Trợ vốn giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất
10:38 - 07/03/2023
(Quỹ HTND) – Những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn vay nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất trong thời kỳ mới của nền nông nghiệp hàng hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các cấp Hội đổi mới trong phương thức cho vay và giải ngân nguồn vốn.

Cụ thể, các cấp Hội đã tập trung thực hiện, chuyển từ phương thức cho vay theo từng hộ đơn lẻ sang mô hình các tổ liên kết và dần chuyển đổi sang cho vay theo dự án gắn với xây dựng mô hình các chi, tổ Hội nghề nghiệp, Tổ hợp tác, Hợp tác xã. Theo đó, quy mô đầu tư vốn vay cho mỗi dự án cũng được thay đổi, từ mức 300 triệu đồng/dự án nâng lên thành 1,5 tỷ đồng/dự án.


Nhiều mô hình, dự án liên kết đạt hiệu quả nhờ tận dụng lợi thế vùng, phát huy được các thế mạnh của mỗi địa phương cũng đã góp phần hình thành nên những vùng sản xuất hàng hóa nông sản phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới



Thông qua nguồn vốn vay của Quỹ HTND các cấp, hàng nghìn lượt hộ hội viên, nông dân trên địa bàn đã được hỗ trợ kịp thời, có thêm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Nhiều mô hình, dự án vay vốn đang chuyển đổi theo hướng thành lập các tổ, nhóm liên kết, cùng sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm giúp tăng năng suất và chất lượng, mang lại hiệu quả thiết thực.

 
Đáng chú ý, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã tham mưu với Tỉnh uỷ ban hành Đề án 01 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội ND các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”. Bước đầu cho thấy Đề án được các cấp, các ngành quan tâm và ủng hộ. Trên cơ sở đó, hàng năm, ngân sách tỉnh phê duyệt, cấp bổ sung nguồn vốn từ ngân sách cho Quỹ HTND hoạt động (trong năm 2022, nguồn cấp tỉnh tăng 2 lần và cấp huyện tăng 3 lần so với năm 2021).

 
Tính đến hết năm 2022, nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh tăng trưởng 6.964 triệu đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ HTND lên 46,01 tỷ đồng. Trong đó: Nguồn ủy thác của Trung ương Hội 14,85 tỷ đồng; nguồn ngân sách tỉnh cấp 12,24 tỷ đồng; ngân sách huyện cấp 9,9 tỷ đồng; nguồn vận động được trên 8,9 tỷ đồng.

 
Đến nay, Quỹ HTND trở thành kênh dẫn vốn quan trọng trong mối quan hệ mật thiết giữa các cấp Hội và hội viên, nông dân. Qua các năm, Quỹ HTND các cấp không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động để phù hợp với thực tế tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng như phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của các địa phương, dần đáp ứng nhu cầu vay vốn của hội viên, nông dân trong tỉnh. Hiện, 10/10 Quỹ HTND các huyện, thành phố đang hoạt động hiệu quả, 100% cơ sở Hội đều đã phát triển được nguồn vốn Quỹ HTND.

 
Từ nguồn vốn này đã giải quyết cho hàng nghìn lượt hội viên, nông dân được vay vốn phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Dư nợ nguồn ủy thác của Trung ương Hội 14,85 tỷ đồng đang triển khai cho 431 hộ vay tại 36 dự án; trong đó 2 dự án trồng trọt, 31 dự án chăn nuôi, 3 dự án thủy sản.

 
Đối với nguồn vốn cấp tỉnh quản lý 12,2 tỷ đồng cũng đang triển khai xây dựng 42 dự án với 429 hộ hội viên, nông dân tham gia vay (có 3 dự án trồng trọt, 37 dự án chăn nuôi, 2 dự án thủy sản). Nguồn vốn cấp huyện quản lý và nguồn vận động từ cơ sở 17,6 tỷ đồng được giải ngân cho 607 hộ vay tại 106 dự án sản xuất, kinh doanh.

 
Qua đánh giá, 100% hộ vay đều sử dụng đồng vốn đúng mục đích, bước đầu đem lại hiệu quả. Nguồn vốn vay của Quỹ HTND các cấp đã giúp hội viên, nông dân có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, tạo công ăn việc làm. Tại nhiều địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, được các cấp, các ngành đánh giá cao.

 
Tiêu biểu như: Dự án “Chăn nuôi trâu sinh sản” tại xã Thu Phong và xã Tây Phong (huyện Cao Phong), thị trấn Ba Hàng Đồi (huyện Lạc Thủy), xã Lạc Thịnh (huyện Yên Thủy), xã Tú Sơn (huyện Kim Bôi); dự án “Chăn nuôi dê sinh sản” xã An Bình (huyện Lạc Thủy); dự án “Chăn nuôi bò sinh sản” xã Tự Do (huyện Lạc Sơn), xã Mai Hịch, xã Xăm Khòe (huyện Mai Châu); dự án “Chăn nuôi bò vỗ béo” xã Yên Trị (huyện Yên Thủy)… 

 
Bên cạnh đó, các cấp Hội đã chú trọng việc cho vay theo các dự án, mô hình điểm có sự liên kết của các tổ hợp tác, chi, tổ Hội nghề nghiệp hoặc các nhóm hộ. Qua đó, đã giúp hình thành nên mô hình các chi, tổ Hội, Tổ hợp tác, Hợp tác xã tập trung đầu tư phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm gia tăng thu nhập cho các hộ nông dân tham gia.

 
Từ các mô hình, dự án được triển khai từ nguồn vốn Quỹ HTND, các cấp Hội đã hướng dẫn thành lập 314 Tổ hợp tác, 36 chi Hội ND nghề nghiệp với 845 thành viên, 220 tổ Hội ND nghề nghiệp với 2.450 thành viên. Các nhóm hộ nông dân ngày càng chủ động, tăng cường sự liên kết chặt chẽ trong quá trình sản xuất, kinh doanh để tạo ra những mặt hàng nông sản có chất lượng và giá trị cao hơn.

 
Để tạo thêm kênh dẫn vốn đa dạng nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân trong tỉnh, các cấp Hội chủ động triển khai hiệu quả hoạt động phối hợp nhận ủy thác nguồn vốn vay với các ngân hàng trên địa bàn. Đến hết năm 2022, tổng dư nợ của các chương trình phối hợp được ký kết giữa Hội ND với các ngân hàng trong tỉnh đạt hơn 3.462 tỷ đồng.

 
Các nguồn vốn vay thực sự đã trở thành nguồn lực quan trọng, hỗ trợ, giúp hội viên, nông dân đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình, gia tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Đồng thời, góp phần giải quyết nhiều việc làm cho các lao động nhàn rỗi ở nông thôn.

 
Cụ thể, dư nợ của các chương trình tín dụng ưu đãi giữa ngân hàng CSXH ủy thác với tổ chức Hội ND đạt trên 1.041 tỷ đồng thông qua 654 Tổ TK&VV với 25.135 hộ thành viên tham gia vay vốn.

 
Cùng với đó, các cấp Hội chủ động phối hợp với chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp & phát triển nông thôn tỉnh về việc thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55, Nghị định 116 của Chính phủ. Hiện, tổng dư nợ cho vay qua 914 Tổ Vay vốn đạt 2.457 tỷ đồng với 25.473 thành viên vay.

 
Các cấp Hội còn phối hợp với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt Postbank giới thiệu tổ chức quy trình vay vốn và thành lập Tổ Vay vốn liên kết; tổng dư nợ đạt 40,42 tỷ đồng cho 1.103 hộ vay vốn thông qua 140 Tổ Liên kết.

 
Hàng năm, các cấp Hội phối hợp với Ngân hàng CSXH làm tốt công tác tuyên truyền về các chủ trương chính sách tín dụng; phối hợp triển khai công tác kiểm tra giám sát tại các xã, phường, thị trấn, Tổ TK&VV và các hộ vay vốn theo đúng quy trình; tổ chức họp giao ban định kỳ. Các cấp Hội đã triển khai thực hiện tốt các công đoạn nhận ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp hội viên, nông dân phát triển kinh tế, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn tỉnh.

 
Để nâng cao hiệu quả đồng vốn vay, các cấp Hội chủ động phối hợp các Sở, ngành liên quan tổ chức 98 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 5.553 hội viên, nông dân. Nguồn vốn vay đã giúp hàng ngàn hội viên, nông dân trong tỉnh mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm và gia tăng thu nhập. Đồng thời, góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng hàng hóa, phát huy tốt các tiềm năng, thế mạnh của các địa phương.

 
Được hỗ trợ kịp thời nguồn vốn vay, hội viên, nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư mua thêm cây, con giống, xây dựng chuồng trại, ứng dụng khoa học kĩ thuật mới trong chăn nuôi, trồng trọt, hình thành những mô hình hay, đạt hiệu quả. Đa số hội viên tham gia thực hiện các dự án vay vốn đều có ý thức xây dựng mô hình, sử dụng đúng mục đích nhằm phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn; đồng thời, có trách nhiệm hoàn trả vốn vay khi đến thời hạn đúng quy định.

 
Nhiều mô hình, dự án liên kết đạt hiệu quả nhờ tận dụng lợi thế vùng, phát huy được các thế mạnh của mỗi địa phương cũng đã góp phần hình thành nên những vùng sản xuất hàng hóa nông sản phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới. Tại một số địa phương cũng đã xuất hiện và hình thành những khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, dần xây dựng được thương hiệu đặc thù cho các mặt hàng nông sản có chất lượng như: Rau hữu cơ Lương Sơn; dưa Lạc Thủy; cam Cao Phong; bưởi đỏ Tân Lạc…

 
Để tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND, thời gian tới, các cấp Hội trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu sắc mục đích, ý nghĩa của Quỹ HTND; tiếp tục duy trì, củng cố và phát triển hoạt động Quỹ HTND trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam giao; tăng cường phối hợp với Ngân hàng CSXH, Ngân hàng Nông nghiệp & phát triển nông thôn, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt Postbank để hỗ trợ thêm ngày càng nhiều hội viên, nông dân được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi thông qua các chương trình, dự án và các kênh vay vốn của Hội.

 

Quang Thanh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường