Đồng vốn nhỏ, lợi ích kinh tế lớn
15:21 - 12/06/2023
(Quỹ HTND) – Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, Hội Nông dân huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận đã hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận được nguồn vốn vay từ Quỹ HTND đầu tư phát triển sản xuất. Các mô hình bước đầu phát huy hiệu quả rõ rệt, tạo điều kiện giúp hội viên, nông dân mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống.

 
Đến nay, Hội Nông dân huyện quản lý gần 5 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp. Trong đó, nguồn vốn do Hội cấp trên ủy thác hơn 3 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách cấp cho Quỹ HTND huyện và vốn vận động được từ cấp cơ sở đạt 1,923 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên, các cấp Hội triển khai thực hiện 45 dự án trồng trọt và chăn nuôi với 300 lượt hộ hội viên, nông dân vay vốn.


 

Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi của các hộ hội viên, nông dân trên địa bàn được tiếp sức từ nguồn vốn Quỹ HTND giúp gia tăng sản lượng và nâng cao giá trị kinh tế


 
Song song với nguồn vốn vay từ Quỹ HTND, Hội Nông dân huyện còn chủ động triển khai thực hiện tốt công tác liên tịch với các ngân hàng trên địa bàn, giúp hội viên, nông dân dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, phát huy hiệu quả tiềm năng đất đai, cây trồng, vật nuôi là lợi thế của các địa phương để nâng cao thu nhập gia đình, vươn lên khá giàu.

 
Cụ thể, Hội Nông dân huyện phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai tốt các công đoạn ủy thác, hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với dư nợ đạt 130,087 tỷ đồng đang cho 3.992 hộ hội viên, nông dân vay thông qua 84 Tổ TK&VV. Đồng thời, Hội phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện hỗ trợ 1.724 lượt hộ vay 154,617 tỷ đồng để phát triển sản xuất trong các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại 108 Tổ Vay vốn.

 
Hiện nay, nhiều dự án, mô hình được triển khai đã và đang cho thấy đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực trong việc chuyển dịch nền sản xuất nông nghiệp của huyện theo hướng đa dạng hoá cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từ các nguồn vốn vay của Quỹ HTND các cấp đã mở hướng để giúp hội viên, nông dân có thêm nguồn đầu tư phát triển kinh tế gia đình, ngày càng làm ăn hiệu quả.

 
Được Quỹ HTND huyện tiếp sức kịp thời, hộ gia đình anh Nguyễn Văn Hải ở thôn Dân Trí, xã Thuận Hòa được xét vay 10 triệu đồng từ Quỹ HTND tỉnh, cộng thêm với vốn tự có của gia đình để mua 2 con bò về nuôi. Chỉ sau 2 năm chăm chỉ làm ăn, anh đã hoàn trả hết số vốn vay ban đầu.

 
Có nhu cầu mở rộng mô hình chăn nuôi, anh lại được các cấp Hội xét cho vay tiếp 40 triệu đồng nguồn Quỹ HTND Trung ương đầu tư mua thêm 3 con bò cái sinh sản thuộc giống bò lai Sind về chăm sóc. Anh đã mạnh dạn nghiên cứu và đem phối bò lai Sind với giống bò 3B để nâng cao lợi nhuận. Nhận thấy giống bò lai 3B có tầm vóc to khỏe, dễ nuôi, tăng trọng nhanh, nên gia đình anh quyết định đầu tư thêm 50 triệu đồng để mua 2 con bò giống nữa.

 
Ngoài ra, anh còn chịu khó học hỏi kiến thức và kinh nghiệm để ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn bằng cách tận dụng nguồn phụ phẩm từ phân bò đem ủ làm phân bón cho 500 trụ thanh long được trồng trong vườn; đồng thời, cắt cỏ từ vườn trồng thanh long để tự chủ động cung cấp thêm nguồn thức ăn thô xanh cho đàn gia súc. Đến nay, tổng đàn bò đã tăng trưởng lên đến hơn 10 con bò lai, ước tính nguồn thu nhập của gia đình anh Hải hiện đạt khoảng trên 400 triệu đồng.

 
Cũng được hưởng lợi từ Quỹ HTND, hộ gia đình anh Nguyễn Quốc Việt ở thôn Dân Lễ, xã Thuận Hòa được bình xét vay vốn mua con bò cái giống về nuôi để sinh sản. Với ý chí quyết tâm thoát nghèo, vươn lên làm giàu, anh đã tích cực cải tạo 1 ha đất màu sẵn có của gia đình để tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình tổng hợp.
 

Trong khu vườn, anh cải tạo đất để trồng 500 trụ thanh long, diện tích đất còn lại tiến hành sản xuất luân canh các loại cây lương thực, thực phẩm. Đồng thời, tận dụng những sản phẩm phụ của quá trình sản xuất nông nghiệp để dùng làm thức ăn tại chỗ cho bò.

 
Nhờ áp dụng những kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh tốt nên bò giống nhanh lớn, mỗi năm sinh sản thêm 1 bê con, bò đực sẽ tách chuồng để nuôi vỗ béo, còn bò cái tiếp tục nuôi làm bò giống sinh sản. Với hình thức chăn nuôi đó, từ 1 con bò cái giống ban đầu, qua 5 năm, anh đã xuất chuồng bán 3 con bò thịt thu về hơn 100 triệu đồng.

 
Có vốn, gia đình anh lại tiếp tục đầu tư đi mua bò cái giống về nuôi. Tổng đàn bò hiện nay đã nâng lên 15 con bò, mang lại nguồn thu nhập ổn định giúp gia đình anh vươn lên khá giàu.

 
Để nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng tiến hành khảo sát địa bàn để lựa chọn mô hình. Đồng thời, tổ chức họp chi Hội để bình xét hộ vay công khai, đảm bảo hoạt động cho vay vốn được triển khai đúng đối tượng, điều kiện vay, thời hạn và mức vay...


Các cấp Hội cũng thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt để trao đổi kinh nghiệm, đi tham quan những mô hình kinh tế hiệu quả giúp bà con nông dân có cơ hội được trực tiếp học hỏi và chia sẻ cách thức làm ăn với nhau. Nhờ đó, nguồn vốn Quỹ HTND đảm bảo tính công khai, dân chủ, tạo sự thống nhất cao trong tổ chức Hội.

 
Hàng năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện tập trung chỉ đạo các cấp Hội thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ Hội ở cơ sở để quản lý tốt nguồn vốn vay; chủ động lựa chọn những mô hình có tính khả thi để hướng dẫn và triển khai thực hiện.

 
Bên cạnh công tác giải ngân cho vay nguồn vốn, các cấp Hội cũng thường xuyên chủ động phối hợp với ngành chức năng trên địa bàn tổ chức các lớp dạy nghề, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất mới. Qua đó, giúp hội viên, nông dân được tiếp cận với những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nâng cao kiến thức, đem áp dụng vào sản xuất để biết cách phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng cũng như cách thức phòng tránh dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

 
Có thể thấy nguồn vốn Quỹ HTND không chỉ giúp hội viên, nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống mà còn giúp nâng cao nhận thức, thay đổi trong phương thức canh tác nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Từ đó, góp phần thúc đẩy hội viên, nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đồng thời, giúp phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh sẵn có của các địa phương.

 

Lê Quang
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường