Nguồn vốn Quỹ HTND tiếp sức các mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao
(Quỹ HTND) – Những năm qua, nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trên địa bàn tỉnh Long An đã và đang trở thành điểm tựa vững chắc giúp hội viên, nông dân mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập. Thông qua các mô hình, dự án được triển khai còn giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Các cấp Hội tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về những nội dung chủ yếu như: Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; mục đích và ý nghĩa của hoạt động Quỹ HTND… Trên cơ sở đó nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của cấp ủy và chính quyền các địa phương trong việc vận động, xây dựng phát triển nguồn vốn Quỹ HTND. Đồng thời, thông qua các hình thức tuyên truyền và qua những đợt kiểm tra định kỳ, tỉnh Hội cũng đã vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân sử dụng nguồn vốn đúng mục đích.
|
Việc xây dựng các mô hình kinh tế tập thể nhờ nguồn vốn Quỹ HTND cũng đang được các cấp Hội kết hợp với chỉ đạo triển khai phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần tăng thêm số hộ khá giàu và giảm hộ nghèo |
Ban Thường vụ Hội ND tỉnh chỉ đạo các cấp Hội làm tốt công tác vận động, tuyên truyền. Kết quả, sáu tháng đầu năm 2023, nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đã tăng trưởng gần 9,5 tỷ đồng (đạt hơn 170% so với chỉ tiêu được Trung ương giao); nâng lũy kế tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đang quản lý lên gần 74 tỷ đồng.
Đến nay, toàn tỉnh có 15/15 Hội ND huyện, thị, thành phố đã triển khai tốt công tác tổ chức vận động, xây dựng nguồn vốn Quỹ HTND. Trong đó, 14/15 đơn vị có nguồn vận động Quỹ cấp huyện đạt mức trên 1 tỷ đồng. Tiêu biểu như Hội ND huyện Thủ Thừa đã phát triển nguồn Quỹ HTND đạt 2.449 triệu đồng.
Bên cạnh đó, một số đơn vị Hội cũng tích cực xây dựng, vận động được nguồn vốn ở mức cao như các huyện: Bến Lức (1.803 triệu đồng); Đức Hòa (1.455 triệu đồng); Cần Đước (1.376 triệu đồng); Cần Giuộc (1.311 triệu đồng); Châu Thành (1.251 triệu đồng). Ngoài ra, có 185/185 xã, phường, thị trấn phát triển nguồn vốn Quỹ HTND và đã chuyển giao về cho Hội cấp trên quản lý.
Từ nguồn vốn trên, các cấp Hội đang triển khai công tác giải ngân nguồn vốn đạt gần 22 tỷ đồng để thực hiện 69 dự án sản xuất, kinh doanh, với hơn 580 hội viên, nông dân được hỗ trợ vay vốn. Trong đó, nguồn vốn do Trung ương phân bổ đã tiến hành giải ngân tại 5 dự án; nguồn vốn từ ngân sách tỉnh ủy thác đã giải ngân cho 19 dự án; còn lại là nguồn vốn do cấp huyện quản lý.
Để nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng tiến hành khảo sát địa bàn để lựa chọn mô hình. Đồng thời, tổ chức họp chi Hội để bình xét hộ vay công khai, đảm bảo hoạt động cho vay vốn được triển khai đúng đối tượng, điều kiện vay, thời hạn và mức vay...
Bên cạnh công tác giải ngân nguồn vốn vay, các cấp Hội cũng thường xuyên chủ động phối hợp ngành chức năng trên địa bàn tổ chức các lớp dạy nghề, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất mới. Qua đó, giúp hội viên, nông dân được tiếp cận với những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nâng cao kiến thức, đem áp dụng vào sản xuất để biết cách phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng cũng như cách thức phòng tránh dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Tại nhiều địa phương đã tập trung nguồn lực đầu tư các mô hình kinh tế theo thế mạnh từng vùng, từng địa phương, phát triển được nhiều mô hình kinh tế liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Một số mô hình đã và đang mang lại hiệu quả rõ nét, được các cấp Hội tiếp tục quan tâm nhân rộng.
Thực tế cho thấy, hoạt động của Quỹ HTND các cấp ngày càng phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Đồng thời, đáp ứng tốt nhu cầu về nguồn vốn vay của hội viên, nông dân trong tỉnh để đầu tư phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh, giúp phát huy được những tiềm năng, lợi thế ở các địa phương.
Hiện, nhiều địa phương đã hình thành và phát triển các loại hình tổ, nhóm nông dân liên kết, hợp tác thông qua nguồn vốn vay của Quỹ HTND các cấp. Tiêu biểu như mô hình nuôi tôm được các cấp Hội chỉ đạo triển khai ở địa bàn xã Phước Vĩnh Đông- huyện Cần Giuộc.
Với nguồn vốn vay 860 triệu đồng từ Quỹ HTND được giải ngân để kịp thời hỗ trợ và giúp đỡ các hộ dân trong xã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất ngành nghề nuôi tôm theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Sau thời gian triển khai, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Ước tính thu nhập bình quân của mỗi hộ nuôi tôm trong xã đã tăng từ 200- 300 triệu đồng/năm.
Hội ND huyện Đức Hòa triển khai xây dựng dự án chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao tại địa bàn xã Hòa Khánh Nam cũng cho thấy mang lại kết quả tốt. Theo đó, từ 600 triệu đồng nguồn vốn Quỹ HTND, 20 hộ hội viên, nông dân ở ấp Thuận Hòa 1 và Thuận Hòa 2 được giải ngân vay để triển khai mô hình chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, tổng đàn bò đã xuất chuồng được 180 con, sau khi trừ mọi chi phí, bình quân mỗi hộ tham gia dự án có nguồn thu nhập đạt từ 60- 70 triệu đồng.
Bên cạnh việc hướng dẫn triển khai, các cấp Hội còn tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng mô hình các Tổ hợp tác, Hợp tác xã... thực hiện chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Đồng thời, tăng cường phối hợp tổ chức các buổi hội thảo, tổng kết, đánh giá mô hình, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến khích hội viên, nông dân đẩy mạnh sản xuất an toàn theo các tiêu chuẩn: VietGAP, GlobalGAP, OCOP...
Đáng chú ý, thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Long An đã tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực thực hiện kế hoạch triển khai đề án.
Ban Thường vụ Hội ND tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp Hội tích cực hưởng ứng, tập trung nguồn lực xây dựng các mô hình Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thông qua nguồn vốn vay từ Quỹ HTND, các cấp Hội đã hướng dẫn, xây dựng 395 dự án cho 2.167 hộ hội viên, nông dân vay với kinh phí trên 67,91 tỉ đồng.
Đã có nhiều công nghệ tiên tiến được hội viên, nông dân trong tỉnh tích cực triển khai đầu tư và ứng dụng vào hoạt động sản xuất như: Hệ thống tưới thông minh, tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt; nhà lưới, nhà kính; giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; ứng dụng các loại máy móc cơ giới hóa (máy phun phân đeo vai, máy phun thuốc tự hành, máy cấy, máy thu hoạch và cuộn rơm); các loại phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học...
Điển hình như các mô hình sản xuất công nghệ cao trên lúa, rau, cây ăn quả theo hướng hữu cơ, nuôi thủy sản nước ngọt, nuôi bò thịt chất lượng cao đang triển khai thực hiện ở địa bàn các huyện gồm: Đức Huệ, Mộc Hóa, Tân Hưng, Thủ Thừa, Châu Thành, Cần Đước, Cần Giuộc, thành phố Tân An...
Mặt khác, Hội ND tỉnh cũng phối hợp xây dựng 16 Hợp tác xã điểm trong vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 5 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thực hiện theo Nghị quyết của Tỉnh ủy. Cụ thể, các mô hình đang được triển khai áp dụng trên cây lúa, rau màu, cây thanh long với diện tích canh tác 120,51 ha thuộc địa bàn các huyện Cần Đước, Thạnh Hóa và Cần Giuộc với tổng kinh phí hỗ trợ 1,4 tỷ đồng.
Qua đánh giá, mức thu nhập của các hộ thành viên Hợp tác xã đang cao hơn so với các hộ không phải thành viên khoảng 30%. Hàng năm, doanh thu bình quân ước tính tăng thêm khoảng 390 triệu đồng/ Hợp tác xã (tăng trên 17%). Bên cạnh đó, nhiều mô hình kinh tế tập thể đã thể hiện rõ nét vai trò làm cầu nối gắn người sản xuất với doanh nghiệp trong chuỗi tiêu thụ sản phẩm, mang lại ngày càng nhiều hơn những lợi ích thiết thực cho hội viên, nông dân.
Số lượng Tổ hợp tác và Hợp tác xã do các cấp Hội hỗ trợ thành lập tăng lên theo từng năm với chất lượng ngày càng được cải thiện và nâng cao. Nhìn chung, các mô hình Tổ hợp tác, Hợp tác xã hoạt động hiệu quả xuất hiện ngày càng nhiều đã góp phần tích cực trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế của các hộ thành viên tham gia, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương.
Việc xây dựng các mô hình kinh tế tập thể cũng đang được các cấp Hội kết hợp với chỉ đạo triển khai phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tại các huyện, thị, thành phố. Nhờ đó, góp phần tăng thêm số hộ khá giàu và giảm hộ nghèo. Tại nhiều địa phương đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình kinh tế hiệu quả, xây dựng được những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu có sức tiêu thụ và cạnh tranh cả ở thị trường trong nước và thế giới. Theo thống kê, toàn tỉnh có 33 sản phẩm đạt chuẩn OCOP; trong đó có 19 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 14 sản phẩm đạt hạng 3 sao...
Ước tính bình quân mỗi năm các cấp Hội đã luân phiên hỗ trợ cho trên 1.500 hộ hội viên, nông dân có vốn sản xuất, hướng dẫn xây dựng trên 80 mô hình kinh tế mang lại hiệu quả, góp phần hình thành các tổ Hội nghề nghiệp, chi Hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, Hợp tác xã. Thông qua các mô hình được triển khai trên địa bàn còn tạo điều kiện cho các hộ nông dân chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nhằm tạo ra ngày càng nhiều loại sản phẩm nông sản sạch, an toàn. |