Xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nhờ vốn Quỹ HTND tiếp sức
10:07 - 09/01/2023
(Quỹ HTND) – Trong năm 2022, được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Hậu Giang đã giúp nguồn vốn Quỹ HTND tăng trưởng thêm 4.510 triệu đồng, đạt 100,98% chỉ tiêu được giao; trong đó, nguồn ngân sách địa phương cấp bổ sung hơn 3.615 triệu đồng, nguồn vốn vận động được 870 triệu đồng, bổ sung từ kết quả hoạt động 25 triệu đồng.


Đến nay, từ tỉnh đến các cơ sở Hội đều đã thành lập Ban vận động Quỹ HTND; 8/8 huyện, thị xã, thành phố tiến hành củng cố, kiện toàn Ban Điều hành và Ban Kiểm soát Quỹ. Đáng chú ý, 8/8 Hội ND cấp huyện xây dựng được nguồn vốn Quỹ HTND đạt mức trên 1 tỷ đồng/đơn vị; có 75/75 cơ sở Hội xây dựng được Quỹ HTND và đã chuyển 8.281 triệu đồng lên Quỹ cấp huyện quản lý.


Hiệu quả của việc trồng rau trong nhà lưới đã giúp nông dân huyện Phụng Hiệp sản xuất ra các loại rau có chất lượng tốt, được thị trường ưa chuộng nên có giá thành cao hơn

 
Một số điển hình làm tốt công tác vận động xây dựng Quỹ HTND như: Huyện Châu Thành A, chỉ tiêu giao 350 triệu đồng, đã tăng trưởng 550 triệu đồng (vượt 57% so chỉ tiêu tỉnh giao); huyện Châu Thành, chỉ tiêu giao 350 triệu đồng, tăng trưởng 470 triệu đồng (vượt 34%); thành phố Ngã Bảy, chỉ tiêu giao 300 triệu đồng, tăng trưởng 348 triệu đồng (vượt 16%). Ngoài ra, các đơn vị huyện còn lại trên địa bàn cũng đạt và vượt từ 12 - 15% so với chỉ tiêu được giao. 

 
Để đạt được những kết quả này, thời gian qua, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh bám sát, quan tâm triển khai thực hiện văn bản 1577-CV/VPTW ngày 20/8/2021 của Văn phòng Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư và Quyết định số 516/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ; các kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân về phát triển Quỹ HTND của Hội Nông dân Việt Nam.

 
Trên cơ sở đó, Hội ND tỉnh tham mưu các cấp kiện toàn Ban Vận động Quỹ HTND; xây dựng Kế hoạch tiếp tục thực hiện Đề án 966 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (giai đoạn 2021 – 2025). Đồng thời, chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tham mưu với cấp ủy, Ủy ban nhân dân cùng cấp kịp thời bổ sung, kiện toàn bộ máy cũng như chủ động xây dựng kế hoạch tiếp tục thực hiện Đề án 966 để trình Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt.

 
Bên cạnh đó, đối với những chương trình, đề án của tỉnh, các cấp Hội luôn xem trọng, thường xuyên tuyên truyền để cán bộ, hội viên, nông dân và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn hiểu rõ. Hội ND tỉnh cũng tập trung chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến trong hội viên, nông dân về các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với hoạt động Quỹ HTND.

 
Hình thức tuyên truyền được các cấp Hội tiến hành đa dạng, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội, các buổi sơ tổng kết công tác Hội, trên bản tin nông dân tỉnh Hậu Giang. Tập trung chỉ đạo Hội ND cấp huyện và xã phối hợp với phòng giao dịch ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu về hoạt động ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị quyết của Hội Đồng quản trị ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.

 
Hàng năm, bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp từ Trung ương đến địa phương, các cấp Hội trong tỉnh cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giúp hội viên, nông dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển Quỹ HTND.

 
Mặt khác, huy động sự ủng hộ, đóng góp từ các doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, các tổ chức, cá nhân và tranh thủ từ các chương trình, dự án để giúp hội viên, nông dân có thêm điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay, đầu tư phát triển các mô hình kinh tế đạt hiệu quả.
 

Kết quả, tổng nguồn vốn Quỹ HTND trong toàn tỉnh đang quản lí 48.912 triệu đồng. Cụ thể: Nguồn Trung ương ủy thác hơn 12.473 triệu đồng; nguồn ngân sách địa phương ở cả 3 cấp 27.607 triệu đồng; nguồn vốn vận động từ các cơ sở Hội 8.385 triệu đồng; nguồn bổ sung từ kết quả hoạt động 445 triệu đồng.

 
Tính đến ngày 30/11/2022, tổng dư nợ trong toàn tỉnh đạt 48.204 triệu đồng,  Quỹ HTND các cấp đã giúp đỡ 1.305 lượt hộ hội viên, nông dân vay vốn đầu tư phát triển 167 dự án sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Trong đó phân bổ vào các lĩnh vực gồm: Có 120 dự án trồng trọt (chiếm 71,8%); 26 dự án chăn nuôi (chiếm 15,5%); 17 dự án thủy sản (chiếm 10,17%); 04 dự án dịch vụ, làng nghề (chiếm 2,3%).

 
Đối với nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương ủy thác 12.473 triệu đồng được triển khai tại 25 dự án cho 337 hộ vay. Dư nợ nguồn vốn cấp tỉnh 6.675 triệu đồng với 19 dự án cho 142 hộ vay. Dư nợ nguồn Quỹ HTND cấp huyện 29.055 triệu đồng thực hiện 123 dự án cho 826 hộ vay.

 
Trong kỳ, đã có 15.594 triệu đồng được các cấp Hội tiến hành giải ngân xong cho 364 hộ vay để thực hiện 46 dự án. Theo đó, có 16 dự án trồng trọt (chiếm 34,7%); có 30 dự án chăn nuôi thủy sản (chiếm 65,2%).

 
Thông qua nguồn vốn trên, theo định kỳ, các cấp Hội đã chỉ đạo và triển khai việc giải ngân vốn kịp thời ngay khi có dự án. Qua đó, giúp cho hàng ngàn lượt hộ hội viên, nông dân trên địa bàn có thêm điều kiện vươn lên khấm khá; đồng thời, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

 
Cùng với hoạt động giải ngân cho vay vốn, Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh còn xây dựng kế hoạch tập huấn nghiệp vụ Quỹ ngay từ đầu năm, triển khai đến cấp huyện và cơ sở. Trong năm 2022, Hội ND tỉnh đã tổ chức lớp tập huấn về nghiệp vụ Quỹ HTND cho 80 học viên là cán bộ làm công tác quản lý Quỹ từ cấp huyện đến cơ sở tham dự, giúp trang bị thêm kiến thức và kỹ năng hoạt động.

 
Đồng thời, để giúp hội viên, nông dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn, Hội ND các cấp còn tích cực phối hợp với chính quyền cùng cấp tiến hành khảo sát để đảm bảo việc cho vay đúng đối tượng. Mặt khác, Hội còn phối hợp cùng ngành chức năng liên quan tổ chức các lớp tập huấn, tư vấn, hướng dẫn về phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương.

 
Đến nay, tại các địa phương trong tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều mô hình vừa phát triển kinh tế hiệu quả vừa gắn với việc xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Việc xây dựng và nhân rộng những mô hình có giá trị kinh tế cao còn là tiền đề để các cấp Hội ở cơ sở hướng dẫn, hình thành các mô hình chi, tổ Hội ND nghề nghiệp.

 
Một số mô hình kinh tế khi được xây dựng và triển khai còn giúp phát huy tốt những điều kiện, lợi thế sẵn có ở địa phương như: Dự án “Trồng bưởi da xanh” ở xã Thuận Hưng và thị trấn Vĩnh Viễn- huyện Long Mỹ; “Trồng nhãn Ido” ở thị trấn Một Ngàn- huyện Châu Thành A; “Sản xuất cây giống sạch bệnh” tại xã Phú Hữu và dự án trồng mít Thái ở xã Đông Phước A- huyện Châu Thành; “Trồng mít Thái, sầu riêng R6” ở xã Tân Thành- thị xã Ngã Bảy; nuôi ba ba ở xã Vị Thủy- huyện Vị Thủy và xã Hòa An- huyện Phụng Hiệp…

 
Địa bàn ấp Phú Lợi A và Phú Trí B, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành đã được các cấp Hội quan tâm, giải ngân nguồn vốn 500 triệu đồng cho 07 hộ hội viên, nông dân vay để triển khai thực hiện dự án trồng mít Thái siêu sớm trên tổng diện tích 4,5 ha. Mô hình được thực hiện nhằm giúp các hộ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát huy tốt lợi thế của địa phương để gia tăng giá trị và lợi nhuận.

 
Có vốn, các hộ vay đã tập trung đầu tư vào sản xuất, mua thêm cây giống, phân bón..., tích cực áp dụng khoa học kĩ thuật mới trên mô hình. Sau một thời gian thực hiện dự án, nhìn chung, các hộ vay đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Qua đánh giá, các vườn cây đều đang phát triển tốt, một số hộ còn tự nghiên cứu để sản xuất ra cây giống sạch bệnh và phân phối cho các hộ trong vùng với giá cả hợp lý, mang lại nguồn thu nhập khá, khoảng 150 triệu đồng/ha/năm trở lên.

 
Được nguồn vốn vay từ Quỹ HTND tương trợ, gia đình bà Võ Thị Đầm ở ấp Hòa Long B- thị trấn Kinh Cùng- huyện Phụng Hiệp đã phát triển thành công mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với trồng rau sạch các loại. Bên cạnh đó, được Hội ND và ngành khuyến nông hướng dẫn và tư vấn phương án sản xuất, bà đã mạnh dạn đầu tư thực hiện mô hình trồng rau sạch. Đến nay, gia đình bà xây dựng xong khu nhà lưới khép kín hiện đại với quy mô 500 m2 để gieo trồng các loại rau ăn lá.

 
Nhờ thường xuyên áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới vào sản xuất, tất cả các loại rau trồng trong vườn đều đang phát triển tốt. Bình quân sản lượng rau an toàn của gia đình bà đang cho thu hoạch từ 10- 20 kg/ngày.

 
Hiệu quả bước đầu của việc trồng rau trong nhà lưới đã giúp sản xuất ra các sản phẩm rau có chất lượng tốt hơn so với khi trồng ngoài môi trường bình thường, được thị trường ưa chuộng nên dễ bán và có giá thành cao hơn. Nhờ đó, nguồn thu nhập của gia đình bà ngày càng cao và ổn định.

 
Có thể thấy, nguồn vốn Quỹ HTND các cấp được hỗ trợ kịp thời đã giúp cho nhiều hộ hội viên, nông dân trên địa bàn thoát được nghèo; nhiều hộ còn vươn lên trở thành những tấm gương hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Đáng chú ý, thông qua các mô hình, dự án được triển khai tại các địa phương còn giúp giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại chỗ ở nông thôn.

 


Quang Công
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường