Vươn lên cùng đồng vốn nghĩa tình
16:53 - 27/03/2018
(Quỹ HTND)- Thời gian qua, các cấp Hội trong cả nước đã tích cực phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn (NN-PTNT) và Ngân hàng Chính sách xã hội hõ trợ nông dân vay vốn, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống.
Nông dân Tuyên Quang vay vốn phát triển nghề trồng nấm


Điển hình như gia đình ông Lý Thanh Đường, thôn Trường Sơn, xã Chân Sơn (Yên Sơn, Tuyên Quang) là hộ nông dân tiêu biểu trong sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ở địa phương. Năm 2016, ông Đường được vay 100 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT. Cùng với vốn của gia đình, ông Đường đã đầu tư phát triển mô hình trồng các loại hoa như cúc, lay ơn, ông trồng thêm 100 gốc bưởi da xanh. Từ mô hình trên, năm vừa qua, gia đình ông thu nhập trên 100 triệu đồng.

 
Hay gia đình bà Vũ Thị Vân, xã Thổ Bình (Lâm Bình) chăn nuôi lợn nái sinh sản, lợn thịt và bán hàng tạp hóa đạt 200 triệu đồng/năm; gia đình ông Hà Văn Đức, xã Phù Lưu (Hàm Yên) trồng cam đạt 600 triệu đồng/năm; ông Lê Đình Bốn, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) trồng cây ăn quả đạt trên 100 triệu đồng/năm...


Ngoài Ngân hàng NNPTNT, hộ nghèo còn được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH. Năm 2015, gia đình chị Vi Thị Hà, thôn Nà Khuyến, xã Yên Hoa (Na Hang) thông qua Hội ND, chị được vay 30 triệu, kết hợp với vốn của gia đình, chị đầu tư phát triển nuôi trâu, bò sinh sản. Hiện nay, gia đình có 4 con trâu và 2 con bò, mỗi năm gia đình chị có nguồn thu nhập 40 triệu đồng. 

 
Tính đến đầu năm 2018, Hội Nông dân các cấp tỉnh Tuyên Quang đã nhận ủy thác Ngân hàng CSXH giúp 19.614 hộ nông dân vay với tổng dư nợ trên 553,6 tỷ đồng. Thông qua 671 tổ liên kết vay vốn đã có 13.437 thành viên được vay với tổng dư nợ 653,6 tỷ đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT.


Anh Lò Văn Ngoan (bản Co Lẹ, xã Nậm Mạ, huyện Sìn Hồ, Lai Châu) cho biết: Khi mới chuyển lên bản tái định cư, gia đình không có vốn để chăn nuôi. Gia đình anh đã mạnh dạn vay vốn của Agribank Sìn Hồ để xây dựng chuồng trại, mở rộng chăn nuôi dê và cá lồng tại khu vực lòng hồ Thủy điện Sơn La.


Nhờ nguồn vốn và sự định hướng phát triển đúng đắn của Ngân hàng, gia đình anh đã trả hết nợ, thoát nghèo và có điều kiện cho con ăn, học đầy đủ. Thu nhập của gia đình ổn định trung bình khoảng 150 triệu đồng/năm.


Đến nay, Agribank Sìn Hồ đã cơ bản đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân 22 xã, thị trấn trong huyện. Đến 31/3/2018, tổng dư nợ cho vay của đơn vị đạt hơn 500 tỷ đồng. Trong đó, cho vay doanh nghiệp và tổ chức hơn 186 tỷ đồng; vay hộ sản xuất và cá nhân hơn 315 tỷ đồng.


Nhằm đảm bảo nguồn vốn mang lại hiệu quả cho các hộ dân, trước khi tiến hành giải ngân, bà con nông dân được hướng dẫn xây dựng chuồng trại chăn nuôi, kỹ thuật chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi, nhờ đó nâng cao hiệu quả và giảm thiểu rủi ro trong sử dụng vốn.

 
Để sát cánh cùng nông dân trong phát triển kinh tế, Hội Nông dân xã Tịnh Bắc(Sơn Tịnh) Quảng Ngãi phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng CSXH huyện Sơn Tịnh thành lập 13 tổ vay vốn, số dư nợ hiện nay trên 25 tỷ đồng, với gần 1.100 lượt hộ nông dân vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất.


Ngoài ra, Hội còn lập các dự án vay vốn từ nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân hơn 300 triệu đồng cho hội viên, nông dân vay vốn phát triển sản xuất. Nhiều mô hình kinh tế, với những giống cây trồng, vật nuôi mới được nông dân triển khai có hiệu quả. Toàn xã có 7 trang trại sản xuất theo hướng hàng hóa, đạt giá trị khoảng 1,5 tỷ đồng...


Bằng sự hỗ trợ từ các nguồn vốn, từng bước hội viên, nông dân vươn lên vượt qua hoàn cảnh khó khăn, khẳng định ý chí, quyết tâm thoát đói nghèo và làm giàu.

Mạnh Trần
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng