|
Nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân tích cực liên kết, hợp tác trong sản xuất hàng hóa để nâng cao giá trị sản phẩm, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã tập trung phát huy hiệu quả hoạt động các chi, tổ Hội ND nghề nghiệp gắn với cho vay vốn từ Quỹ HTND |
Hàng năm, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh cũng thường xuyên quan tâm, chỉ đạo việc kiện toàn bộ máy tổ chức Quỹ HTND các cấp theo hướng dẫn của Trung ương. Song song với đó, các cấp Hội chủ động tham mưu với UBND tỉnh và huyện để cấp bổ sung nguồn vốn từ ngân sách sang cho Quỹ HTND hoạt động.
Đến nay, có 11/11 huyện, thị xã, thành phố đã phê duyệt cấp kinh phí ngân sách cho Quỹ HTND năm 2023 đạt 2.380 triệu đồng, nâng tổng ngân sách cấp huyện được cấp lũy kế lên 18.592 triệu đồng. Đồng thời, có 43/151 xã đã cấp ngân sách bổ sung cho Quỹ HTND với tổng số tiền 451 triệu đồng; 126/151 cơ sở Hội được hỗ trợ kinh phí cho Quỹ HTND với số tiền lũy kế đạt trên 6.883 triệu đồng.
Nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn vay hỗ trợ cho các hộ hội viên, nông dân trong tỉnh đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với những hộ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, từ năm 2021 đến nay, Hội ND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ hỗ trợ nông dân”. Trong đó, các cấp Hội chú trọng đến công tác xây dựng, vận động các nguồn vốn để bổ sung vào Quỹ HTND, đồng thời hướng dẫn, giúp hội viên,nông dân phát huy hiệu quả nguồn vốn vay.
Hội ND tỉnh tranh thủ sự hỗ trợ, ủng hộ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và của tỉnh; mặt khác, tích cực vận động các tổ chức, cá nhân hộ sản xuất giỏi, hội viên, nông dân trong tỉnh tích cực đóng góp xây dựng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp. Nhờ áp dụng nhiều giải pháp linh hoạt, cụ thể, thiết thực, các cấp Hội đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cũng như đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn.
Hàng năm, các cấp Hội trong tỉnh đẩy mạnh việc triển khai thực hiện công tác tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích, nguyên tắc, nội dung hoạt động và hiệu quả của Quỹ HTND; tuyên truyền các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động Quỹ HTND của Trung ương Hội bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực. Tiêu biểu như: Tập trung tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội; trên Website của tỉnh Hội, Bản tin Nông dân Bình Định, xây dựng chuyên mục “Nông dân Bình Định” phát trên sóng Truyền hình Bình Định; tổ chức hội nghị tổng kết các dự án; đi tham quan các mô hình, điển hình vay vốn từ nguồn Quỹ HTND các cấp...
Kết quả, sáu tháng đầu năm 2023, Quỹ HTND các cấp tăng trưởng 7.025 triệu đồng, đạt 128% chỉ tiêu được giao. Trong đó: Ngân sách tỉnh cấp bổ sung 3.000 triệu đồng; các huyện cấp 2.380 triệu đồng; xã cấp 451 triệu đồng; từ nguồn vận động, bổ sung đạt trên 1.194 triệu đồng. Tiêu biểu có các đơn vị Hội cấp huyện đã triển khai tốt công tác vận động giúp tăng trưởng Quỹ HTND đạt cao như: Huyện Phù Mỹ đạt 180%, thị xã Hoài Nhơn đạt 171%, huyện Phù Cát đạt 82%, thành phố Quy Nhơn đạt 81%...
Hiện, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đang quản lý đạt trên 81.748 triệu đồng. Cụ thể: Nguồn vốn Trung ương Hội ủy thác 15.460 triệu đồng; nguồn vốn cấp tỉnh đang quản lý 22.775 triệu đồng; nguồn cấp huyện, xã 43.512 triệu đồng. 100% đơn vị Hội cấp xã đều đã xây dựng được nguồn Quỹ HTND và chuyển vốn về Quỹ cấp huyện quản lý theo đúng Hướng dẫn của Trung ương. Đồng thời, theo định kì các cấp Hội trực tiếp tiến hành giải ngân cho hội viên, nông dân ngay khi có dự án.
Đáng chú ý, một số đơn vị Hội ND các huyện, thị xã, thành phố nhờ làm tốt công tác tham mưu, vận động, tích cực xây dựng và phát triển nguồn Quỹ HTND đạt mức cao. Điển hình như: Huyện Phù Mỹ đạt 9.574 triệu đồng; thị xã Hoài Nhơn 6.430 triệu đồng; huyện Phù Cát 5.355 triệu đồng; thị xã An Nhơn 4.975 triệu đồng…
Từ nguồn vốn trên, các cấp Hội đã nhanh chóng triển khai việc giải ngân để giúp hội viên, nông dân trong tỉnh có thêm điều kiện đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình và vươn lên khá, giàu. Bên cạnh đó, góp phần hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình kinh tế mang lại giá trị cũng như đạt mức lợi nhuận cao trên cùng một đơn vị sản xuất.
Ban Thường vụ Hội ND tỉnh luôn quan tâm, tập trung chỉ đạo các cấp Hội triển khai thực hiện với phương châm xây dựng các dự án, mô hình có sử dụng vốn Quỹ HTND gắn với điều kiện thực tế của từng địa phương và nhu cầu của hội viên, nông dân. Đến nay, tổng dư nợ cho vay trong toàn tỉnh đạt 79.869 triệu đồng đang cho 2.528 hộ vay để triển khai thực hiện 539 dự án.
Theo đó, các dự án Quỹ HTND đã giải ngân tập trung đầu tư cho lĩnh vực chăn nuôi với 327 dự án (tỷ lệ 60%); trồng trọt 91 dự án (16,8%); đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản 55 dự án (10,1%); nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp và lĩnh vực khác có 71 dự án (13,1%). Công tác cho vay nguồn vốn Quỹ HTND các cấp được triển khai thực hiện đúng quy định của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Trong kỳ, Quỹ HTND tỉnh đã tiếp nhận và thẩm định hồ sơ dự án trình Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phê duyệt kinh phí 1.500 triệu đồng để triển khai dự án cho 20 hộ hội viên, nông dân vay. Bên cạnh đó, nguồn vốn cấp tỉnh quản lý, Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh đã hướng dẫn các huyện, thị, thành Hội sớm xây dựng kế hoạch, lập dự án để tiếp tục quay vòng vốn cho vay chu kỳ mới. Hiện đã tiếp nhận và thẩm định hồ sơ dự án trình Ban Thường vụ Hội ND tỉnh phê duyệt và giải ngân 8.500 triệu đồng thực hiện 25 dự án với 199 hộ vay.
Đối với nguồn vốn Quỹ HTND cấp huyện đang quản lý, đã giải ngân 9.902 triệu đồng triển khai tại 81 dự án cho 351 hộ hội viên, nông dân vay. Trong năm, các huyện, thị xã, thành phố vừa cho vay theo dự án, vừa cho vay theo đơn vay trực tiếp đến các hộ dân.
Cùng với đó, trong kỳ, Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh cũng đã tiến hành việc đôn đốc thu hồi 1.500 triệu đồng giải ngân cho 20 hộ vay để thực hiện dự án trước đó thuộc nguồn vốn do Trung ương Hội ủy thác; thu hồi 5.550 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh quản lý cho 143 hộ vay triển khai 18 dự án sản xuất, kinh doanh. Quỹ HTND cấp huyện đã thu hồi 4.052 triệu đồng của 458 hộ vay tại 68 dự án khác. Các hộ vay đều hoàn trả phí và gốc theo đúng quy định, trên địa bàn không có nợ quá hạn.
Nhìn chung, các mô hình, dự án đều đạt được hiệu quả kinh tế cao. Ước tính thu nhập bình quân đạt từ 40- 50 triệu đồng/hộ/năm; đặc biệt, có mô hình còn đạt mức thu nhập cao tới trên 1 tỷ đồng/năm… Thông qua các mô hình, dự án được triển khai tại các địa phương đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn mỗi năm.
Nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân liên kết, hợp tác sản xuất hàng hóa, phát huy hiệu quả hoạt động của các chi, tổ Hội ND nghề nghiệp gắn với hoạt động vay vốn từ Quỹ HTND, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã hỗ trợ thành lập mới 01 chi Hội nghề nghiệp và 03 tổ Hội nghề nghiệp. Cụ thể gồm: Chi Hội nghề nghiệp sản xuất nón ngựa Phú Gia tại xã Cát Tường (huyện Phù Cát); tổ Hội nghề nghiệp trồng bưởi da xanh tại xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân); tổ Hội nghề nghiệp sản xuất bánh tráng tại xã Mỹ Chánh Tây (huyện Phù Mỹ); tổ Hội nghề nghiệp sản xuất mộc dân dụng tại phường Hoài Xuân (thị xã Hoài Nhơn).
Hiện, các cấp Hội trong toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì hoạt động của 32 chi Hội nghề nghiệp, 110 tổ Hội nghề nghiệp, 16 Tổ hợp tác và 07 Hợp tác xã đang đầu tư sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
Đáng chú ý, nhiều mô hình, dự án liên kết đạt hiệu quả nhờ biết tận dụng tốt lợi thế vùng, phát huy được các thế mạnh của mỗi địa phương cũng đã góp phần hình thành nên những vùng sản xuất hàng hóa nông sản phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới. Tại một số địa phương cũng đã xuất hiện và hình thành những khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, dần xây dựng được thương hiệu đặc thù cho các mặt hàng nông sản có chất lượng.
Từ nguồn vốn vay 400 triệu đồng do Quỹ HTND Trung ương ủy thác, 10 hộ hội viên, nông dân ở xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước) được Hội ND xã hướng dẫn, vận động triển khai dự án trồng nấm rơm.
Có thêm nguồn lực hỗ trợ, các hộ đã đầu tư mua thêm nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, sắm thêm các trang thiết bị và mở rộng diện tích trồng nấm… Các cấp Hội còn hỗ trợ về kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn được phối hợp tổ chức trên địa bàn, nhờ đó nhiều hội viên, nông dân mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất. Sau 2 năm triển khai dự án, nhiều hộ hội viên, nông dân đã có mức thu nhập từ 300 triệu đồng/năm trở lên.
Hộ gia đình ông Huỳnh Phong Sa ở khu phố Trường Xuân Tây, phường Tam Quan Bắc (thị xã Hoài Nhơn) được xét cho vay 70 triệu đồng Quỹ HTND để đầu tư mở rộng quy mô nuôi tôm trên diện tích ao nuôi 6.000 m2. Được tiếp thêm nguồn vốn, cùng với nguồn lực tích lũy của gia đình, ông đã chuyển sang mô hình nuôi tổng hợp tôm, cua, cá theo hướng thân thiện với môi trường và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới.
Nhờ đó, mô hình phát triển ổn định, cho năng suất khá và đảm bảo được tính bền vững, bảo vệ môi trường. Ước tính bình quân thu nhập lãi ròng của gia đình ông đạt trên 120 triệu đồng/năm sau khi đã trừ hết mọi chi phí.
Hay như hộ ông Nguyễn Xuân Bá- là thành viên tổ Hội nghề nghiệp "Nuôi tôm hùm thương phẩm" thuộc chi Hội nuôi trồng thủy sản ở xã Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn) lại thành công nhờ mô hình nuôi thủy sản thâm canh theo công nghệ mới. Được hỗ trợ 40 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương Hội trong 36 tháng, có vốn ông đã đầu tư cải tạo lồng bè, mua thức ăn chăn nuôi.
Nhờ tích cực áp dụng những kiến thức khoa học kĩ thuật mới từ các lớp tập huấn của Hội tổ chức; đồng thời, ông còn chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình đã thành công khác trong huyện nên những lồng bè nuôi tôm hùm của gia đình ông ngày càng phát huy hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao.
Hiện, tổ Hội nghề nghiệp "Nuôi tôm hùm thương phẩm" đang có 10 hộ thành viên tham gia sinh hoạt. Bình quân hàng năm, bà con nông dân thu hoạch được hơn 15 tấn tôm hùm thương phẩm, mang lại nguồn lợi nhuận từ 80 - 100 triệu đồng/thành viên.
Hàng năm, các cấp Hội đã phối hợp và xây dựng trên 300 mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Tiêu biểu như: Mô hình trồng hoa, trồng rau an toàn, trồng dừa xiêm, sản xuất lúa giống, trồng hồ tiêu, trồng rừng, nuôi bò lai sinh sản, nuôi cá lồng bè…
Nguồn vốn vay từ Quỹ HTND đã giúp hội viên, nông dân trong tỉnh có điều kiện đầu tư cho sản xuất, duy trì và phát triển các mô hình kinh tế để vươn lên thoát nghèo. Quỹ HTND tỉnh cũng đã thể hiện rõ vai trò làm điểm tựa giúp hội viên, nông dân có thêm việc làm, tạo nguồn lực để phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo; góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương cũng như tạo diện mạo mới cho nông thôn. |