồng keo, 1,5 ha sắn. Hàng năm, sau khi trừ hết các khoản chi phí, trả lãi ngân hàng, mô hình tổng hợp giúp gia đình chị thu nhập khoảng 200 triệu đồng tiền lãi.
Bên cạnh hoạt động vay vốn, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác nguồn vốn vay với các ngân hàng trên địa bàn cũng được các cấp Hội thực hiện nghiêm túc và thường xuyên. Do làm tốt công tác kiểm tra nên những năm qua, trên địa bàn tỉnh không để xảy ra các sai phạm trong thực hiện chương trình ủy thác vay vốn của ngân hàng CSXH.
Đặc biệt, Ban quản lý Tổ TK&VV đã chủ động xây dựng kế hoạch hàng tháng, quý, năm và thực hiện các nội dung theo đúng hợp đồng đã ký với phía ngân hàng. Hàng năm, Hội ND tỉnh còn phối hợp với các ngân hàng tổ chức tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện công tác uỷ thác vốn vay; khen thưởng các tập thể và cá nhân đã có thành tích trong công tác ủy thác và triển khai nhiệm vụ của năm tiếp theo; tổ chức giao ban định kỳ hàng quý theo đúng quy định.
Đội ngũ cán bộ Tổ TK&VV, Tổ vay vốn đều nhiệt tình, có kinh nghiệm trong công tác quản lý vốn, thường xuyên động viên các thành viên vay vốn triển khai các hoạt động sản xuất, làm ăn có hiệu quả; đôn đốc trả nợ gốc và lãi đúng thời gian quy định của Nhà nước. Hội ND tỉnh cũng thường xuyên tổng hợp các ý kiến của hội viên, nông dân, lấy đó làm cơ sở tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Đinh Duy Song cho biết: Nhờ nhận thức được tầm quan trọng của công tác ủy thác, không chỉ góp phần chuyển tải nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến từng hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn mà còn có tác động trực tiếp, lớn lao tới phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Cùng với việc tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, các cấp Hội cũng đã chú trọng xây dựng, củng cố chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV, Tổ vay vốn; lựa chọn đội ngũ cán bộ Hội có năng lực, nhiệt huyết làm Tổ trưởng các tổ vay vốn. Các cấp Hội còn thường xuyên phối hợp với các cấp chính quyền địa phương thường xuyên đi kiểm tra, giám sát việc vay vốn, sử dụng vốn vay của hội viên, nông dân để đảm bảo phát huy hiệu quả.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, các cấp Hội trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chương trình uỷ thác với hai ngân hàng trên địa bàn. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng tín dụng thực hiện 6 công đoạn uỷ thác của ngân hàng trong hoạt động tín dụng; tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân xây dựng các dự án, thành lập, củng cố các Tổ TK&VV để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Hội làm công tác uỷ thác. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời những tồn tại, thiếu sót trong quá trình nhận thực hiện uỷ thác, đảm bảo an toàn và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi đối với hội viên, nông dân.
Bình Phục